CTCK BIDV (BSC)
Công ty Cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã BCC) cho biết, doanh thu quý I/2019 đạt 924 tỷ (tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái); lợi nhuận sau thuế 22,43 tỷ, so với số lỗ 6,3 tỷ ghi nhận cùng kỳ.
Bên cạnh đó, dự án đầu tư trạm nghiền xi măng tự động đến đóng bao (+30-35% công suất nghiền) dự kiến đi vào hoạt động cuối quý II/2019.
Công ty đặt kế hoạch kinh doanh 2019 khả quan với sản lượng tiêu thụ: 4,4 triệu tấn (tăng 0,5% so với năm ngoái), trong đó sản lượng tiêu thụ xi măng 4,1 triệu tấn (tăng 12,3%). Doanh thu 4.005 tỷ đồng (tăng trưởng 8,9%), lợi nhuận trước thuế 171 tỷ (tăng 51%). Cổ tức 2019 dự kiến 7%.
Chúng tôi dự báo doanh thu thuần năm 2019 của BCC đạt 3.898 tỷ (tăng trưởng 6%) với giả định sản lượng tiêu thụ theo kế hoạch công ty đặt ra, giá bán xi măng tăng 2%. EBITDA 2019 đạt 558 tỷ (tăng 18%), lợi nhuận sau thuế 125,2 tỷ (tăng 33,8%), EPS = 1,012 đồng/CP.
Chúng tôi cho rằng mặc dù giá bán tăng giúp bù đắp tăng giá điện và than nhưng việc đưa trạm nghiền mới vào vận hành sẽ làm khấu hao tăng lên khoảng 40-50 tỷ, chi phí lãi vay tăng thêm 22 tỷ, ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty.
Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu BCC với giá mục tiêu là 11.200 đồng/CP dựa trên kết hợp 2 phương pháp định giá so sánh P/E (P/E mục tiêu là 10) và phương pháp định giá EV/EBITDA (số nhân mục tiêu là 5x).
2. BSR nhiều khả năng sẽ tăng giá
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) đang nằm trong xu hướng hồi phục mạnh từ ngưỡng đáy 12.67. Thanh khoản cổ phiếu cũng đã tăng mạnh và vượt xa ngưỡng trung bình 20 phiên.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Nhịp vận động của 3 đường MA và sự hỗ trợ của dải mây Ichimoku cũng cho thấy cổ phiếu đang xác lập xu hướng tăng giá.
Như vậy, BSR nhiều khả năng sẽ tăng giá đến ngưỡng kháng cự tiếp theo tại ngưỡng giá 16.5.
3. Khuyến nghị mua cổ phiếu LHG
CTCK FPT (FPTS)
Trong tương quan biến động ngắn hạn với chỉ số thị trường, cổ phiếu Công ty Cổ phần Long Hậu (mã LHG) thường có biến động xu hướng rõ nét hơn. Điều này có được là do cổ phiếu vẫn đang duy trì dao động dạng “choppy market” trên cơ sở của mô hình Symetrical Triangle kéo dài từ tháng 04/2018 đến nay.
Trong tuần 13-17/05, một phản ứng bật tăng mạnh đã xuất hiện sau khi đường giá chạm cận dưới của kênh Choppy nêu trên và kích hoạt kỳ vọng cho một pha tăng giá hướng về khu vực đường kênh trên.
Theo đó, nhà đầu tư được khuyến nghị mua cổ phiếu LHG quanh vùng giá 20.000 cho chiến lược giao dịch ngắn hạn. Trong đó, mức sinh lời kỳ vọng 13%, rủi ro dừng lỗ tối đa 5%, thời gian nắm giữ kỳ vọng 25 phiên giao dịch.
4. Khuyến nghị bán cổ phiếu CVT
CTCK FPT (FPTS)
Tương quan biến động giá 01 năm trở lại đây giữa cổ phiếu CTCP CMC (mã CVT) và VN-Index ghi nhận một số tín hiệu đáng lưu ý như cổ phiếu CVT thuộc nhóm Small-Cap, tuy nhiên diễn biến giá vẫn khá đồng pha với thị trường.
Bên cạnh đó, do bị áp lực bán chi phối, đường giá cổ phiếu và VN-Index bắt đầu phân kỳ từ tháng 06 – 07/2018 cho đến nay. Trong khi VN-Index giữ được cân bằng trong trạng thái Choppy Market, CVT lại có phần tiêu cực hơn khi tiếp diễn đà giảm dài hạn.
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán cổ phiếu CVT cho tầm nhìn ngắn hạn. Mức sinh lời kỳ vọng ước tính khoảng 12,24%, mức dừng lỗ tối đa 5,4%, thời gian nắm giữ kỳ vọng 15 phiên giao dịch.
5. Khuyến nghị bán cổ phiếu GTN
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị bán dành cho CTCP GTNfoods (GTN) do nỗ lực tái cấu trúc các mảng hoạt động như sữa (Mộc Châu Milk/MCM) và chè (Vinatea) chưa mang lại kết quá trong khi trong khi định giá lại kém hấp dẫn với P/E pro-forma 2019 là 53,1 lần (cộng trở lại phân bổ lợi thế thương mại từ các đợt M&A trong quá khứ)
Chúng tôi giữ nguyên giá mục tiêu vì ảnh hưởng từ việc giảm dự phóng lợi nhuận sau thuế 2019, 2020 và 2021 xuống lần lượt 7%, 13%, và 10% được bù đắp hoàn toàn bởi việc điều chỉnh giai đoạn chiết khấu của mô hình định giá chiết khấu dòng tiền cho MCM và Vinatea từ cuối 2018 sang cuối 2019
Điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận nói trên chủ yếu đến từ việc giảm dự báo thu nhập lãi (do dự báo hàng tồn kho sẽ tăng mạnh trong năm 2019) và giảm dự báo doanh thu cũng như biên lợi nhuận mảng sữa.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiếu số cốt lõi 2019, 2020 và 2021 tăng mạnh 12%, 28% và 45% so với kết quả thấp năm 2018 nhờ thu nhập lãi tăng và các hoạt động cốt lõi sau 2019 ít nhiều cải thiện.
6. Khuyến nghị mua KBC với giá mục tiêu 16.700 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng khuyến nghị dành cho Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) từ khả quan lên mua với việc điều chỉnh tăng 4,4% giá mục tiêu lên 16.700 đồng/CP (tổng mức sinh lời 26,4%).
Lý do chính chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu là tiến độ bán đất tại Khu công nghiệp Quang Châu và Khu đô thị Tràng Duệ được đẩy mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh tăng giả định tỷ lệ chi phí quản lý và bán hàng trên doanh thu cho giai đoạn dự báo từ 11% lên 14%.
Chúng tôi hiện giả định KBC sẽ bán được 86 ha đất Khu công nghiệp và 9 ha đất khu đô thị trong năm 2019, cao hơn so với giả định trước đây của chúng tôi (lần lượt là 81ha và 5ha).
Chúng tôi dự báo doanh thu 2019 sẽ tăng 14,4% lên 2,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiếu số sẽ tăng 5,3% lên 787 tỷ đồng.
Chúng tôi dự báo Khu công nghiệp sẽ hưởng lợi nhờ dòng FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, qua đó thúc đẩy các hoạt động sản xuất với quỹ đất lớn tại các trung tâm công nghiệp trọng điểm của miền Bắc.
Rủi ro: trì hoãn triển khai Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh; biến động vốn lưu động liên quan đến các kinh doanh ngoài cốt lõi của KBC; trì hoãn hoặc không chia cổ tức tiền mặt cho năm 2018 khi phụ thuộc vào tiến độ thu tiền từ bán đất Khu đô thị Phúc Ninh.