Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Agribank đang chịu cạnh tranh thiếu công bằng
Hà Tâm - 08/06/2020 15:38
 
Không chỉ câu chuyện tăng vốn, Agribank đang gặp nhiều khó khăn, ràng buộc khi là ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước.
Tại Agribank, các chỉ số sinh lời những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, tăng đều qua các năm.
Tại Agribank, các chỉ số sinh lời những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, tăng đều qua các năm.

Nộp ngân sách  hơn 6.000 tỷ đồng, xin cấp lại 3.500 tỷ đồng để thoát hiểm

Khác với các ngân hàng ngân hàng thương mại nhà nước khác vốn đã được cổ phần hóa, dễ dàng huy động vốn trên sàn, Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước, nên việc tăng vốn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Thời gian qua, đóng góp của Agribank với ngân sách là rất lớn, song Agribank lại chậm được ngân sách cấp vốn bổ sung.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, tổng lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 30.606 tỷ đồng, nhưng vốn tự có bổ sung từ lợi nhuận chỉ đạt 10.415 tỷ đồng. Mặc dù hoạt động hiệu quả, song từ năm 2011 đến nay, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của Ngân hàng bị suy giảm.

Tại thời điểm 31/3/2020, nếu theo chuẩn Basel II, CAR của Agribank chỉ đạt 6,9%, không đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định và có nguy cơ phải co hẹp tăng trưởng tín dụng xuống 4-5% trong năm nay. Chính vì vậy, ngoài nguồn phát hành trái phiếu, năm nay, Agribank rất mong chờ được ngân sách cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng tăng vốn để hệ số CAR đạt mức tối thiểu.

Được biết, năm 2019, Agribank đã nộp ngân sách nhà nước 6.300 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Agribank dự kiến vẫn đóng góp cho ngân sách tương đương năm ngoái, trong đó riêng khoản lợi nhuận sau thuế đóng góp cho ngân sách là hơn 3.500 tỷ đồng (nếu không được tăng vốn). Như vậy, khoản 3.500 tỷ đồng ngân sách cấp cho Agribank năm nay (nếu được Quốc hội thông qua) được lấy từ chính lợi nhuận của Ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, về lâu dài, để giải quyết bài toán tăng vốn, Agribank phải cổ phần hóa. Tuy nhiên, hiện Ngân hàng chưa hoàn thiện phương án sử dụng đất theo quy định của Nhà nước do đặc thù địa bàn rộng, tài sản nhà đất phức tạp về hồ sơ, thủ tục. Trường hợp quyết định cổ phần hóa năm 2020 thì cũng phải tới năm 2022, Agribank mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nên tăng vốn từ cổ phần hóa không thể thực hiện được trong giai đoạn 2019-2021.

Do đó, việc ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ để Agribank “thoát hiểm” trước mắt là rất quan trọng. Nếu không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, Agribank sẽ phải giảm dư nợ cho vay nền kinh tế 60.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc hàng chục ngàn khách hàng không có cơ hội tiếp cận vốn. Nếu được tăng vốn, không chỉ nền kinh tế có thêm 60.000 tỷ đồng vốn rẻ, mà Agribank cũng có cơ hội tăng doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, từ đó tăng nộp ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. 

Quan trọng hơn, Agribank được tăng vốn, thì hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ đầu tư sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận và doanh thu, nộp thuế cho Nhà nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển nền kinh tế đất nước, ổn định xã hội.

Ngân sách vẫn “nợ” Agribank hàng ngàn tỷ đồng

Trong Big 4 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống, Agribank là ngân hàng thương mại duy nhất sở hữu 100% vốn nhà nước. Song cũng vì vậy mà Agribank phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chính trị, chưa kể là đang được phân công hoạt động trong lĩnh vực “khó nhằn” nhất, có hiệu suất sinh lời thấp, khó thu hút các ngân hàng thương mại tham gia.

Thời gian qua, Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng nông nghiệp với nền kinh tế, với trên 50% thị phần toàn ngành. Agribank cũng là lực lượng chủ lực thực hiện 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Được biết, tổng số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng theo các chương trình hỗ trợ, cấp bù chênh lệch lãi suất mà Agribank thực hiện tính đến ngày 31/12/2019 là 4.263 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số tiền mà Agribank chưa được ngân sách nhà nước thanh toán cấp bù là 2.838 tỷ đồng. Việc ngân sách chậm chi trả tiền cấp bù gây khó khăn lớn cho Ngân hàng trong việc bố trí nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. 

Việc “gồng gánh” các nhiệm vụ tín dụng chính sách, bị hạn chế trong việc tăng vốn - vì phụ thuộc vào nguồn ngân sách - trong khi vẫn phải bình đẳng với các ngân hàng trên thị trường về huy động vốn, tăng trưởng tín dụng… khiến Agribank gặp nhiều bất lợi. Trước mắt, nếu không được tăng vốn, lợi nhuận Agribank có nguy cơ sút giảm 20% trong năm nay.

Trên thực tế, ngân sách đầu tư cho ngân hàng quốc doanh thời gian qua là khoản đầu tư đều đặn sinh lời, hàng năm góp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế, cổ tức cho ngân sách. Với Agribank, các chỉ số sinh lời những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực, tăng đều qua các năm. ROE tăng từ 5,91% năm 2014 lên 17,6% năm 2019; ROA tăng từ 0,35% năm 2014 lên 0,81% năm 2019.

Tuy nhiên, ngay cả khi được Quốc hội “gật đầu” tăng vốn (Quốc hội sẽ thảo luận vấn đề này trong tuần này), Agribank vẫn trong cảnh “ăn đong” về vốn điều lệ bởi mô hình ngân hàng 100% vốn nhà nước. Để gỡ bài toán vốn, về lâu dài - như đã nói - Agribank vẫn phải trông chờ vào việc cổ phần hóa.

3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank: Thêm hàng triệu hộ nông dân tiếp cận vốn ngân hàng
Tăng vốn điều lệ sẽ giúp Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư