Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Ai được lợi khi nhà nước thoái vốn triệt để tại TEDI?
Anh Minh - 20/08/2015 09:23
 
TEDI - doanh nghiệp tư vấn xây dựng hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam sẽ có cổ đông lớn nhất là người lao động nếu Nhà nước thoái vốn triệt để tại đây.
Nếu thoái toàn bộ vốn Nhà nước, TEDI sẽ được tham gia đấu thầu tất cả Dự án thuộc các nguồn vốn
Nếu thoái toàn bộ vốn Nhà nước, TEDI sẽ được tham gia đấu thầu tất cả dự án thuộc các nguồn vốn

 

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI) vừa trình cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông – Vận tải phương án thoái toàn bộ vốn nhà nước với mốc thời hạn hoàn thành được ấn định là trước 30/11/2015.

TEDI là một trong số 5 tổng công ty trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải được Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn nhà nước hiện có theo lô, bên cạnh những cái tên khác như Tổng công ty Vận tải thủy - CTCP, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP, Tổng công ty Xây dựng giao thông 6 – CTCP, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – CTCP.

Điểm độc đáo nhất trong phương án thoái vốn mà TEDI trình Bộ Giao thông - Vận tải là việc tập thể người lao động nhiều khả năng trở thành cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn xây dựng cầu đường.

Cụ thể, TEDI đề nghị chào bán toàn bộ 3,625 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng với 29% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 16.705 đồng/cổ phần. Phương thức chào bán mà 3 người đại diện phần vốn Nhà nước tại TEDI đề nghị là đấu giá theo lô 30% số cổ phần nhà nước chào bán và bán thỏa thuận cho người lao động 70% số cổ phần nhà nước chào bán theo giá đấu giá thành công của đợt chào bán theo lô nêu trên.

“Sẽ có khoảng 2,53 triệu cổ phần được dành cho những người lao động chất lượng cao và có cam kết gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”, ông Bùi Doãn Toản, Chủ tịch HĐQT TEDI cho biết.

Chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 6/2015 với số vốn điều lệ là 125 tỷ đồng, TEDI có cơ cấu vốn góp khá hài hòa: Bộ Giao thông - Vận tải nắm 29%, hai nhà đầu tư lớn là FECON 25,76%, Oriental Consultan (OC) – công ty tư vấn hàng đầu Nhật Bản nắm 15,4%; số còn lại do người lao động và tổ chức Công đoàn cơ sở của Tổng công ty sở hữu gần 30% và một số cổ đông nhỏ lẻ khác.

Như vậy, trong trường hợp người lao động tại TEDI quyết tâm dốc túi, thì lượng cổ phần mà họ nắm giữ có thể lên tới gần 50% vốn điều lệ. Khi đó, họ sẽ trở thành cổ đông lớn nhất trong công ty cổ phần này.

Hai cổ đông là các doanh nghiệp hiện hữu khác là FECON và OC cũng đủ tiêu chí tham gia đấu giá lượng cổ phần dự kiến tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong phiên đấu giá có thể tổ chức vào giữa tháng 10/2015.

Theo ông Bùi Doãn Toản, việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tái cơ cấu triệt để và tham gia sâu rộng hơn nữa vào thị trường xây dựng mà trước đây TEDI buộc phải đứng ngoài do bị bó buộc bởi “thân phận” là doanh nghiệp  trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải”.

“Sau khi hoàn thành việc thoái vốn nhà nước, Tổng công ty được phép tham gia đấu thầu tất cả dự án có nguồn vốn nước ngoài theo quy định của các tổ chức cho vay quốc tế”, ông Toản khẳng định.

Đối với Nhà nước, việc thoái 29% vốn điều lệ tại doanh nghiệp tư vấn giao thông sẽ mang lại cho nhà nước ít nhất 60 tỷ đồng – một khoản vốn đáng kể để đầu tư cho các dự án, ngành nghề quan trọng khác. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là đối tượng được hưởng lợi lớn nhất nếu phương án thoái vốn của TEDI được phê chuẩn.

Theo lãnh đạo TEDI, phương án này cho phép người lao động tại TEDI được tham gia làm chủ doanh nghiệp, đặc biệt đối với Tổng công ty là doanh nghiệp tư vấn, nguồn lực con người có trình độ chuyên môn cao là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp tiếp tục phát triển và ổn định. Nếu thành sự thật, TEDI sẽ là tổng công ty mà người lao động là cổ đông lớn nhất sau khi hoàn tất cổ phần hóa.

Cần phải nói thêm, mặc dù cổ tức của TEDI trong năm đầu tiên chuyển đổi không cao, chỉ đạt 10%, nhưng ngoài thương hiệu uy tín lâu năm, doanh nghiệp này còn sở hữu những kỹ sư tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực cầu, đường bộ và đường sắt.

“Đối với doanh nghiệp tư vấn như TEDI, cổ tức không phải là tất cả. Sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với TEDI chính là giá trị thương hiệu tích lũy được từ chính đội ngũ kỹ sư tư vấn. Việc giữ chân người lao động thông qua việc trở thành những người chủ thực sự cũng là một giải pháp được chúng tôi tính đến”, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI chia sẻ quan điểm.

FECON chính thức hợp tác toàn diện với TEDI và UTT
Chiều 23/8, tại Hà Nội, CTCP Nền móng và công trình ngầm FECON đã ký kết hợp tác toàn diện cùng hai đối tác trong nước là Tổng công ty Tư vấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư