Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 31 tháng 07 năm 2024,
7 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI
Gia Hân - 31/07/2024 15:15
 
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), tính từ đầu năm đến ngày 29/7, tổng vốn FDI thu hút trong 7 tháng năm 2024 là 1,019 tỷ USD (đạt 146% kế hoạch năm). Tỉnh tăng cường chọn lọc dự án phù hợp chủ trương đề ra.
Đồng Nai hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI qua 7 tháng.

Vốn FDI tiếp tục rót vào Đồng Nai

Theo DIZA, trong hơn 1 tỷ USD vốn FDI, các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 55 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 627 triệu USD và 67 lượt dự án tăng vốn mở rộng sản xuất với tổng vốn tăng 392 triệu USD.

Singapore là quốc gia có số vốn đầu tư vào các khu công nghiệp Đồng Nai lớn nhất trong 7 tháng qua, với 9 dự án, số sốn 231,7 triệu USD (chiếm 36,98% tổng vốn đầu tư thu hút mới và chiếm 16,36% tổng số dự án thu hút).

Các dự án FDI vừa được DIZA cấp phép như dự án SLP PARK tại khu công nghiệp (KCN) Lộc An Bình Sơn, vốn đầu tư 121,4 triệu USD; nhà máy Công ty TNHH Công nghệ Global Star Việt Nam tại KCN Hố Nai, vốn đầu tư 33 triệu USD; nhà máy Công ty TNHH Công nghệ Tata Việt Nam, tại KCN Nhơn Trạch 6, vốn đầu tư 21 triệu USD; nhà máy sản xuất Công ty TNHH NIPPN Việt Nam, tại KCN Long Thành, vốn đầu tư 18 triệu USD; công ty TNHH Coherent Việt Nam - dự án Engineered Ceramics, tại KCN Nhơn Trạch 1, vốn đầu tư 15 triệu USD…

Bên cạnh các dự án cấp phép mới, các dự án tăng vốn cũng có mức đầu tư lên đến cả trăm triệu USD. Cụ thể là Dự án Nhà máy sản xuất cà phê của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tại KCN Long Bình (Amata), tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư cho dự án này lên 502 triệu USD.

Một dự án có mức tăng vốn cũng khá lớn là Nhà máy sản xuất lốp xe của Công ty cao su Kenda (Việt Nam) tại KCN Giang Điền, tăng 80 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư lên 296 triệu USD.

Bà Li Shu Ying, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Anctek Việt Nam cho biết, doanh nghiệp quyết định mở rộng đầu tư tại Đồng Nai vì địa phương có nguồn lao động dồi dào và có chính sách giải quyết thủ tục kịp thời cho doanh nghiệp. Ngoài ra, địa phương đang hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, đường cao tốc, tạo thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu.

Cùng thời gian này, DIZA cấp phép cho 9 dự án trong nước đầu tư mở rộng tại các KCN, với số vốn tăng thêm 1.385 tỷ đồng và 3 dự án mới thành lập với số vốn đăng ký là 1.528,8 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư trong nước trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 2.913 tỷ đồng (đạt 146% kế hoạch năm).

Chọn lọc nhà đầu tư phù hợp chủ trương tỉnh

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai các dự án FDI cấp phép mới vào các KCN trong 7 tháng đầu năm 2024 chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn…

DIZA cho biết, vừa qua không có dự án nào thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến; phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai.

Tỉnh Đồng Nai hiện có 33 KCN đã được thành lập với tổng diện tích hơn 10.500 ha. Có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, với gần 2.100 doanh nghiệp thuê, tổng diện tích 6.000 ha đất để sản xuất, kinh doanh.

Hiện có gần 1.600 dự án FDI còn hiệu lực, với số vốn đầu tư trên 34 tỷ USD. Có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Đồng Nai; trong đó, đứng Top đầu về số vốn là Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bà Nguyễn Thị Hoàng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khung khổ pháp luật cho các nhà đầu tư. Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư thực hiện các dự án đúng tiến độ và những nội dung đã đăng ký. Đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải gắn với bảo vệ môi trường; ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, thu hút FDI công nghệ cao là con đường ngắn nhất nâng cao trình độ công nghệ, để tạo ra các sản phẩm mới với chất lượng cao, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, quản lý và kinh doanh, giúp thu hẹp nhanh khoảng cách về công nghệ.

Theo ông Đức nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, nhất là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, cần thực hiện một số giải pháp như: quy định chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khu công nghệ cao, đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng, các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả trên địa bàn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó xây dựng Đề án đào tạo nhân lực công tác thẩm định hồ sơ dự án công nghệ cao trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng thẩm định, trách nhiệm quản lý công nghệ nhập khẩu, cấp phép và chứng nhận đầu tư các dự án FDI trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo DIZA coi chuyển giao công nghệ như một yếu tố quan trọng khi thẩm định dự án và quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án đầu tư vào Đồng Nai. Khẩn trương xây dựng hoàn thành Khu công nghệ cao Cẩm Mỹ, Khu công nghệ cao Long Thành và một số KCN có đủ quỹ đất lớn đủ điều kiện thu hút các dự án công nghệ cao vào tỉnh.

Đồng Nai hút gần 4 tỷ USD FDI từ Nhật Bản
Ngày 12/6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp ông Sakagami Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng 8 doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư