Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 07 tháng 09 năm 2024,
8 tháng, vẫn còn gần 60% vốn kế hoạch vẫn chưa được giải ngân
Hà Nguyễn - 07/09/2024 16:04
 
Tính đến cuối tháng 8/2024, ước tính, đã có 274.501 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, vẫn còn khoảng 50,5% vốn kế hoạch chưa được giải ngân, cần tập trung thúc đẩy.

Vẫn còn 34 bộ ngành và 23 địa phương giải ngân thấp

Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm tới cuối tháng 8/2024 là hơn 274.501 tỷ đồng, đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức giải ngân 42,35% của cùng kỳ năm trước.

Trong đó, vốn trong nước là trên 270.469 tỷ đồng (đạt 41,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là hơn 4.031,4 tỷ đồng (đạt 20,16% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong số này, riêng vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đạt trên 4.931 tỷ đồng, đạt 79,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Còn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân là 13.812 tỷ đồng, đạt 50,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỷ lệ giải ngân này dù chưa được như kỳ vọng, song cũng phản ánh đúng xu thế chung về tình hình giải ngân vốn đầu tư công những năm gần đây, thường chậm hơn trong những tháng đầu năm và được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm.

Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm là rất lớn. Bởi với tỷ lệ giải ngân của 8 tháng chỉ đạt gần 40,5%, thì vẫn còn 50,5% vốn kế hoạch nữa cần tập trung giải ngân. Kể cả mục tiêu của Chính phủ là giải ngân 95%, thì đây cũng vẫn là một nhiệm vụ khá nặng nề.

Từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong 8 tháng, có 9 bộ, cơ quan trung ương và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 45% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, vẫn còn có 34 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (40,49%).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của khối địa phương thấp hơn trung bình cả nước, trong đó có một số địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 được giao chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 nhưng có tỷ lệ giải ngân thấp, ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Trong số này, đáng chú ý có TP.HCM. Đầu tàu kinh tế của cả nước được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 79.300 tỷ đồng, nhưng ước giải ngân 8 tháng đầu năm mới đạt 13.142 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, số vốn giải ngân 8 tháng đầu năm của TP.HCM giảm khoảng 6.600 tỷ đồng.

Tương tự, Hải Phòng được giao kế hoạch vốn năm 2024 là 17.000 tỷ đồng, nhưng ước giải ngân 8 tháng đầu năm là 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 2.400 tỷ đồng so với con số của cùng kỳ.

Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Bình Phước, Quảng Ninh cũng là những địa phương trong diện này. Vốn kế hoạch năm 2024 lớn nhưng giải ngân lại thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu 8 địa phương nêu trên duy trì được số vốn đầu tư công giải ngân tương đương với mức vốn đã giải ngân trong cùng kỳ năm 2023 của chính địa phương đó, thì tổng số vốn giải ngân kế hoạch năm 2024 trong 8 tháng đầu năm cao hơn khoảng 15.600 tỷ đồng. 

Chưa phân bổ hết, nhanh chóng điều chuyển vốn

Không chỉ là vốn giải ngân chưa đạt kỳ vọng, mà cho đến cuối tháng 8/2024, vẫn còn một nguồn lực vốn không nhỏ chưa được phân bổ chi tiết.

Cụ thể, đến ngày 31/8/2024, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2024 chi tiết hơn 651.419 tỷ đồng, đạt 96,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tức là, vẫn còn hơn 26.524 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết.

Báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong số này, có hơn 9.135 tỷ đồng đã được các bộ ngành, địa phương đề nghị điều chỉnh giảm (bao gồm 8.001 tỷ đồng vốn trong nước và 1.133 tỷ đồng vốn nước ngoài).

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang có báo cáo để điều chuyển phần vốn này để bổ sung tương ứng cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc, dự án trọng điểm có tính chất lan tỏa, kết nối, liên kết vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. cũng như các dự án chưa được bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024, có nhu cầu bổ sung vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án…

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Chính phủ cho phép các bộ ngành, địa phương được phép tiếp tục phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Cùng với việc đốc thúc phân bổ chi tiết và điều chuyển vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất, như xem xét phát động phong trào 120 ngày đêm tăng cường, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương có mức giải ngân dưới mức bình quân cả nước, tập trung chỉ đạo, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, rà soát lại tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp với cơ quan chuyên môn để rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

“Phải nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, bám sát quá trình xử lý của các cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, khắc phục tình trạng "vốn chờ dự án", chuẩn bị điều kiện tốt nhất để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư