Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
60% người dùng mạng Việt Nam "giải trí" bằng cách mua sắm
Viễn Thông (VnExpress) - 25/08/2017 12:28
 
Có đến 60% người được hỏi cho biết họ giết thời gian rảnh rỗi khi online bằng cách mua sắm trực tuyến.
 Mua sắm là các giết thời gian phổ biến nhất khi người dùng mạng Việt Nam rảnh rỗi
Mua sắm là các giết thời gian phổ biến nhất khi người dùng mạng Việt Nam rảnh rỗi

Một cuộc khảo sát mới đây của Criteo, đơn vị trong lĩnh vực tiếp thị thương mại, thực hiện tại Việt Nam cho biết, mua sắm là cách giết thời gian phổ biến nhất của người dùng mạng khi họ rảnh rỗi.

Cụ thế, có đến 60% người đang online nhưng không biết làm gì sẽ quyết định đi mua sắm. 47% quyết định tìm kiếm thông tin về những sản phẩm và dịch vụ mà họ đang quan tâm. Trong khi đó, chỉ 36% ưu tiên dành thời gian rảnh lúc online để trò chuyện với bạn bè hay người thân.

“Cơn nghiện” mua hàng qua mạng của người Việt càng thể hiện rõ khi đến 75% người dùng internet được hỏi nói rằng họ thích mua sắm online. Tất nhiên, trong số này, mỗi người lại có một phong cách mua sắm khác nhau. 15% chuyên đi săn các món hàng giảm giá dù đôi khi có thể chưa thật sự cần thiết. Trong khi đó, 30% chỉ tìm sản phẩm đúng nhu cầu, tương xứng giá tiền và không cần các tính năng thừa. 23% rất cân đo đong đếm, so sánh giá cẩn trọng giữa những nơi bán hàng khác nhau.

Tuy nhiên, ba lý do chung nhất để người Việt Nam chọn mua sắm trên mạng chính là tiện lợi, dễ tiếp cận và giá cả. Có đến 62% đồng ý rằng mua sắm online giúp tiết kiệm thời gian. Cùng với đó 55% cho rằng mua hàng trên mạng thuận tiện hơn ra cửa hàng và có thể mua bất kỳ lúc nào.

Criteo ước tính, năm 2016, doanh thu của thương mại điện tử tại Việt Nam là 1 tỷ USD. Dự kiến trong vòng 3 năm tới sẽ có hơn 10 triệu người mua sắm trực tuyến. Ngành này sẽ tăng trưởng 30% mỗi năm cho đến năm 2020, với giá trị khoảng 10 tỷ USD.

“Tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam năm 2017 là 50,5% dân số. Cùng với đó, 44% hộ gia đình tại Việt Nam đều có điện thoại thông minh. Nhìn vào hai dữ liệu này, tôi cho rằng điện thoại thông minh là phương tiện hàng đầu để các gia đình tại Việt Nam tiếp cận internet. Như vậy, có một cơ hội rất lớn cho thương mại điện tử tại Việt Nam, đặc biệt là thương mại điện tử trên di động”, ông Joshua Koh - Giám đốc Điều hành Khu vực Bán hàng Trung cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Criteo nhận xét.

Vị chuyên gia cũng khuyến nghị các nhà bán lẻ nên chú tâm đến xu hướng dẫn đầu của các thiết bị di động trong việc tăng tương tác của người dùng và tăng giao dịch thành công online. Với hơn 7 trong số 10 người tiêu dùng đã mua hàng trực tuyến thông qua thiết bị di động trong tháng vừa qua, Việt Nam thực sự là một quốc gia – tiên phong di động.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang ngày càng chịu chi cho việc tiếp thị thương mại trực tuyến. Ông Joshua Koh tiết lộ, đơn vị này đang có khoảng 15.000 đối tác tại Việt Nam. Đáng chú ý, có đến 78% trong số đó giao cho công ty này mức ngân sách không giới hạn để thực hiện các giải pháp tiếp thị trực tuyến.

“Ngay trong quý II vừa rồi, chúng tôi đã có thêm 950 đối tác mới tại thị trường Việt Nam. Cho đến nay, có hơn 90% khách hàng đã cùng gắn bó với chúng tôi liên tục trong 24 quý liên tiếp, tức tương đương 6 năm”, ông Joshua Koh chia sẻ về tình hình kinh doanh tích cực tại Việt Nam.

Tất nhiên, không chỉ có Criteo được lợi. K&K Fahion, một đối tác của công ty này đã đạt được mức tăng trưởng 43% về tỷ lệ nhấp chuột và 66% về tỷ lệ chuyển đổi. Theo đó, số giao dịch thành công tăng 121% chỉ trong vòng 6 tháng. Ông Lê Viết Thanh - Giám đốc điều hành, K&K Fashion cho biết, kết quả này là nhờ vào quyết định đầu tư vào giải pháp tận dụng dữ liệu tập trung về người dùng nhằm cá nhân hoá quảng cáo cho từng khách hàng dựa trên hành vi trực tuyến của họ.

Tư vấn 10 cách giúp bạn trở thành người tiêu tiền thông thái
Bạn nên hiểu giữ được bao nhiêu tiền quan trọng hơn là kiếm được bao nhiêu, hạn chế dùng thẻ tín dụng và đừng tiếc tiền bảo hiểm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư