Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
5 cổ phiếu cần quan tâm ngày 9/4
Thanh Thuý - 09/04/2015 06:22
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 9/4 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
PVX ra khỏi diện bị kiểm soát từ 8/4
Hơn 21 triệu cổ phần Licogi sắp bung hàng
Tâm lý nhà đầu tư nhạy cảm với tin đồn

1. TCM: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

TCM, cổ phiếu cần quan tâm

Năm 2015 là năm hoạt động ổn định và chủ yếu tập trung cho việc xây dựng và vận hành nhà máy mới để chuẩn bị cho tăng trưởng tốt hơn vào năm 2016 của CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM). Về dài hạn,chúng tôi cho rằng việc sở hữu chuỗi dây chuyền sản xuất khép kín với năng lực sản xuất ngày càng gia tăng sẽ là yếu tố tạo ra sự bứt phá về doanh doanh thu và lợi nhuận cho công ty từ năm 2016.

BVSC đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu TCM với mức giá mục tiêu 40.700 đồng/CP. Với tìm năng còn khá hấp dẫn của ngành, TCM là doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt và đáng để xem xét cho danh mục đầu tư trung và dài hạn.

2. HKB: Khuyến nghị mua trung và dài hạn

CTCK MaritimeBank (MSBS)

Năm 2015 đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của cổ phiếu CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội Kinh Bắc (mã HKB) khi HKB chính thức được niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội.

Với động lực từ kết quả hoạt động kinh doanh khởi sắc trong năm 2014, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư gia tăng năng lực sản xuất khi dây chuyền và nhà máy chế biến tiêu và nông sản sẽ hoàn thành trong năm 2015, HKB tự tin đặt kế hoạch tăng trưởng vượt bậc (Doanh thu và lợi nhuận tăng gấp 3 lần kết quả thực hiện năm 2014) và mức chi trả cổ tức 15%, tương đương năm 2014.

Theo kế hoạch, HKB sẽ chào sàn với mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu – một mức giá khá hấp dẫn, đây sẽ là cơ hội mới cho nhà đầu tư trong năm 2015. Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu HKB cho mục tiêu trung và dài hạn.

3. SPM: Lạc quan với cơ hội đầu tư

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết quả kinh doanh năm 2014 của CTCP S.P.M (mã SPM) với doanh thu thuần đạt 557 tỷ đồng, tăng 26,43% so với năm 2013. Dòng sản phẩm Vitamin và khoáng chất nổi bật là nhãn hàng VyVita là dòng sản phẩm mang lại doanh thu lớn nhất cho SPM. Tuy nhiên tỷ trọng sản phẩm này đang có xu hướng giảm dần với tỷ trọng đóng góp vào doanh thu lên đến 41,7% năm 2012 chỉ còn 28,26% năm 2013.

Doanh thu đến từ 2 mảng chính: hàng tự sản xuất (52%) và hàng phân phối (47%). Trong đó biên hàng phân phối chỉ 10% nhưng mang lại thị trường cho các sản phẩm của SPM sau này.

Nguồn vốn lưu động eo hẹp do danh mục khách hàng tập trung và thời gian trả nợ lên đến 6 tháng. 70% hàng hóa đầu ra của SPM được mua lại bởi cổ đông lớn là Công ty TNHH Đô Thành với thời gian trả tiền lên đến 6 tháng. Doanh nghiệp có chia sẻ nguyên nhân do công ty Đô Thành chủ yếu cung cấp cho kênh bệnh viên (ETC) nên thời gian trả tiền lâu hơn so với bán ra kênh nhà thuốc (OTC).

Lợi nhuận sau thuế đạt 132,5 tỷ đồng tăng 103% so với năm 2013. Lợi nhuận tăng đột biến do năm 2013, SPM thanh lý khoản đầu tư vào Công ty cổ phần kỹ thuật Hữu Nghị, lỗ 12,25 tỷ đồng.

Năm 2015, SPM có nhiều kế hoạch tái cấu trúc đối với danh mục sản phẩm hiện tại. Theo chia sẻ từ doanh nghiệp SPM sẽ giảm bớt mặt hàng phân phối thay vào đó là gia tăng các sản phẩm mới như sản phẩm Ung thư, sản phẩm làm đẹp (collagen) và các sản phẩm thuộc dòng tiêu hóa, tiểu đường.

Sản phẩm ung thư (Oncostat) được kỳ vọng là sản phẩm mang lại doanh thu lớn trong năm 2015. Sản phẩm ung thư này có giá bán khoảng 2 triệu đồng/hộp 60 viên phân phối chủ yếu qua kênh bệnh viện (ETC) và mang lại biên lợi nhuận gộp khoảng 30% cho SPM. Năm 2014, sản phẩm này đã được SPM tiến hành tung ra tiêu thụ trên thị trường với doanh thu 9 tháng 2014 đạt 20 tỷ đồng.

Nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều vào vốn vay tác động đến tăng trưởng của SPM. SPM chịu ảnh hưởng nhiều từ những quyết định đâu tư ngoài ngành trong quá khứ và vẫn chưa thể thoái vốn tính đến thời điểm này đối với phần góp vốn 35 tỷ đồng vào hai dự án mỏ đá tại Hà Tĩnh và Yên Bái hay dự án Bất Động Sản tại Long Trường. Với số vốn bị đóng băng tại các dự án ngoài ngành, SPM có khá ít vốn cho các dự án đầu tư cho hoạt động kinh doanh của họ và điều này ảnh hưởng nhiều đến các kế hoạch tăng trưởng của SPM. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, hiện tại hai dự án mỏ đá này đã được một đối tác nước ngoài đầu tư vào khai thác và dự kiến trong năm 2016 SPM sẽ có doanh thu từ mỏ đá này. Tuy nhiên, SPM vẫn giữ nguyên quan điểm thoái vốn ngoài ngành tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Với kế hoạch tái cấu trúc doanh mục sản phẩm, cải thiện lợi nhuận biên dự kiến mang lại tăng trưởng lợi nhuận 30% đạt 52 tỷ đồng năm 2015, EPS dự kiến đạt 3.790 đồng và P/E forward là 6,3x thấp hơn nhiều so với P/E trung bình ngành là 10,9x

Với kế hoạch tái cấu trúc danh mục sản phẩm, giảm tỷ trọng hàng phân phối cũng như các thôngq tin khả quan về các khoản đầu tư ngoài ngành và việc SPM đang giao dịch ở giá chưa bằng 1/2 giá trị sổ sách, P/E forward hấp dẫn chỉ ở mức 6,3x, chúng tôi nhận định lạc quan với cơ hội đầu tư vào SPM.

4. VHL: Sẽ đạt tiến độ dự án nhà máy gạch clinker Viglacera

CTCK MB (MBS)

VHL công bố kết quả kinh doanh năm 2014 khả quan với doanh thu đạt mức 1.446 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 83,4 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Trong năm 2015, VHL tiếp tục đặt ra kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu mục tiêu là 1.558 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 126 tỷ đồng. Công ty phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,3 triệu USD.

Công ty đã lên kế hoạch tiếp tục đầu tư dự án điều chỉnh nhà máy gạch clinker Viglacera. Tổng giá trị dự toán cho các gói thầu xây dựng nhà máy trong giai đoạn 2014 – 2015 là 115,05 tỷ đồng. Công ty phấn đấu sẽ đạt tiến độ dự án (tiến độ sản xuất thử vào tháng 5 2015).

Trong quý I và quý II/2015, Công ty sẽ tiến hành đầu tư trạm khí hóa than số 4 tại nhà máy gạch Cotto Giếng Đáy, nhằm thay thế cho trạm khí hóa than số 1 hiện đã đến giới hạn tuổi thọ. Công ty cũng đang nghiên cứu chuyển đổi nhà máy gạch Hoành Bồ từ sản xuất hỗn hợp gạch và ngói sang sản xuất 100% ngói. Công ty phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư trong năm 2015 và đầu tư trong năm 2016.

Trong năm 2014, VHL đã tăng vốn thành công đưa mức vốn điều lệ lên 160 tỷ đồng qua đó VHL có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư vào các dự án của Công ty.

5. DQC: PE ước đạt 7,6 lần, tương đương trung bình ngành

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

ĐHCĐ DQC vừa thông qua kế hoạch 2015 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 1.260 tỷ đồng, tăng 3% so với năm ngoái và lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, bằng 65% kết quả 2014. Cổ tức dự kiến 2015 sẽ là 20% bằng tiền mặt hoặc cổ tức. Ngoài ra, do KQKD 2014 vượt mong đợi nên HĐQT sẽ tăng cổ tức 2014 (đã tạm ứng 20% bằng cổ phiếu ngày 15/1/2015) thêm 10% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt.

Tổng doanh thu 2014 của DQC tăng 54% so với năm trước trong đó, nội địa tăng 42% và xuất khẩu tăng 74% so với năm trước. Kết quả tăng trưởng tốt của (1) nội địa là nhờ đa dạng hóa về mặt hàng (275 sản phẩm đèn mới, trong đó có 154 đèn led – đang là xu hướng của công nghệ chiếu sáng) và kênh phân phối (truyền thống, hiện đại, bán hàng qua mạng và công trình) và của (2) xuất khẩu nhờ thanh lý thành công lô hàng cũ compact 115V. Sự thay đổi trong cơ cấu doanh thu (tỷ trọng doanh thu xuất khẩu tăng từ 38% trong 2013 lên 43% trong 2014) đã giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp tăng thêm 4 điểm phần trăm (ppt) lên mức 35% (ước tính biên lợi nhuận gộp của xuất khẩu cao hơn nội địa khoảng 20 ppt). Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm 2 ppt và thuế TNDN giảm còn 22% nên lợi nhuận sau thuế tăng 94%.

Trong 2015, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế là 1.309 tỷ đồng và 161 tỷ đồng, theo đó EPS 2015 ước đạt 7.195 đồng/CP, PE tương ứng 7,6 lần tương đương trung bình ngành.

Doanh nghiệp ngành cá tra thận trọng kế hoạch kinh doanh

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Đánh giá đối với ngành cá tra trong năm 2015, hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng những vướng mắc như cạnh tranh giá không lành mạnh, rào cản chất lượng, rủi ro từ thuế chống bán phá giá tại Mỹ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Với nhận định về những khó khăn trong ngành, nhiều doanh nghiệp vẫn khá thận trọng khi đưa ra kế hoạch năm 2015.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ như AAM, TS4, AGF, kế hoạch 2015 được đưa ra dựa trên cơ sở không lạc quan về ngành cá tra. Riêng với ANV, nếu loại trừ chi phí dự phòng 60 tỷ đồng từ khoản nợ khó đòi của Ukranie, lợi nhuận trước thuế năm 2014 vào khoảng 121 tỷ đồng. Do vậy, so sánh với kế hoạch 100-120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ANV hầu như không có nhiều thay đổi về hoạt động kinh doanh. Đặc biệt đối với IDI, mặc dù kế hoạch chính thức trong năm 2015 chưa được công bố. Tuy nhiên, qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy cơ sở cho kế hoạch tăng trưởng tốt trong năm nay đến từ (1) nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi thông qua hoạt động liên kết các hộ nuôi trồng giúp cải thiện khoảng 2% biên lợi nhuận gộp (2) mảng kinh doanh dầu cá đi vào hoạt động ổn định cũng mang lại nguồn thu cho Công ty.

Đối với các doanh nghiệp đầu ngành như VHC, HVG, chúng tôi nhận thấy nhờ quy mô lớn và khả năng tự chủ vùng nuôi tốt, tăng trưởng có vẻ khá quan hơn. Ngoài ra, VHC cũng cho biết Công ty có thể tận dụng lợi thế từ mức thuế chống bán phá giá 0% để đẩy mạnh xuất khẩu tại thị trường Mỹ. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh 2015 được dự báo tăng trưởng tốt. Trong khi đó, HVG với kế hoạch lấn sân ngành tôm thông qua tăng tỷ lệ sở hữu tại FMC lên hơn 51%.

Như vậy, có thể thấy, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang có nhiều chuyển biến để thích nghi với những khó khăn của ngành. Dễ thấy nhất là việc nâng cao khả năng tự chủ vùng nuôi, nâng cao năng lực sản xuất hay đa dạng hóa dòng sản phẩm thông qua nuôi trồng cá rô phi hoặc tôm (ANV, TS4, HVG).

Đại hội Vinaconex 9: Quyết 'săn' thêm dự án bất động sản

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Công ty Cổ phần Vinaconex 9 (mã VC9) sáng 8/4, ông Phạm Thái Dương, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, trong năm 2015, Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các dự án bất động sản tại khu vực Hà Nội.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư