Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
7 điểm sáng của nền kinh tế 10 tháng năm 2020
Hà Nguyễn - 01/11/2020 10:39
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra 7 điểm sáng, tích cực của nền kinh tế trong 10 tháng năm 2020.

.
.

Trong thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, điểm tích cực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ rõ những điểm sáng này.

Đó là, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi trở lại sau dịch Covid-19, khi sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn các tháng gần đây. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế vẫn là ngành chế biến, chế tạo. Ngành này đã tăng trở lại trong tháng 10, đạt 8,3% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, một số ngành tiếp tục tận dụng tốt cơ hội, đạt tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ 2019, như: sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu - tăng 25,4%; sản phẩm điện tử, máy tính và quang học - tăng 16,9%; sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế - tăng 22,6%; sản xuất kim loại - tăng 15,2%; sản xuất, chế biến thực phẩm - tăng 10,9%; sản xuất thiết bị điện - tăng 10,6%...

Trong bối cảnh đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Đây là một điểm sáng quan trọng của nền kinh tế.

Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2020 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tăng 0,09% so với tháng trước, và chủ yếu là do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường. 

Tính chung 10 tháng, CPI bình quân tăng 3,71% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm dần từ đầu năm. “Như vậy thì khả năng năm nay sẽ đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội đề ra (khoảng 4%), đồng thời tạo dư địa cho chính sách điều hành trong những tháng còn lại của năm 2020”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Điểm sáng tiếp theo, đó là thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tín dụng phục hồi đà tăng trưởng.

Thông tin cho biết, thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, từ đó nhiều tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. 

Tính đến ngày 26/10/2020, tín dụng tăng 6,15% so với cuối năm 2019. Như vậy chỉ trong tháng 10, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm hơn 1 điểm phần trăm, tăng nhanh hơn nhiều so với các tháng trước.

Đánh giá cao điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cầu tín dụng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã dần cải thiện, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế.

Một điểm sáng quan trọng khác, đó là thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Tính đến hết ngày 26/10/2020, Chỉ số VN-Index đạt 950,8 điểm, tăng 5% so với cuối tháng trước, trở lại mức điểm của thị trường trước khi dịch Covid-19 xảy ra. 

Điều này phản ánh niềm tin của thị trường vào sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Và tực tế, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao trong quý III/2020.

Bên cạnh những điểm sáng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục chỉ ra một điểm sáng xuyên suốt từ đầu năm - đó là xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục diễn biến tích cực.

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019, còn nhập khẩu tăng 10,1%. 

Tính chung 10 tháng năm 2020, xuất khẩu đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất siêu ước đang ở mức kỷ lục, 18,72 tỷ USD. 

Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đã đạt mức tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong khi 9 tháng vẫn giảm 0,8%. Trong đó nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chỉ giảm nhẹ 0,02% (9 tháng giảm 1,1%). 

“Điều này cho thấy hoạt động sản xuất đang được phục hồi”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Điểm sáng tiếp theo, đó là giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách tiếp tục được đẩy mạnh, với số vốn giải ngân 10 tháng trên 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 54,69%). 

Như vậy, giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2020 tăng cả về số vốn và tỷ lệ so cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, tuy tỷ lệ giải ngân chỉ cao hơn 13,61 điểm phần trăm nhưng số vốn giải ngân bằng 150,3% so cùng kỳ năm 2019 (cao hơn 107,6 nghìn tỷ đồng). 

Theo khẳng định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì đây là số liệu rất tích cực, là thành quả của sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khi trả lời câu hỏi của báo chí trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2020 đã khẳng định, tình hình sẽ khả quan hơn trong những tháng cuối năm.

Một điểm sáng khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới, là thu - chi ngân sách nhà nước. Tuy thu ngân sách nhà nước 10 tháng chỉ ước bằng 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ, nhưng tổng chi ngân sách nhà nước bằng 72,1% dự toán, tăng 9,7%. 

“Chi ngân sách nhà nước đã đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

7 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2020
Phạt đến 200 triệu đồng VPHC trong lĩnh vực y tế; Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập... là những chính sách mới của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư