Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Ai được lợi từ việc PPP tuyến đường sắt du lịch Đà Lạt?
Anh Minh - 19/01/2017 08:17
 
Lần đầu tiên, một tuyến đường sắt bao gồm cả nhà ga, kết cấu hạ tầng và đoàn tàu sẽ được cho thuê vận hành theo cơ chế đối tác công - tư (PPP).
TIN LIÊN QUAN

Cho thuê nguyên tuyến

Có khá nhiều điểm đáng lưu ý trong phương án đầu tư cải tạo, quản lý, vận hành đoạn tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các công trình có liên quan theo cơ chế PPP vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị áp dụng hình thức hợp đồng BOOT (xây dựng - sở hữu - kinh doanh - chuyển giao), không sử dụng vốn đầu tư đầu tư của Nhà nước cho dự án có tổng mức đầu tư 79,2 tỷ đồng này.

Nhà ga Đà Lạt của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát
Nhà ga Đà Lạt của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát

Đây là chi phí để tiến hành cải tạo đoạn tuyến đường sắt khổ đường 1.000 mm từ Đà Lạt đến Trại Mát, đảm bảo an toàn chạy tàu trong quá trình khai thác, với tổng chiều dài 6,724 km; sửa chữa, tu bổ, tôn tạo nhà ga Đà Lạt theo quy định pháp luật hiện hành và giải phóng mặt bằng khu ga Đà Lạt đang bị lấn chiếm.

Đổi lại, nhà đầu tư được sở hữu toàn bộ tài sản do nhà đầu tư đầu tư bổ sung vào các công trình phụ trợ, trang thiết bị để tăng doanh thu cho nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án; được phép thu toàn bộ doanh thu từ việc kinh doanh vận tải trên đoạn tuyến và khai thác quỹ trên đất không trực tiếp phục vụ chạy tàu trong phạm vi khu ga Đà Lạt, ga Trại Mát trong thời gian 25 năm.

Bộ GTVT cho biết, hệ thống tài sản hiện hữu của tuyến đường sắt duy nhất ở Tây Nguyên gồm 6,724 km sử dụng ray P26 chất lượng đã bị hư hỏng nhiều); khu ga Đà Lạt có diện tích 4,6 ha và ga Trại Mát có diện tích 1.793 m2; 2 đầu máy hơi nước, 4 toa xe…

Ngoài khoản chi phí cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt, nhà ga hiện hữu, nhà đầu tư sẽ phải trả cho Nhà nước khoản tiền thuê sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư - ước tích trong phương án tài chính Nhà nước thu được tối thiểu khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, do có nhiều nhà đầu tư nộp đơn xin tham gia Dự án, nên Cục Đường sắt Việt Nam sẽ cân nhắc áp dụng hình thức đấu thầu để lựa chọn các nhà đầu tư nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch.

Cần phải nói thêm rằng, tiêu chí đấu thầu được Bộ GTVT đề xuất là doanh nghiệp nào ngân sách nhiều nhất sẽ được lựa chọn.

Giảm gánh nặng cho Nhà nước

Giải thích lý do áp dụng hình thức BOOT, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, với tính chất của Dự án là nhà đầu tư có thể đầu tư các công trình khác để tăng doanh thu trên đoạn tuyến và khai thác quỹ trên đất không trực tiếp phục vụ chạy tàu.

Bên cạnh đó, qua rà soát các loại hình hợp đồng được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2016 thì loại hợp đồng này cơ bản tương tự hợp đồng BOT. Tuy nhiên, ngoài việc toàn quyền đối với tài sản đã đầu tư theo yêu cầu (công trình trên tuyến), loại hình hợp đồng BOOT được bổ sung quyền kinh doanh, quản lý các tài sản được giao (quỹ đất, công trình tiện ích); nhà đầu tư có thể đầu tư xây dựng công trình phụ trợ khác, thiết bị (nếu cần) và sở hữu có thời hạn các công trình đó trên cơ sở quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; kinh phí đầu tư các công trình phụ trợ của nhà đầu tư không tính vào tổng mức đầu tư của dự án cũng như trong hợp đồng dự án với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuyến Đà Lạt - Trại Mát thuộc tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt, được xây dựng từ năm 1932, nhưng do chiến tranh, đoạn đường này bị bỏ hoang từ năm 1972. Đến năm 1991, ngành đường sắt mới khôi phục lại và đưa vào khai thác đoạn Trại Mát - Đà Lạt phục vụ khách du lịch thăm quan chùa Linh Ứng và khu vực lân cận.

Do lưu lượng khách ít, hệ thống hạ tầng xuống cấp, nên việc duy trì tuyến đường sắt này đang là gánh nặng cho ngành đường sắt. Hiện tuyến có 3 đầu máy, trong đó có 1 đầu máy hơi nước, 4 toa để chở du khách với công suất 6 chuyến/ngày, giá vé là 20.000 đồng/người.

Theo thống kê của đơn vị đang khai thác tuyến này (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), trong những năm qua, Nhà nước đã phải bù lỗ cho việc khai thác tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát bình quân 983 triệu đồng/năm. 

“Việc nghiên cứu đầu tư cải tạo, thay đổi phương thức quản lý, vận hành khai thác theo hình thức xã hội hóa đầu tư là rất cần thiết nhằm tăng tính hấp dẫn để thu hút khách du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch thành phố Đà Lạt. Đồng thời, làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn tuyến”, ông Đông cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư