Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
6 tháng đầu năm, GRDP tỉnh Hải Dương tăng trưởng 7,23%
Thanh Sơn - 01/07/2023 09:28
 
Tăng trưởng kinh tế của Hải Dương 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7,23%, đứng thứ 15 cả nước và thứ 7 Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo số liệu Cục thống kê tỉnh Hải Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 9% so với cùng kỳ. quý I tăng 12,3%; quý II tăng 6,1%. Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,8% và đóng góp 7,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung công nghiệp; sản xuất và phân phối điện tăng 18,3% đóng góp 1,7 điểm phần trăm.

Một số ngành có tỷ trọng lớn, tốc độ tăng cao, tác động nhiều đến chỉ số chung của toàn ngành, đó là: Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 12,9% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 0,66 điểm phần trăm; Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 24,3% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 7,03 điểm phần trăm; Ngành sản xuất điện tử tăng 6,9% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 1,56 điểm phần trăm. Trong đó, máy kết hợp in, quét, fax, copy tăng 16,4% và một số dự án mới đi vào hoạt động của Công ty TNHH Doosan Electro-materials VN, Dự án sản xuất TK Precision technology Việt Nam...; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 18,3% so với cùng kỳ, làm chỉ số chung tăng 1,65 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, một số ngành sản xuất chiếm tỷ trọng lớn như May mặc (-11,1%); da giày (-5,5%); chế biến gỗ (-12,5%); sản xuất than cốc (-25,4%); sản xuất kim loại (- 1,1%); thiết bị điện (-32,7%)... từ đầu năm đến có mức tăng trưởng âm đã tác động trái chiều đến mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế của Hải Dương 6 tháng đầu năm 2023 đứng thứ 15 cả nước và thứ 7 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Thành Chung
Tăng trưởng kinh tế của Hải Dương 6 tháng đầu năm 2023 đứng thứ 15 cả nước và thứ 7 trong vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Thành Chung

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,79%, công nghiệp tăng 9,19%, xây dựng tăng 5,88%, dịch vụ tăng 6,09%, thuế sản phẩm tăng 8,37%. Tăng trưởng trong quý I đạt 8,02% do sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà khá cao, các ngành dịch vụ sôi động trở lại sau dịch Covid-19.

Sản xuất nông nghiệp thuận lợi trong các tháng đầu năm song thời tiết không thuận ở một số thời điểm nên năng suất, sản lượng một số loại cây trồng giảm. Cụ thể, năng suất lúa đông xuân đạt 66,6 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; sản lượng vải ước đạt 58.000 tấn, giảm gần 2.600 tấn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một số loại cây ăn quả tăng khá như xoài ước 18.500 tấn, tăng 1.500 tấn; chuối ước 34.300 tấn, tăng hơn 1.600 tấn; ổi ước đạt 36.800 tấn, tăng gần 500 tấn... Lĩnh vực nuôi thủy sản phát triển khá với sản lượng ước hơn 51.000 tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng chậm lại do tình hình kinh tế khó khăn, tác động đến sức mua nhưng vẫn đạt mức tăng khá cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 45.100 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt hơn 4,4 tỷ USD, giảm 14,2%; nhập khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước...

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trong nước đạt 3.418 tỷ đồng, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước, cấp mới 06 dự án (ngoài KCN), tổng vốn đăng ký 535 tỷ đồng (tăng 2,2 lần). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 215,3 triệu USD (giảm 8,1%) so với cùng kỳ năm trước; trong đó cấp mới 32 dự án, tổng vốn đăng ký 160 triệu USD, tăng 6,3 lần. Mặc dù thu hút FDI không tăng so với năm trước nhưng lại có nhiều dự án FDI cấp mới (tăng 4,5 lần về số lượng dự án và gấp 6 lần về số vốn đăng ký) so với cùng kỳ năm trước.

Về phát triển doanh nghiệp, có 952 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước), với tổng vốn điều lệ đăng ký 8.205 tỷ đồng (tăng 136%); 436 doanh nghiệp đăng ký quay trở lại hoạt động (giảm 20,4%); 755 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (giảm 24,0%).

Tổng thu ngân sách ước đạt 9.136 tỷ đồng, bằng 96,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa đạt 7.476 tỷ đồng, bằng 91,2%. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 7.447 tỷ đồng, bằng 99,0% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên đạt 5.082 tỷ đồng, giảm 1,9%; chi đầu tư phát triển 2.356 tỷ đồng, tăng 0,8%.

Ngoài ra, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư; chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn của tỉnh tiếp tục được khẳng định; công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ được triển khai thực hiện nghiêm túc; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện cải cách hành chính.

Công tác bảo tồn di sản văn hoá được tỉnh quan tâm thực hiện. Đã khảo sát hiện trạng các công trình di tích đề nghị tu bổ cấp thiết, chống xuống cấp và đề nghị xếp hạng. Phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO ghi danh là di sản thế giới.

Hải Dương định hướng trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao
Hải Dương định hướng xây dựng địa phương thành trục công nghiệp động lực cho vùng Đồng bằng sông Hồng với khu công nghiệp chuyên biệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư