Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Ách tắc là thiệt hại”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu quyết liệt xử lý nghẽn lệnh chứng khoán
Thanh Thủy - 04/06/2021 16:05
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng thị trường chứng khoán phát triển nhanh lại càng đòi hỏi cơ quan quản lý phải vươn lên cả về năng lực, phương tiện mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

“Ách tắc là thiệt hại”

Thông tin từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với các đơn vị khối thị trường tài chính thuộc Bộ hôm 2/6 vừa qua.

Theo báo cáo của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại cuộc họp, mức vốn hóa trên thị trường đã tương đương 101% GDP. Giai đoạn 2016 - 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục tăng trưởng và tăng trưởng nhanh, trở thành kênh huy động vốn trong trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Quy mô thị trường đến năm 2020 đạt 5,3 triệu tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2016 và tương đương 84% GDP. Đến nay, mức vốn hóa trên thị trường đã đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng, tương đương 101% GDP, tăng gần 21% so với cuối năm trước.

Báo cáo về hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn, gắn với niêm yết trên TTCK, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng cho biết sắp tới đây cơ quan quản lý sẽ tập trung xây dựng sau cổ phần hóa lên sàn UPCoM quyết liệt hơn, để đảm bảo các doanh nghiệp lớn khi niêm yết thành công. Ông Tiến cũng cho biết hệ thống các quy định mới về cổ phần hóa thoái vốn đã được ban hành đẩy đủ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá cao sự phát triển nhanh, mạnh của TTCK những năm vừa qua, trên cả 3 lĩnh vực là cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh. “Điều này đòi hỏi chúng ta phải vươn lên trong công tác quản lý, cả về năng lực, phương tiện mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn”.

Cũng bởi vậy, theo Bộ trưởng, hiện tượng nghẽn lệnh đang diễn ra hiện nay cần phải được đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh bởi “ách tắc là thiệt hại”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với TTCK thời gian qua đã bùng nổ phát triển mạnh mẽ nhưng so với các quốc gia châu Á đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm, thị trường hiện còn rất mới mẻ. Do đó, theo ông, với vai trò là bộ ban hành chính sách, chính sách ban hành cần làm cho tài chính nhà nước giàu mạnh lên, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư mạnh lên.

”Khi ban hành chính sách phải thúc đẩy, khơi dậy nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển, giải quyết các vướng mắc, vượt mọi rào cản”, trong chỉ đạo của mình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Quản lý xổ số, trò chơi có thưởng cần gắn với phát triển du lịch, tránh phát sinh tệ nạn

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, thời gian qua, Cục đã tham mưu cho lãnh đạo xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm, góp phần tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, vững chắc cho thị trường bảo hiểm trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế, môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu nghiên cứu một số vấn đề mới để chủ động trước, tránh chạy theo

 

Cũng liên quan đến việc xây dựng khung khổ pháp lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính nhấn mạnh vụ sẽ tiếp tục trình Bộ để trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt là quản lý chặt chẽ các loại hình về xổ số và trò chơi có thưởng trong thời gian tới.

Đối với quản lý lĩnh vực xổ số kiến thiết và trò chơi có thưởng, Bộ trưởng đề nghị cần quản lý chặt chẽ, gắn với phát triển du lịch, tránh phát sinh tệ nạn xã hội và phải coi “đây là mục tiêu cao nhất”.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh rằng muốn đi trước, đón đầu trong xây dựng chính sách các đơn vị cần phải nghiên cứu một số vấn đề mới, các vấn đề trong tương lai không xa sẽ đến, phải chủ động trước, tránh bị động chạy theo. Một số gợi ý được đưa ra như: công tác quản lý tiền ảo; lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát hành trái phiếu xanh; công trái xây dựng Tổ quốc để huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân…

Còn với công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng đánh giá công tác quản lý nhà nước đã tương đối tốt, từ khâu hoàn thiện thể chế, giám sát hoạt động đến điều hành linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng như thao túng giá, giả mạo giấy tờ, vi phạm trong hợp đồng, cần tập trung thanh tra, kiểm soát.

Cùng đó, TTCK và thị trường tiền tệ gắn liền với nhau, Bộ trưởng nhấn mạnh trong quản lý điều hành phải hạn chế tác động tiêu cực khi chính sách được ban hành, đảm bảo cân đối tài chính, cũng như các cân đối lớn trong nền kinh tế.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, đối với các đơn vị, công tác xây dựng thể chế cần phải đặc biệt quan tâm. Theo Bộ trưởng, “đây chính là dòng chảy chính, là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định”.

Dòng tiền ồ ạt bất chấp lực bán dâng cao, sàn HoSE lại đơ vì thanh khoản “khủng”
Sắc đỏ áp đảo nhưng, lội ngược dòng, một số cổ phiếu, đặc biệt là nhóm ngân hàng chưa tăng giá thời gian qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư