Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Sửa luật để khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế
Hà Nguyễn - 23/08/2024 10:03
 
Nhiều nhóm chính sách đã được đề xuất sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc chuẩn bị, thẩm định và triển khai thực hiện, giải ngân… các dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Thi công cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang.  Ảnh: Minh Anh

Gỡ khó từ “gốc” bằng sửa luật

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương, nhanh chóng, tập trung hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng hai dự án luật mà Chính phủ giao, là Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Một luật sửa 4 luật. Trong hai dự luật này, Luật Đầu tư công đang được quan tâm hàng đầu.

“Chúng tôi đã có những đề xuất đầu tiên về việc sửa đổi Luật Đầu tư công. Trong đó, 3 nội dung quan trọng mà chúng tôi đang muốn xin ý kiến các cơ quan liên quan là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu; nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia và dự kiến thiết kế một chương riêng cho ODA”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Thực tế, kể từ sau khi Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, cùng với sự nỗ lực điều hành của Chính phủ và các địa phương, giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện đáng kể, chất lượng đầu tư công được nâng lên một bậc.

Tuy vậy, quá trình thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019 thời gian qua đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện, giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Chẳng hạn, việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn; một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung, gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong triển khai…

“Quá trình giám sát việc triển khai, giải ngân các dự án đầu tư công mới thấy, không phải cái gì cũng đổ cho Luật Đầu tư công. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là ở khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, rồi chuyện thẩm quyền điều chỉnh, đấu thầu thực hiện dự án… Gần đây, nổi lên câu chuyện công tác chuẩn bị dự án. Một dự án mà chỉ chuẩn bị trong thời gian ngắn thì không thể tốt được, phải chuẩn bị kỹ thì tiến độ triển khai mới nhanh”, ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần đặt câu hỏi rằng, tại sao cùng một mặt bằng thể chế, chính sách, có nơi giải ngân tốt, có nơi lại không. Và câu trả lời là do “khâu thực thi”.

Tuy vậy, sửa Luật Đầu tư công là vô cùng cần thiết và quan trọng để hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công, nhằm tối ưu hóa, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Việc này càng quan trọng hơn nữa khi bối cảnh hiện nay, đầu tư công càng ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và về lâu dài, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển…

Khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế

Có một câu chuyện đã nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đó là vấn đề của đầu tư công chính là “đầu tiên”, chứ không phải là “tiền đâu”. Theo Bộ trưởng, để tăng tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công thì phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt…

Chúng ta cần thay đổi tư duy, thay đổi tầm nhìn, thay đổi phương thức quản lý, quản trị quốc gia. Phải đặt lợi ích phát triển đất nước lên trên hết, trước hết. Làm thế nào phát triển đất nước, giải phóng, huy động, sử dụng các nguồn lực hiệu quả. Tranh thủ các cơ hội, dù là nhỏ nhất để phát triển đất nước.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Có lẽ chính vì vậy, trong các nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi trong Luật Đầu công, việc đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục và nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án được nhấn mạnh. Cùng với đó, còn là các nhóm chính sách nhằm thể chể hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương; cũng như nhằm luật hóa các chính sách thí điểm đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng thời gian qua…

Chẳng hạn, cho phép tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đơn giản hóa quy trình, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm… Các dự án ODA cũng được đề xuất cắt giảm trình tự, thủ tục đề xuất, phê duyệt…

Theo ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc rút ngắn thời gian, quy trình làm thủ tục đầu tư sẽ góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư công.

Khi các dự án đầu tư công nhanh chóng được triển khai, sẽ góp phần quan trọng khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây cũng chính là một trong những lý do để bên cạnh việc sửa đổi Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - sau khi nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - đã nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Một luật sửa 4 luật).

Những ngày gần đây, công tác hoàn thiện sồ sơ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung đặc biệt để đẩy mạnh một cách nhanh chóng, khẩn trương, với sự tham gia của các cơ quan liên quan. Bộ đã thành lập các ban soạn thảo, nhanh chóng rà soát, xác định các nhóm nội dung cần sửa đổi tại các luật, đặc biệt là những vấn đề có nhiều vướng mắc mang tính cấp bách cần xử lý để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, vào chiều 20/8, ngay sau chuyến công tác tại Trung Quốc, đã tới làm việc với các thành viên Ban Soạn thảo được phân công hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật. Theo Bộ trưởng, một trong những vấn đề trọng tâm trong việc sửa các dự án luật hiện nay là giúp khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế.

“Hiện nay, chúng ta có nhiều ách tắc, điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế, tư duy quản trị xã hội, đâu đó vẫn chưa theo kịp sự phát triển. Do đó, chúng ta buộc phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh rằng, làm luật lần này phải coi như một cuộc cách mạng thật sự, đổi mới và cải cách về thể chế.

Bước nước rút của “đầu tàu” giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang đứng trước cơ hội rất lớn để lần đầu tiên hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư