Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Ai nên tầm soát nhồi máu cơ tim?
D.Ngân - 01/05/2025 07:28
 
Nhồi máu cơ tim một căn bệnh nguy hiểm, tưởng chừng chỉ xảy đến với người khác, nhưng thực tế cho thấy nó có thể ập đến bất cứ ai. Nhiều ca nhồi máu cơ tim xảy ra với người trẻ là hồi chuông báo động.

Đáng buồn thay, không phải ai cũng nhận ra mình đang tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh, cho đến khi những cơn đau thắt ngực hay tình trạng đột quỵ không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, việc tầm soát nhồi máu cơ tim là một hành động không thể chần chừ, là cơ hội quý giá giúp mỗi người kịp thời nhận diện và ngăn ngừa hiểm họa này trước khi quá muộn.

Nhồi máu cơ tim có thể đến đột ngột, nhưng nếu chủ động tầm soát, mỗi người có thể phát hiện được những dấu hiệu tiềm ẩn trước khi căn bệnh này gây nguy hiểm cho tính mạng.

Việc tầm soát nhồi máu cơ tim nên được thực hiện bởi mọi người, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao. Những ai từ 50 tuổi trở lên, có tiền sử gia đình mắc bệnh tim, hay mắc các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hay thậm chí những người có lối sống thiếu lành mạnh như hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động, thức khuya, sống trong môi trường ô nhiễm, đều cần được khuyến cáo tầm soát định kỳ.

Chỉ khi chủ động kiểm tra sức khỏe, chúng ta mới có thể biết rõ mức độ an toàn của bản thân, vì bệnh không chừa ai, dù là người có sức khỏe tốt hay chỉ đơn giản là người không cảm thấy có bất kỳ triệu chứng nào. Những ai thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao nên tầm soát nhồi máu cơ tim ít nhất mỗi 6 tháng, để không phải đối mặt với sự bất ngờ mà bệnh mang lại.

Mặc dù nhồi máu cơ tim có thể đến đột ngột và đầy đau đớn, nhưng thực tế, quá trình hẹp nghẽn mạch máu đã âm thầm diễn ra trong nhiều năm mà chúng ta không hề hay biết.

Chính vì vậy, việc tầm soát định kỳ giúp phát hiện các yếu tố nguy cơ ngay từ giai đoạn sớm, khi mà bệnh có thể chưa bộc lộ ra ngoài. Từ đó, chúng ta có thể thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn uống, và nếu cần thiết, can thiệp y tế để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ trái tim yêu thương.

Theo GS.Võ Thành Nhân, chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch thì tầm soát không chỉ là kiểm tra sức khỏe, mà là một cuộc hành trình mà chúng ta cần phải chủ động. Bởi chỉ khi phát hiện sớm, chúng ta mới có thể ngăn ngừa, điều trị và giảm thiểu nguy cơ tử vong do bệnh tim.

Tầm soát nhồi máu cơ tim không phải là một quá trình đơn giản, mà là sự kết hợp của nhiều phương pháp y tế khác nhau, giúp bác sỹ đưa ra phán đoán chính xác về tình trạng tim mạch của bạn. Các phương pháp tầm soát bao gồm đánh giá nguy cơ xơ vữa mạch máu
Thông qua các xét nghiệm máu, bác sỹ sẽ kiểm tra các chỉ số cholesterol, đường huyết, chức năng thận và các yếu tố nguy cơ khác. Đặc biệt, xét nghiệm Lipoprotein (a) sẽ giúp đánh giá khả năng hình thành mảng xơ vữa trong lòng mạch vành, một dấu hiệu tiềm ẩn của nhồi máu cơ tim.

Kiểm tra hoạt động điện trong tim: Đo điện tim (ECG) giúp phát hiện các biến đổi bất thường trong dòng điện dẫn truyền trong tim, từ đó nhận diện các bệnh lý như rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, hay suy tim. Những kết quả này sẽ giúp bác sĩ phát hiện tình trạng thiếu máu cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim, hoặc viêm màng ngoài tim cấp.

Đánh giá chức năng tim qua siêu âm: Siêu âm tim qua thành ngực giúp khảo sát cấu trúc và chức năng của tim, từ cơ tim, hệ thống van tim đến các mạch máu xuất phát từ tim. Đặc biệt, nghiệm pháp siêu âm tim gắng sức giúp đánh giá khả năng bơm máu của tim dưới áp lực, từ đó giúp bác sĩ đưa ra lời khuyên về mức độ hoạt động thể lực phù hợp.

Chụp CT mạch vành để khảo sát tình trạng mạch máu tim: Đây là một phương pháp tiên tiến giúp nhìn rõ cấu trúc mạch máu tim, đánh giá mức độ hẹp nghẽn, vôi hóa mạch vành. Việc phát hiện sớm tình trạng này giúp bác sĩ có thể can thiệp kịp thời để bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân.

Mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 32,4 triệu ca nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Đặc biệt, những người sống sót sau một cơn nhồi máu cơ tim có nguy cơ tái phát và tỷ lệ tử vong cao gấp sáu lần so với những người bình thường cùng độ tuổi. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc tầm soát định kỳ, để phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Cũng theo GS.Võ Thành Nhân khẳng định, tầm soát sớm không chỉ giúp phát hiện những yếu tố nguy cơ mà chúng ta không thể nhìn thấy, mà còn mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống, bảo vệ trái tim và nâng cao chất lượng sống.

Trước khi đến khám tầm soát nhồi máu cơ tim, bạn cần chuẩn bị đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình. Hãy kiêng ăn ít nhất 6 giờ trước khi khám, không sử dụng cà phê, rượu bia hay thuốc lá. Đặc biệt, không nên vận động mạnh hay tập thể dục trước khi đi khám, và hãy mặc trang phục thoải mái để việc kiểm tra diễn ra thuận lợi.

Nhồi máu cơ tim có thể đến đột ngột, nhưng nếu chủ động tầm soát, mỗi người có thể phát hiện được những dấu hiệu tiềm ẩn trước khi căn bệnh này gây nguy hiểm cho tính mạng. Hãy chăm sóc trái tim của mình, bởi sức khỏe chính là món quà quý giá nhất. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư