Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Ai sẽ đền bù cho người dân nếu dùng nước bẩn gây hại sức khỏe?
Diệu Minh - 09/05/2019 11:10
 
Theo quy định, cá nhân, đơn vị nào thiếu trách nhiệm, không làm đúng trách nhiệm gây hậu quả thiếu nước sạch cho người dân thì cá nhân, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân.
.
Luật sư Đặng Văn Cường.

Nước sông Cái Lớn đoạn chảy qua huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước ngả màu đen kịt, kèm mùi hôi thối khiến 6.000 hộ dân không có nước sinh hoạt (từ ngày 1/5-2/5). Ngay tại một số huyện ở Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng... nước sạch vẫn khan hiếm. Và cả một số chung cư tại Hà Nội, nước sinh hoạt cũng bị người dân than phiền là đổi màu, đục, đen... Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư thành phố Hà Nội xoay quanh trách nhiệm của các bên liên quan.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên, đến chiều 3/5, 6000 hộ dân đã dần có nước sạch trở lại. Tuy nhiên, trong thời gian bị thiếu nước thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, thưa ông? 

Hoạt động cấp nước là loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước, trong đó có xét đến việc hỗ trợ cấp nước cho người nghèo, các khu vực đặc biệt khó khăn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước được quy định như sau:

 - Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các đô thị và khu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước tại các khu vực nông thôn;

- Thanh tra chuyên ngành xây dựng thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp nước đô thị và khu công nghiệp;

- Thanh tra chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp nước nông thôn;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động cấp nước trên địa bàn do mình quản lý; quy định chức năng, nhiệm vụ, phân cấp quản lý về hoạt động cấp nước cho các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân các cấp do mình quản lý;

- Sở Xây dựng các tỉnh và các thành phố trực thuộc trung ương là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước đô thị và khu công nghiệp;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước nông thôn trên địa bàn.

Theo khoản 2 Điều 55 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì đơn vị cấp nước có các nghĩa vụ như tuân thủ các quy trình, quy phạm vận hành hệ thống cấp nước; xử lý sự cố, khôi phục việc cấp nước; bảo vệ an toàn nguồn cấp nước, xây dựng đới phòng hộ vệ sinh khu vực lấy nước, hệ thống công trình cấp nước theo quy định; Bảo đảm cung cấp dịch vụ cấp nước cho khách hàng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ theo quy định; Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và định kỳ theo quy định tới chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương và trung ương và các nghĩa vụ khác... 

Trong vụ việc tại Hậu Giang, để xác định trách nhiệm trong việc thiếu nước sạch thuộc về ai thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng có thẩm quyền, làm rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng nước bị ô nhiễm nghiêm trọng (nước ngả màu đen kịt, kèm mùi hôi thối) là do các tổ chức, cá nhân của đơn vị cấp nước có vi phạm trong việc quản lý, vận hành hệ thống cấp nước hay do cá nhân, tổ chức nào gây ra trong quá trình sinh hoạt hay là kinh doanh… từ đó mới có cơ sở xem xét trách nhiệm thuộc về ai. 

Nếu có cá nhân, tổ chức nào đó có hành vi vi phạm làm ô nhiễm nguồn nước như xả chất thải sinh hoạt, công nghiệp…vào nguồn nước thì phải xem xét trách nhiệm của những đối tượng này. Trường hợp đơn vị cấp nước vận hành không đúng quy định dẫn đến lệch lạc, không xử lý kịp sự cố, khôi phục việc cấp nước thì cần xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan. 

Ngoài ra, theo quy định thì đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước do mình quản lý, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với đơn vị cấp nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước trên địa bàn; khi xảy ra sự cố thì đơn vị cấp nước phải báo cáo đột tới chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương và trung ương để có biện pháp phối hợp giải quyết. 

Do đó trong khâu quản lý, thực hiện nhiệm vụ của mình, cá nhân, đơn vị nào thiếu trách nhiệm, không làm đúng trách nhiệm gây hậu quả thiếu nước sạch cho người dân thì cá nhân, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.

Có một cơ chế đền bù nào cho người dân trong trường hợp này hay không? Nếu việc dùng nước bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì ai là người chịu trách nhiệm? 

Theo quy định của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 thì khách hàng có quyền được bồi thường thiệt hại do đơn vị cấp nước gây ra theo quy định của pháp luật, đơn vị cấp nước có nghĩa vụ bồi thường khi gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước theo quy định của pháp luật.

Do đó, nếu sự việc người dân dùng nước bẩn gây ảnh hưởng sức khỏe có nguyên nhân xuất phát từ lỗi của đơn vị cấp nước trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống cấp nước thì đơn vị cấp nước có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng. 

Trường hợp sự việc không phải do lỗi của đơn vị cấp nước mà do cá nhân, tổ chức khác có hành vi làm ô nhiễm nguồn nước, dù đơn vị cấp nước đã dùng mọi biện pháp để khắc phục sự cố nhưng vẫn cần thời gian nhất định để có nước sạch thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại là do cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm đó. 

Đối với sự việc trên thì cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước và tình trạng thiếu nước sạch để có hướng xử lý phù hợp.

Một số người dân xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phản ánh nguồn nước máy không đảm bảo. Vậy người dân cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình? 

Quyền của các khách hàng khi sử dụng nước của đơn vị cấp nước là được cung cấp đầy đủ, kịp thời về số lượng, bảo đảm về chất lượng dịch vụ đã nêu trong hợp đồng; Yêu cầu đơn vị cấp nước kịp thời khôi phục việc cấp nước khi có sự cố; Được cung cấp hoặc giới thiệu thông tin về hoạt động cấp nước; Yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra chất lượng dịch vụ, tính chính xác của thiết bị đo đếm, số tiền nước phải thanh toán; Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về cấp nước của đơn vị cấp nước hoặc các bên có liên quan…

Do đó khi nhận thấy nguồn nước có chất lượng không tốt (mùi hăng hắc của chất khử trùng, tắm lại có cảm giác nhơm nhớp...) thì khách hàng có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra nguồn nước, khắc phục sự cố nếu có. Trường hợp không được giải quyết hoặc nhận thấy việc giải quyết chưa thỏa đáng thì khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về cấp nước của đơn vị cấp nước hoặc các bên có liên quan tới cơ quan có thẩm quyền để được xem, giải quyết.

Ngay tại các chung cư lớn tại Hà Nội, nước sinh hoạt nhiều năm nay bị người dân than phiền là đổi màu, đục, đen... Cư dân cần làm gì để sớm được sử dụng nguồn nước sạch và đảm bảo hơn?

Như tôi đã phân tích ở trên, khi nhận thấy chất lượng nước không sạch thì người dân có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra nguồn nước, khắc phục sự cố nếu có. Trường hợp không được giải quyết hoặc nhận thấy việc giải quyết chưa thỏa đáng thì khách hàng có quyền khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định pháp luật.

Nhà máy xử lý chất thải xả nước ô nhiễm khiến người dân bức xúc
Đi qua Nhà máy xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ - Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì đặt trên địa bàn khu 6, xã Vân Phú (TP.Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư