Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
"5G sẽ là hạ tầng quan trọng của quốc gia, là nền tảng cho đổi mới sáng tạo"
H.T - 14/12/2021 09:26
 
Chia sẻ của ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào tại Diễn đàn “Chuyển đổi số - Thúc đẩy Tăng trưởng và Đổi mới sáng tạo với 5G”.

5G đang thay đổi hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. Với các mạng 5G thương mại phục vụ người tiêu dùng đã được triển khai trên toàn cầu, làn sóng mở rộng 5G tiếp theo sẽ mang lợi ích của tính di động, tính linh hoạt, độ tin cậy và bảo mật nâng cao tới cho mọi loại hình doanh nghiệp. Kỷ nguyên của kinh doanh được 5G hỗ trợ đã tới - và cùng với đó là rất nhiều cơ hội hoàn toàn mới dành cho các nhà cung cấp dịch vụ.

5G có tiềm năng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hầu hết mọi ngành công nghiệp hoặc xã hội. Làn sóng phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo của Việt Nam sẽ đến từ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế số, thông qua dữ liệu. Dữ liệu sẽ trở thành loại nhiên liệu mới đảm bảo hoạt động của động cơ tăng trưởng mới là internet và nền kinh tế số. Trong thế giới mới này, 5G sẽ đóng vai trò cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia. Các ứng dụng vận hành trên 5G sẽ tạo ra giá trị lớn cho xã hội, người tiêu dùng và ngành công nghiệp.

Denis Brunetti là Tổng Giám Đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào
Ông Denis Brunetti là Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào.

5G: Nền tảng đổi mới sáng tạo lớn nhất từ trước đến nay

5G là một nền tảng cho đổi mới sáng tạo. Trong khi các thế hệ công nghệ di động trước đây tập trung vào giao tiếp cá nhân và người tiêu dùng, 5G sẽ phục vụ người tiêu dùng, doanh nghiệp và đưa Internet vạn vật (IoT) lên một tầm cao mới, mà ở đó kết nối vượt trội là điều kiện tiên quyết.

Theo ước tính của chúng tôi về thị trường di động, tới năm 2027, 5G sẽ trở thành công nghệ truy cập di động chủ đạo. Dự báo, đến cuối năm 2027 sẽ có 4,4 tỷ thuê bao 5G, chiếm 49% tổng số thuê bao di động tại thời điểm đó. Ước tính, mạng 5G sẽ bao phủ 75% thế giới dân số vào năm 2027 và chuyển mang 62% tổng lưu lượng dữ liệu di động. Ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, vào năm 2021, thuê bao 5G dự kiến sẽ chiếm 45% tổng số thuê bao di động.

Thời đại công nghệ đang đưa chúng ta đang sang không gian mới của máy móc, của phương tiện giao thông, của thiết bị đeo và của nhiều thiết bị máy móc được kết nối khác. Những không gian này sẽ sản sinh ra những loại hình doanh nghiệp và mô hình kinh doanh mới, mang lại cơ hội tạo ra giá trị mới trong các lĩnh vực sản xuất, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và các lĩnh vực khác. 5G sẽ mở ra tiềm năng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam đang có hoài bão số hóa xã hội, chúng tôi kỳ vọng 5G sẽ đóng vai trò nền tảng thông qua tăng cường kết nối băng rộng, cải thiện vùng phủ sóng nông thôn, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách số, phát triển Công nghiệp 4.0 và gia tăng đóng góp của lĩnh vực truyền thông số vào GDP của Việt Nam. Một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là phát triển nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2025 và 7,5% vào năm 2030. 

5G sẽ đóng vai trò chất xúc tác kinh tế - xã hội cho Việt Nam

Hạ tầng 5G mà chúng tôi sẽ triển khai tại Việt Nam sẽ đóng vai trò nền tảng cho đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hiện nay và trong tương lai của đất nước.

Mạng 5G sẽ hỗ trợ các ứng dụng quan trọng nhờ có độ trễ thấp và khả năng hỗ trợ kết nối giữa máy móc và máy móc, đồng thời nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng cuối và hỗ trợ sự tăng trưởng nhanh chóng của lưu lượng dữ liệu.

Việc ra mắt 5G tại Việt Nam hỗ trợ tầm nhìn của Chính phủ về việc phát huy năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy và tạo ra làn sóng phát triển kinh tế xã hội toàn vẹn và bền vững tiếp theo ở Việt Nam.

Năng lực của mạng di động 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa tầm nhìn này, hỗ trợ ứng dụng nhanh chóng thành tựu của Công nghiệp 4.0 trên toàn quốc. Việt Nam đã có cách tiếp cận đúng đắn khi bắt đầu triển khai trước 5G từ các thành phố lớn và các khu vực công nghiệp, để đưa chuyển đổi số đến các cơ sở sản xuất.

Trong lĩnh vực công nghiệp, các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng các ngành sản xuất, năng lượng/tiện ích, y tế và an ninh công cộng là những ngành có cơ hội tận dụng tốt nhất các lợi ích của 5G tại Việt Nam. Khả năng số hóa vô tuyến của doanh nghiệp thông qua 5G sẽ nâng cao đáng kể năng suất lao động và định nghĩa lại toàn bộ hệ sinh thái số hóa.

Ngày nay, người dân và doanh nghiệp trên toàn cầu bắt đầu được trải nghiệm những lợi ích của dịch vụ vô tuyến 5G. Ví dụ, Mercedes-Benz Cars đang phối hợp với Telefónica Deutschland và Ericsson để thiết lập di động 5G dành cho sản xuất ô tô đầu tiên trên thế giới tại "Nhà máy 56" của mình.

Sử dụng công nghệ mạng 5G hiện đại cho phép Mercedes-Benz Cars tối ưu hóa các quy trình sản xuất hiện có trong nhà máy của mình với sự trợ giúp của các tính năng mới. Ví dụ về một số tính năng mới này bao gồm: liên kết dữ liệu hoặc theo dõi sản phẩm trên dây chuyền lắp ráp. Với một mạng dành riêng, tất cả các quy trình đều có thể được tối ưu hóa và củng cố vững chắc hơn, và nếu cần thiết, sẽ được nhanh chóng điều chỉnh phù hợp với các yêu cầu hiện hành của thị trường.

Trên thực tế, theo Báo cáo Tương lai của doanh nghiệp mới được chúng tôi công bố, khi các doanh nghiệp sản xuất đánh giá các mạng vô tuyến tiên tiến có khả năng hỗ trợ cho các công cụ sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin của mình, chắc chắn 5G sẽ nằm trong danh sách lựa chọn. Theo phát hiện của nghiên cứu, phần lớn các nhà sản xuất kỳ vọng đưa 5G vào ứng dụng trong hệ thống sản xuất của họ trong vòng 5 năm tới.

Báo cáo này dựa trên Nghiên cứu Phòng thí nghiệm công nghiệp được chúng tôi thực hiện tại 22 quốc gia, nhằm mục tiêu tìm hiểu sâu hơn về sự chuyển đổi đang diễn ra trong ngành sản xuất.  Gần 2/3 các nhà sản xuất tham gia khảo sát kỳ vọng tăng mức độ tự động hóa lên ít nhất 80% trong vòng 10 năm.

Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả 5G nhờ quy mô hoạt động và kinh nghiệm chuyên môn toàn cầu của mình. Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 180 mạng 5G hoạt động với hơn 1.000 loại thiết bị 5G được phân phối trên thị trường. Ericsson tự hào vì đã cung cấp hơn 100 mạng 5G đang hoạt động tại 46 quốc gia, với 169 hợp đồng 5G thương mại đã được ký kết. Thuê bao 5G đang thực sự có đà tăng trưởng tốt và chúng tôi dự đoán 5G sẽ phủ sóng 25% dân số thế giới vào cuối năm nay.

Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác, nhà phát triển ứng dụng và các chủ thể khác trong hệ sinh thái để hợp tác, đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng cuối cũng như các doanh nghiệp tại Việt Nam. Ericsson cam kết hỗ trợ Việt Nam phát huy hết tiềm năng kết nối với 5G.

Làn sóng phát triển kinh tế xã hội tiếp theo, được Chính phủ công nhận và Ericsson hoàn toàn ủng hộ, sẽ đến từ đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế số, thông qua dữ liệu. Dữ liệu sẽ trở thành loại nhiên liệu mới đảm bảo hoạt động của động cơ tăng trưởng mới là internet và nền kinh tế số.

Trong thế giới mới này, 5G sẽ đóng vai trò hạ tầng quan trọng của quốc gia. Trước đây, cảng, cảng biển, sân bay, đường hầm, đường xá và cầu cống đều là cơ sở hạ tầng vật chất vô cùng quan trọng giúp các quốc gia phát triển thịnh vượng, nhưng trong tương lai, 5G cũng sẽ có tầm quan trọng không thua kém. Các quốc gia ngày càng nhận rõ sự cần thiết của cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. 5G thực sự  trở thành nền móng, là cơ sở, là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các ngành công nghiệp cũng như toàn xã hội.

Không giống như những công nghệ thế hệ 4G và 3G trước đó, 5G hướng tới phục vụ cả khách hàng doanh nghiệp và công nghiệp cũng như chuyển đổi số của người tiêu dùng. Như vậy, mục tiêu của công nghệ này không chỉ là tăng cường năng lực số cho người tiêu dùng. Và chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều các phương án sử dụng trong công nghiệp, ứng dụng 5G cho internet vạn vật (IoT), sử dụng người máy và người máy ứng dụng công nghệ đám mây trong sản xuất, cũng như trong ngành giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và khai khoáng.

Tất cả các ngành công nghiệp sẽ phát triển, hoạt động hiệu quả hơn, có năng suất cao và thịnh vượng hơn nhờ chuyển đổi số. Các quốc gia như Việt Nam đều đã nhận ra điều đó và Chính phủ Việt nam đã rất thành công.

Giải bài toán thương mại hóa 5G
Việt Nam đang tìm kiếm con đường đi riêng trong chiến lược đầu tư, thương mại hóa 5G.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư