Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Agribank công bố báo cáo tài chính kiểm toán, hé lộ sự khác biệt về lợi nhuận
Thùy Liên - 31/05/2021 07:58
 
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh chính đều mang lại kết quả khả quan.
f
Agribank giảm nhẹ lợi nhuận năm 2020 do mạnh tay cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng 

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 vừa công bố của Agribank cho thấy, dù lợi nhuận thuần cao nhất hệ thống, song việc mạnh tay giảm lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động kì hạn dài vẫn giữ đến khi đáo hạn khiến lợi nhuận trước thuế năm 2020 của Agribank vẫn giảm nhẹ trên 5% so với năm trước.  

Lãi thuần cao nhất hệ thống, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng vọt

Số liệu từ báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy, năm 2020, hoạt động kinh doanh chính của Agribank vẫn mang lại hiệu quả tốt: Tín dụng tăng 7,8%, thu nhập lãi thuần đạt 43.660 tỷ đồng, cao nhất hệ thống.

Lãi thuần từ dịch vụ đạt gần 5.200 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mảng kinh doanh vàng và ngoại hối giảm so với năm trước nhưng vẫn mang về cho ngân hàng 940 tỷ đồng. Mua bán chứng khoán đầu tư lãi 141 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 24,7 tỷ đồng. Riêng lãi thuần từ hoạt động khác cũng chỉ đạt hơn 8.100 tỷ đồng, giảm 26% (chủ yếu do thu hồi nợ từ các khoản xử lý rủi ro giảm 23% do ảnh hưởng của dịch Covid 19).

Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 13.203 tỷ đồng, giảm 5,5% so với năm trước.

Nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy, lý do chính khiến lợi nhuận trước thuế của Agribank sụt giảm là do tốc độ tăng lãi thuần của Agribank chậm hơn nhiều so với  tốc độ tăng  chi phí trả lãi. Nguyên nhân là năm 2020, ngân hàng đã tiến hành 7 lần giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong khi lãi suất tiết kiệm không giảm tương ứng, khiến thu nhập từ lãi chỉ tăng 5,6% trong khi chi phí trả lãi tăng tới 7,5%.

Trao đổi với Báo Đầu tư online - baodautu.vn, ông Phùng Văn Hưng Quang, Kế toán trưởng Agribank cho biết, lợi nhuận Agribank năm 2020 giảm nhẹ do một số yếu tố.

Thứ nhất, do chính sách giảm lãi vay nên tốc độ tăng trưởng thu nhập từ lãi giảm khá mạnh (chỉ tăng chưa đầy 6% trong khi các năm trước tăng 13-14%, có năm tăng 16%).

Thứ hai, năm 2020, Agribank đã mạnh tay cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid -19, dẫn đến trên 1.600 tỷ đồng lãi phải thu của các khoản nợ được cơ cấu không được tính vào thu nhập (quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN). Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid 19 cũng khiến ngân hàng giảm hơn 1.100 tỷ đồng lãi vay (tổng cộng hai khoản này Agribank đã giảm 2.800 tỷ đồng thu nhập).

Thứ ba, năm 2020, Agribank tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Tại thời điểm 31/12/2020, tỷ lệ nợ xấu của Agribank nhích nhẹ lên 1,78% sng tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã lên tới 120% thay vì 101% tại thời điểm cuối năm 2019.

Nhìn vào báo cáo tài chính của 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống, có thể thấy, Agribank là ngân hàng có tổng thu nhập hoạt động lớn nhất, song đây cũng là ngân hàng có chi phí hoạt động cao nhất với hơn 26.000 tỷ đồng.  Điều này xuất phát từ đặc điểm, môi trường kinh doanh chủ yếu ở địa bàn nông thôn, nơi có mật độ dân cư thưa thớt, quy mô các khoản huy động và cho vay nhỏ lẻ.

Được biết, hiện Agribank đang là ngân hàng có số lượng khoản vay lớn nhất thị trường với  3,7 triệu khoản vay. Trong đó, số lượng khoản vay nhỏ lẻ quy mô dưới 50 triệu đồng là 337.000 khoản vay, dẫn tới chi phí lớn, biên độ lợi nhuận hẹp. 

Ngoài ra, với nhiệm vụ phải đảm trách lưu thông lượng tiền mặt lớn, nhất là ở khu vực nông thôn, Agribank đang phải chịu gánh nặng về chi phí vận hành tiền mặt (do địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp). Ngân hàng cũng đang thực hiện 7 chương trình tín dụng chính sách, cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất ưu đãi.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay,  Agribank phải ứng trước nguồn lực để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất theo chính sách của Chính phủ thì việc cấp bù từ ngân sách lại chưa kịp thời. Đến cuối năm 2020, số tiền lãi Agribank đã hỗ trợ khách hàng nhưng chưa được nhà nước cấp bù là trên 3.000 tỷ đồng.

bà
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank

Về huy động vốn, Agribank cũng phải chịu chi phí huy động cao do nhiều món tiền gửi nhỏ lẻ.  Đặc trưng khách hàng của Agribank là thu nhập bình quân thấp hơn các ngân hàng khác, đặc điểm tiết kiệm khác với khách hàng khu vực thành thị. Cụ thể, ngân hàng hiện có tới 18 triệu khách hàng gửi tiền, song quy mô khoản tiền gửi dưới 100 triệu đồng lên tới gần 15,3 triệu khách hàng.

Khoản tiền gửi nhỏ lẻ khiến chi phí huy động vốn thêm cao, song mặt tích cực là tiền gửi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn khiến nguồn vốn huy động của Agribank ổn định bền vững, ít bị ảnh hưởng bởi biến động lãi suất trên thị trường. Tính đến 31/12/2020, tiền gửi dân cư chiếm tới 81% tổng huy động vốn của ngân hàng, huy động vốn tổ chức chỉ chiếm 19%.  

Dư địa tăng trưởng lớn, song phải ăn dè

Theo bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank -  4 tháng đầu năm nay, tín dụng của Agribank tăng trưởng 1% (cùng kỳ năm 2020 tín dụng giảm), huy động vốn tăng 1,7%. Năm nay, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nuận trước thuế là hơn 13.640 tỷ đồng. Bà Phượng cho rằng, tình hình những tháng cuối năm khó đoán, vì phụ thuộc vào dịch bệnh Covid 19.

"Agribank đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, trong đó có cơ cấu nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, các gói tín dụng ưu đãi, miễn giảm lãi, miễn phí dịch vụ thanh toán trong nước", bà Nguyễn Thị Phượng chia sẻ.

Hiện bên cạnh đẩy mạnh tín dụng, Agribank đang tăng cường mảng dịch vụ, nhất là thanh toán. Năm 2020, mảng dịch vụ mang về cho Agribank gần 5.200 tỷ đồng, chủ yếu từ dịch vụ thanh toán trong nước. Với hệ thống mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, hệ thống ATM, POS lớn và tỷ lệ người dân khu vực nông thôn có tài khoản thấp như hiện nay, dư địa tăng trưởng mảng thanh toán của ngân hàng vẫn còn rất rộng.

Ngoài ra, từ giữa tháng 5 vừa qua, Agribank triển khai chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước, áp dụng tại 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và các kênh ngân hàng điện tử của Agribank.

Bà Nguyễn Thị Phượng kỳ vọng, điều này sẽ tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tiết giảm chi phí hoạt động liên quan đến cung ứng tiền mặt, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Khó khăn lớn nhất của Agribank hiện nay là vẫn trong tình trạng kẹt vốn. Mặc dù đầu năm nay, Agribank đã được ngân sách cấp 3.500 tỷ đồng để tăng vốn từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách song cũng chỉ mới đạt trên 34.000 tỷ đồng, quá nhỏ so với tổng tài sản trên 1.570 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, vốn điều lệ tăng nhỏ giọt, quá chậm với tốc độ tăng tín dụng và tổng tài sản khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng liên tục sụt giảm. Hiện tại, hệ số CAR của Agribank vẫn đạt trên 9% song không bền vững do phụ thuộc vào phát hanh trái phiếu tăng vốn cấp 2.   

Một khó khăn nữa của Agribank là theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP trước đây, mức vay tín chấp của cá nhân và hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại… là 50 triệu đồng. Vay trên 50 triệu đồng, cá nhân, hộ gia đình phải có tài sản thế chấp và ngân hàng chỉ cần áp dụng hệ số rủi ro chỉ là 50%. Tuy nhiên, theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP, mức vay tín chấp được nâng lên 200 triệu đồng, đồng nghĩa phải áp dụng hệ số rủi ro 100%.

"Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến hệ số an toàn vốn, khiến Agribank thường xuyên phải “ăn dè” các chỉ tiêu tăng trưởng”, bà Phượng cho biết. 

Hiện Agribank đang kỳ vọng sớm cổ phần hóa để giải bài toán vốn và tăng trưởng. 

“Nếu thiếu vốn thì năng lực tài chính rất hạn chế, đầu tư vào công nghệ, tài sản đều trông vào nguồn vốn này, trong khi Agribank vẫn phải giữ được mục tiêu tăng trưởng, lợi nhuận tăng trưởng 5-7% so với 2020", ông Phùng Văn Hưng Quang, Kế toán trưởng Agribank cho biết.

Hiện tại, do vướng mắc về đất đai, Agribank vẫn chưa được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sử dụng nhà, đất. Theo kỳ vọng của lãnh đạo Agribank, cuối năm nay, phương án này sẽ được thông qua, đồng thời NHNN sẽ ban hành Quyết định cổ phần hóa Agribank.

Tuy nhiên, ngay cả khi có quyết định cổ phần hóa cuối năm nay, sớm nhất đến năm 2024, Agribank mới chuyển được sang mô hình ngân hàng cổ phần. Trước mắt, việc tăng vốn của Agribank vẫn dựa vào ngân sách nhà nước cấp và phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2.

Để giải tỏa khó khăn về vốn, Agribank đang mong ngóng Bộ tài chính sớm cấp bù hơn 3.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất mà ngân hàng này đã tạm ứng để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách để có thêm vốn hoạt động.

Agribank đưa dịch vụ ngân hàng đến từng hộ dân
Đến nay, Agribank là ngân hàng đi đầu trong hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen, xóa đói giảm nghèo, nâng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư