Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
6 cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/11
Thanh Thuý - 14/11/2014 07:00
 
Đầu tư trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/11 của các công ty chứng khoán.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
APEC sáp nhập với Sen Vàng: Lộ diện “thế lực” mới
60 triệu cổ phần Seaprodex sắp bung hàng
PTSC giảm 40% lợi nhuận

1. GMC: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Kết thúc quý III/2014, GMC đạt 518 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ doanh thu xuất khẩu FOB (chiếm 97% doanh thu thuần) tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh 49% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 72 tỷ đồng nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 14% từ 12% trong quý III/2013. Cơ cấu sản phẩm thay đổi theo hướng tập trung vào sản phẩm cao cấp mang lại biên lợi nhuận cao là yếu tố chính giúp biên lợi nhuận cải thiện. Đi cùng sự tăng trưởng của doanh thu, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 40 tỷ đồng chủ yếu do GMC tăng phụ cấp và thưởng hiệu quả làm việc cho nhân viên.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2014 đạt 26 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có lợi nhuận cao nhất trong lịch sự hoạt động của công ty.

Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, GMC đạt 1.109 tỷ đồng doanh thu (+23,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+25,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Với kết quả đạt được, GMC đã hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và vượt kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2014.

Theo yếu tố mùa vụ, quý II và quý III hàng năm thường là thời gian cao điểm về doanh thu và lợi nhuận. Do đó chúng tôi đánh giá kết quả kinh doanh của công ty trong quý IV/2014 dự kiến sẽ kém khả quan so với quý III. Điều này dựa trên những cơ sở sau: (1) Doanh thu giảm do các đơn hàng xuất khẩu dự kiến giảm; (2) Biên lợi nhuận gộp giảm do quý 4 công ty chủ yếu sản xuất các đơn hàng xuất khẩu xuân hè (biên lợi nhuận thấp hơn sản phẩm thu đông) và hàng nội địa.

Mặc dù chúng tôi cho rằng việc tập trung khai thác thị trường nội địa khi đơn hàng xuất khẩu giảm sẽ là yếu tố dẫn dắt doanh thu nội địa tăng trưởng, tuy nhiên, tỷ lệ sản phẩm sản xuất phục vụ thị trường nội địa chỉ chiếm khoảng 10% khó bù đắp phần sụt giảm từ doanh thu xuất khẩu.

Chúng tôi ước tính GMC sẽ đạt 267 tỷ đồng doanh thu (-19,5 so với cùng kỳ năm ngoái) và 4,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (-40,5 so với cùng kỳ năm ngoái). Theo đó doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho cả năm 2014 dự kiến đạt lần lượt 1.376 tỷ đồng (+12% so với cùng kỳ năm ngoái) và 57 tỷ đồng (+15,4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Chúng tôi giữ quan điểm tích cực về triển vọng kết quả kinh doanh năm 2015 của GMC dựa trên các yếu tố sau: (1) Ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng khả quan nhờ vào các hiệp định thương mại tự do, song phương và đa phương; (2) Xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra trong năm 2015 nhờ lợi thế nhân công rẻ; (3) Là một doanh nghiệp trong ngành dệt may với kinh nghiệm và lợi thế sẵn có trong lĩnh vực xuất khẩu hàng may mặc GMC sẽ được hưởng lợi nhờ các yếu tố trên. Ngoài ra việc đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực kinh doanh, mở rộng tìm kiếm khách hàng mới sẽ là yếu tố dẫn dắt GMC tăng trưởng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn lưu ý rằng khoảng 70-80% nguyên liệu của GMC được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan nên GMC sẽ không được hưởng lợi nhiều từ TPP nếu áp dụng điều kiện xuất xứ “từ sợi trở đi” cho nguyên vật liệu chính. GMC đang tìm những nguồn cung cấp nguyên liệu khác từ Malaysia, Bangladesh và Ấn Độ, thế nhưng các thị trường này được đánh giá là ít cạnh tranh so với Trung Quốc cả về mẫu mã, giá cả và số lượng.

Dựa trên các giả định thận trọng, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2015 của GMC sẽ đạt lần lượt 1.569 tỷ đồng (+14% so với năm trước) và 78 tỷ đồng (+37% so với năm trước). Theo đó, EPS và P/E dự phóng ở mức 6.679 đồng/CP và 5,09 lần với mức giá hiện tại là 34.000 đồng/CP.

Quan điểm đầu tư: Với nhiều kinh nghiệm và lợi thế trong ngành may mặc cùng triển vọng tích cực của ngành dệt may, chúng tôi kỳ vọng GMC có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong những năm tiếp theo.

Dựa trên phương pháp DCF và so sánh ngang, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho cổ phiếu GMC là 51.500 đồng/CP (cao hơn 51,5% so với mức giá hiện tại), tương ứng P/E dự phóng 2015 là 7,7 lần, khá hấp dẫn để đầu tư. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu GMC. Bên cạnh đó, tỷ lệ cổ tức tương đối cao (20-30%/năm) đáng để nhà đầu tư xem xét thêm GMC vào danh mục đầu tư cổ tức. Tuy nhiên, NĐT cũng cần lưu ý đến tính thanh khoản thấp của cổ phiếu, với khối lượng cổ phiếu giao dịch bình quân 10 phiên khoảng 17.000 cổ phiếu/phiên.

2. KSA: Thách thức lớn về kế hoạch kinh doanh liên tục tăng mạnh

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Chúng tôi đã tham dự buổi họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Khoáng sản Công nghiệp Bình Thuận (KSA - HSX). Nội dung của buổi họp bao gồm chiến lược tái cấu trúc công ty, kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu và điều chỉnh về kế hoạch kinh doanh 2014 và 2015.

Sắp tới, KSA sẽ chào bán riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu với giá phát hành bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần. Khi đó, vốn điều lệ của KSA sẽ tăng từ 373 tỷ đồng lên 673 tỷ đồng. Vốn thu được từ đợt phát hành sẽ được phục vụ cho kế hoạch tái cấu trúc và bổ sung vốn lưu động nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh. Cụ thể, công ty sẽ hợp tác kinh doanh và đầu tư vào ba doanh nghiệp sau:

Bảng: Các công ty hợp tác với KSA

STT

Công ty hợp tác

Nội dung

Số tiền

1

CTCP Xuất nhập khẩu Đạt An

Khai thác khoáng sản than tại Đội Cá Cửa, Bắc Giang. Diện tích: 77 héc-ta, Trữ lượng: 387.630 tấn

100 tỷ đồng

2

CTCP Xây dựng và Hợp tác Đầu tư Đất Việt

Khai thác mỏ đá hoa tại thung Cọ và thung Điểm, Nghệ An. Diện tích: 25,15 ha, Trữ lượng: Đá hoa ốp lát: 2.850.400m3 + Đá hoa làm bột carbonat canxi: 7.220.233 tấn

150 tỷ đồng

3

Cty TNHH Khai thác Khoáng sản Hòa Bình THT

Nhà máy chế biến tinh luyện quặng đa kim, Hòa Bình. Công suất: 45.000 tấn quặng nguyên khai/năm. Diện tích:18.000m2.

50 tỷ đồng

Nguồn: KSA

Với các dự án trên, doanh nghiệp sẽ chuyển từ hình thức thương mại sang trực tiếp quản lý và khai thác đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, KSA còn tăng vốn góp vào công ty con là Công ty TNHH MTV Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận từ 174 tỷ đồng lên 220 tỷ đồng. Cụ thể, phần vốn góp tăng thêm (46 tỷ đồng) sẽ đến từ toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Năng lượng xanh KSA và các tài sản khác.

Theo chúng tôi được biết, triển vọng tăng trưởng đến từ các dự án KSA sắp tăng vốn đã được thể hiện trong 6 tháng đầu năm 2014. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 đạt 58,3 tỷ đồng, tăng 166,8% so với cùng kỳ 2013 do tiêu thụ một phần sản phẩm đầu ra cho ba dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng khoảng 36% so với cùng kỳ 2013, đạt 9,94 tỷ đồng do chi phí từ dự án nhà máy viên nén gỗ.

Kể từ quý III/2014, một phần dự án nhà máy nén viên gỗ đã đưa vào hoạt động và được dự báo sẽ đóng góp tỷ trọng cao trong kết quả kinh doanh của Công ty trong năm 2014. Thấy được hiệu quả từ các dự án trên, công ty cũng đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho cả năm 2014 và 2015.

Theo đó, trong năm 2014, kế hoạch cho doanh thu sẽ tăng từ 97 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng, tăng khoảng 85%; còn lợi nhuận sau thuế sẽ tăng từ 21,5 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, tăng khoảng 39%. Và với góc nhìn lạc quan hơn, trong năm 2015, KSA đã đưa ra kế hoạch doanh thu lên đến 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 100 tỷ đồng, lần lượt gấp 5,5 lần và 3,3 lần kế hoạch năm 2014.

Với tiền lệ từng không hoàn thành kế hoạch, chúng tôi nghĩ rằng sẽ là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp cả về mặt quản lý và hoạt động nhằm đạt được mục tiêu trên.

3. IJC: Lợi nhuận cả năm dự phóng 65 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

IJC công bố kết quả kinh doanh quý III/2014. Theo đó, doanh thu thuần đạt 75,8 tỷ đồng, tăng 65,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 18,9 tỷ đồng, tăng 38.1% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận sau thuế đạt 50,5 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ, hoàn thành 16,4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cả năm.

Mặc dù kết quả kinh doanh của IJC khởi sắc so với cùng kỳ năm ngoái song vẫn ở mức khiêm tốn so với quy mô của Công ty. Lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực cốt lõi, vẫn tỏ ra kém hiệu quả khi chỉ đạt doanh thu là 59,5 tỷ đồng đem lại khoản lợi nhuận gộp là 6,2 tỷ đồng. Mặc dù có sự cải thiện so với năm ngoái song tiến độ bán hàng của IJC tại các dự án bất động sản vẫn tỏ ra chậm chạp.

Các dự án bất động sản chính của IJC đều đặt tại Bình Dương do đó triển vọng mảng kinh doanh bất động sản của Công ty khó khởi sắc do thị trường bất động sản Bình Dương đang trong trạng thái dư cung.

Hoạt động thu phí giao thông của Công ty khá ổn định với hai trạm thu phí Vĩnh Phú và Suối Giữa nhằm khai thác Dự án BOT Đại lộ Bình Dương. Trong 9 tháng đầu năm 2014, doanh thu từ mảng này đạt 149 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Hiện tại, đây là mảng kinh doanh chủ yếu đem lại doanh thu và lợi nhuận cho Công ty .

Chúng tôi dự phóng, IJC sẽ đạt mức lợi nhuận sau thuế khoảng 65 tỷ đồng trong năm 2014.

4. DMC: PE đang giao dịch thấp, ở mức 8,4 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Với mục tiêu cải thiện hiệu quả hoạt động, DMC đã tái cơ cấu lại danh mục hàng hoá, theo hướng tập trung vào hàng sản xuất (HOSE) và các mặt hàng có biên LN gộp cao. Theo đó, trong quý III/2014, doanh thu hàng thương mại giảm 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh thu HSX chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tổng doanh thu thuần của DMC giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 329,5 tỷ đồng.

Doanh thu HSX quý III/2014 đóng góp đến 80% tổng doanh thu, so với mức 70% của cùng kỳ năm trước. Lưu ý, so với mức 22,6% của 6 tháng đầu năm 2014, HSX đã tăng trưởng chậm lại trong quý III/2014. DMC bắt đầu tăng giá bán từ tháng 7/2014. Do có thông báo trước đến khách hàng nên phần nào đã tạo động lực cho việc mua trữ hàng hoá trước thời điểm tăng giá.

Hiệu quả hoạt động của DMC đã cải thiện đáng kể trong quý III/2014. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp tăng từ 27% trong quý III/2013 lên 30,5% trong quý III/2014. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2014 vẫn tăng đến 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng quý III/2014 đạt 9,4%, so với mức 7,1% của cùng kỳ năm trước.

Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục, ít nhất là hết 2015. Với kết quả 1.102 tỷ đồng doanh thu (+9,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và 95,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+27,3% so với cùng kỳ năm ngoái) ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2014, DMC đã hoàn thành 70,3% và 72,8% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014.

Dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của DMC sẽ tăng 10% và 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 1.572 và 135,3 tỷ đồng. DMC đang giao dịch ở mức PE2014 chỉ 8,4 lần, hấp dẫn so với mức 12 lần bình quân ngành

5. VSH: Lợi nhuận 2014 sẽ tăng trưởng tốt

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

HĐQT Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh ra nghị quyết việc chốt giá mua bán điện với EVN sau nhiều năm đàm phán. Nhìn lại mấy năm trước, HĐ mua bán điện trước đây có giá bán bình quân 563 đồng/kWh (476 đồng/kWh vào mùa mưa và 580 đồng/kWh vào mùa khô) đã kết thúc vào cuối năm 2009. Kể từ năm 2010, VSH đã hạch toán doanh thu theo giá bán điện tạm tính, cụ thể năm 2010 và 11 tháng đầu 2011 bằng 90% giá bán điện 2009; tháng 12/2011 bằng 76% giá bán điện 2009; năm 2012 bằng 68% và năm 2013 bằng 62% giá 2009.

Theo ước tính của chúng tôi, so với giá mới công bố, giá tạm tính năm 2010 - 2011 cao hơn trong khi giá tạm tính năm 2012 - 2013 thấp hơn. Dựa vào sản lượng thực tế các năm trước, ước tính cho cả 4 năm 2010 - 2013, doanh thu theo giá mới công bố như trên ước tính cao hơn doanh thu đã ghi nhận theo giá tạm tính khoảng 80 tỷ đồng.

Về giá năm 2014 trở đi, giá áp dụng đối với nhà máy Vĩnh Sơn (công suất 66MW) thấp hơn đối với nhà máy Sông Hinh (công suất 70MW) chủ yếu là do vòng đời hoạt động còn lại ngắn hơn và giá trị tài sản còn lại thấp hơn. Theo số liệu các năm trước, thường thì sản lượng điện thương phẩm của nhà máy Vính Sơn thấp hơn nhà máy Sông Hinh. Nếu áp dụng giá mới này để tính doanh thu 9 tháng 2014 (với giả định 50% sản lượng từ nhà máy Vính Sơn và 50% sản lượng từ nhà máy Sông Hinh), doanh thu ước tính tăng thêm khoảng hơn 40 tỷ đồng.

Sau nhiều năm đàm phán, việc chốt được giá bán điện với EVN là một bước chuyển biến tích cực đối với VSH. Việc tính toán lại doanh thu các năm trước (áp dụng giá mới) nếu được thực hiện trong năm nay, theo chúng tôi, sẽ kéo lợi nhuận 2014 tăng trưởng tốt.

6. HRC: P/E đang giao dịch ở mức 12 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 giảm do sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2014 giảm 61,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 121,9 tỷ đồng (46,7% kế hoạch năm), chủ yếu là do sản lượng tiêu thụ giảm 51,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 2.810 tấn. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 4,6% trong 9 tháng đầu năm 2013 xuống còn 4,1% trong 9 tháng đầu năm 2014, chủ yếu là do giá bán mủ cao su bình quân 9 tháng đầu năm 2014 giảm 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống khoảng 43 triệu đồng/tấn.

Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 14 giảm 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái còn 36,3 tỷ đồng (52% kế hoạch năm). Lợi nhuận giảm chậm hơn doanh thu chủ yếu là do chi phí hoạt động giảm, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu giảm từ 4,4% trong 9 tháng đầu năm 2013 xuống còn 4,1% trong 9 tháng đầu năm 2014. Mặt khác, lợi nhuận khác (chủ yếu từ thanh lý vườn cây cao su) giảm 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn doanh thu, còn 47,2 tỷ đồng. Ngoài ra, thuế TNDN giảm từ 25% xuống còn 22%. Với kết quả này, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng HRC sẽ không đạt được kế hoạch lợi nhuận năm nay (lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng).

Giá mủ cao su tiếp tục xu hướng giảm. Hiện giá mủ cao su thế giới đang đang được giao dịch tại mức xấp xỉ 1.600 USD/tấn, giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá cao su trong nước vì vậy cũng đang trong xu hướng giảm, giao dịch ở mức bình quân là 32 triệu đồng/tấn, giảm 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cho rằng giá mủ cao su khó có thể hồi phục trong ngắn hạn do nguồn cung cao su trên thế giới được dự báo tiếp tục dư thừa trong năm 2015 và 2016 (lần lượt là 483.000 tấn và 316.000 tấn) và giá dầu, hàng hóa có tương quan thuận với giá cao su, hiện đang duy trì ở mức rất thấp.

Định giá cao. HRC hiện đang giao dịch tại P/E là 12 lần, cao hơn đáng kể so với trung bình ngành là khoảng 6,5 lần.

Cổ phiếu năng lượng tăng trưởng tốt nhất trong quý III

Cổ phiếu năng lượng tăng trưởng tốt nhất trong quý III

Báo cáo Triển vọng thị trường chứng khoán quý II của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đã đưa ra nhận định: “Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn vì tỷ lệ P/E tiếp tục tăng trưởng. Nhưng trong trung hạn, thị trường sẽ được điều chỉnh trở về giá trị hợp lý hơn, ở ngưỡng từ 560 đến 580 điểm”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư