Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Ấm áp nghĩa tình Việt – Lào
Nguyên Đức - 26/06/2019 10:54
 
Lại một lần nữa, Đoàn công tác của Ủy ban Hợp tác Việt - Lào, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trở lại với Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, hai địa phương mang tính hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Lào. Ở đó, nghĩa tình Việt - Lào vẫn đầy ấm áp, sắt son và chân tình…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra tiến độ Dự án  Sân bay Nọng Khảng ở Hủa Phăn. Ảnh: T.H
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiểm tra tiến độ Dự án Sân bay Nọng Khảng ở Hủa Phăn. Ảnh: T.H

Dấu ấn nghĩa tình

Từ Hà Nội, dọc theo Quốc lộ 6, tới Mộc Châu rồi qua cửa khẩu Loóng Sập (Sơn La), sau một hành trình dài, chiều 19/6, Đoàn công tác của Ủy ban Hợp tác Việt - Lào, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào làm Trưởng đoàn cũng đã đặt chân đến đất Hủa Phăn (Lào).

Đi từ lúc tờ mờ sáng, tới vào lúc chiều đã chạng vạng, ai cũng thấm mệt bởi đã gần chục tiếng đồng hồ ngồi trên ô tô, lại thêm đoạn đường từ cửa khẩu Pa Háng về Hủa Phăn rất xấu, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là núi cao, đường ngoằn ngoèo, đầy ổ voi, ổ gà,  cua tay áo, lại thêm cơn mưa rừng xối xả khiến tầm nhìn bị hạn chế, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bảo: “Phải tranh thủ đi thực địa ngay”.

Điểm đến đầu tiên của Đoàn là Sân bay Nọng Khảng, do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư xây dựng. Sau đó là Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Lào ở Hủa Phăn, do phía Việt Nam tài trợ.

Hôm sau cũng thế, ngay sau khi trải qua hành trình dài hơn 230 km đường núi quanh co để tới Xiêng Khoảng, chẳng chút mệt mỏi, Bộ trưởng lại bắt đầu đi thực địa công trường xây dựng Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Lào ở Xiêng Khoảng và Trường Năng khiếu Xiêng Khoảng. 

Nhìn công trường bộn bề, Bộ trưởng sốt ruột lắm. Ông liên tục hối thúc các chủ đầu tư, nhà thầu phải đẩy nhanh tiến độ, bởi đây toàn là các dự án mang tính biểu tượng của hợp tác Việt - Lào. “Phải hoàn thành vào cuối năm nay, để khánh thành các dự án chậm nhất vào tháng 3 năm tới, trước khi diễn ra một loạt sự kiện quan trọng của nước bạn Lào, đặc biệt là Đại hội Đảng”, Bộ trưởng nói.

Các dự án dường như đã chậm tiến độ so với kỳ vọng, một phần do năm ngoái, nước Lào gặp mưa lũ kéo dài, phần khác còn vướng thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị…

Nhưng nhìn công trình Bệnh viện Hữu nghị Việt - Lào ở Hủa Phăn đã xây được tới 7 tầng, chỉ còn 2 tầng nữa là hoàn thành phần xây lắp; hay Bệnh viện Hữu nghị Việt - Lào ở Xiêng Khoảng đang dần thành hình, quy mô hoành tráng, với nhiều dãy nhà đang mọc lên bề thế, hứa hẹn khi hoàn thành sẽ thoáng đẹp vô cùng, cả Đoàn công tác ai cũng bất ngờ.

Nhất là với những người đã tới Hủa Phăn, Xiêng Khoảng 4 năm trước, thì không chỉ là bất ngờ, mà còn là vui mừng khôn xiết. Bốn năm trước, khi ấy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đang là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã dẫn đầu một đoàn công tác tới thăm hai tỉnh này. Khi ấy, ông đến thăm hai bệnh viện Hủa Phăn và Xiêng Khoảng, quy mô còn nhỏ và khá cũ kỹ. Ngay sau khi nghe lãnh đạo hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng chia sẻ mong muốn có một bệnh viện 100 - 150 giường để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của bà con trong vùng, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng khi ấy đã ngay lập tức gật đầu. Ông đặt hàng thiết kế và chỉ đạo, cả hai bệnh viện đều phải được đặt tên là Bệnh viện Hữu nghị, trong tiếng cười hân hoan của những người bạn, những “người anh em một nhà” Việt - Lào.

Nhưng tất cả những người tham gia chuyến công tác ấy đều không thể hình dung, các bệnh viện, các trường học sẽ được xây dựng to đẹp và hiện đại đến thế này.

“Phía Lào chỉ đề xuất xây dựng bệnh viện 100 giường, nhưng sau khi nghiên cứu, phía Việt Nam quyết định xây dựng bệnh viện 200 giường. Lần đầu tiên có chuyện như vậy”, Bộ trưởng mỉm cười hài lòng khi nhìn thấy dự án mang tính biểu tượng cho tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào sắp hoàn thành.

“Phải đẩy nhanh tiến độ, cuối năm phải hoàn thành, đảm bảo cả tính kỹ thuật và mỹ thuật, sau đó nhanh chóng lắp đặt thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực để đưa dự án vào vận hành”, Bộ trưởng liên tục hối thúc. Ông bảo, đó là nhiệm vụ mà các nhà đầu tư, nhà thầu phải thực hiện, không được bàn lùi. Khó khăn ở đâu, vướng mắc ở đâu thì báo cáo, Chính phủ hai bên sẵn sàng tháo gỡ.

Các trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, hay Trường phổ thông Năng khiếu Xiêng Khoảng cũng đã được lên kế hoạch xây dựng từ đận ấy. Bây giờ thì mọi kế hoạch đã sắp trở thành hiện thực. Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp ở Hủa Phăn thậm chí đã đi vào hoạt động 

Vai sát vai, tiến lên xây dựng ngày mai

Suốt hành trình dài, dù mệt mỏi, nhưng chúng tôi luôn thấy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mỉm cười. Ông bảo, đã 3 lần tới Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, mỗi lần đến, lại thấy những đổi thay. Ông mừng vì điều đó, nhưng lại vẫn đau đáu rằng, kinh tế - xã hội của Hủa Phăn và Xiêng Khoảng còn nghèo quá, phải  thúc đẩy lên, để cuộc sống của người dân bớt vất vả.

“Nông nghiệp và du lịch là 2 lĩnh vực mà Hủa Phăn và Xiêng Khoảng có nhiều tiềm năng, phải làm sao thúc đẩy lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như thế, không phải chỉ trong các cuộc làm việc với Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn, hay Phó bí thư, Phó tỉnh trưởng tỉnh Xiêng Khoảng, mà còn cả trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Suphan Keomixay và khi báo cáo

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, khi Đoàn công tác tới Viêng Chăn tham dự Hội nghị Trao đổi nghiệp vụ chuyên môn về kế hoạch và đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào.

Ông bảo, tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Hợp tác Việt - Lào sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để bàn cách giúp các địa phương của Lào thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo được nhiều sản phẩm mới, thị trường mới và tham gia vào chuỗi giá trị. Cùng với đó, hợp tác với các công ty lữ hành, du lịch để tổ chức các tour, tuyến, điểm du lịch nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Lào.

“Xây dựng Sân bay Nọng Khảng sẽ giúp thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư hiện có, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là cách để Lào có thể thu hút đầu tư được nhiều hơn, tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế, nâng cao đời sống của người dân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy với Bộ trưởng Suphan Keomixay.

Ông cũng nhấn mạnh, cả hai bên cần tạo điều kiện hơn nữa để các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, hay của Lào tại Việt Nam triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả.

Không chỉ hỗ trợ Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, từ kinh nghiệm của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam còn đang cử các đoàn chuyên gia tới Lào để nghiên cứu về các vấn đề kinh tế vĩ mô, giúp Lào tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế như tăng trưởng thấp, dự trữ ngoại hối còn hạn chế, nợ công cao, thu hút đầu tư còn thấp…

Từng bước như thế, sự hợp tác không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vốn để xây dựng các dự án thiết yếu, bởi nhu cầu phía Lào đang lớn và danh mục các dự án chuẩn bị triển khai vẫn đang ngày càng dài thêm, mà hơn hết, đang dần tập trung vào giải quyết các vấn đề cốt lõi của nền kinh tế. Bởi đấy mới chính là nền tảng quan trọng nhất để hợp tác Việt - Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn và nâng lên tầm cao mới.

Đi cùng đoàn công tác từ ngày đầu tiên tới khi kết thúc, ông Khampheuy Keokinnaly, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - Việt Nam vui lắm. Ông nói với chúng tôi, ông rất vui khi Chiến lược Hợp tác Việt Nam - Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đến năm 2020 ngày càng đạt được những kết quả tích cực.

Trong chiến lược ấy đã nhắc rất nhiều đến việc hỗ trợ, góp phần thúc đẩy Hủa Phăn, Xiêng Khoảng phát triển nhanh, bền vững và tăng cường các mối liên kết nhiều mặt giữa hai tỉnh với các địa phương của Việt Nam, nhằm đóng góp hiệu quả vào phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khi hội đàm với Bộ trưởng Suphan Keomixay luôn nhấn mạnh rằng, phải thúc đẩy kết nối, nâng cao tính bổ trợ giữa hai nền kinh tế. Bộ trưởng cam kết sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành với sự phát triển của Lào nói chung và Hủa Phăn, Xiêng Khoảng nói riêng.

Nghe Bộ trưởng nói, chúng tôi nhớ đến “Bài ca Việt - Lào” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. “Việt - Lào anh em, vai kề vai tiến lên xây dựng ngày mai”.

Đúng như lời bài hát ấy, một ngày mai tốt đẹp hơn đang đến với nước Lào anh em, đang đến với quan hệ hợp tác Việt - Lào, một mối quan hệ “đoàn kết đặc biệt”, “hữu nghị vĩ đại” chưa từng có trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam…

Đẩy nhanh tiến độ các dự án mang tính biểu tượng hợp tác Việt - Lào
Tiếp tục chuyến công tác tại Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Việt - Lào đã tới tỉnh Xiêng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư