Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Ăn đong trong “rổ” vốn
Anh Minh - 08/06/2013 06:22
 
Sau khi Bộ Tài chính công bố kế hoạch phân khai vốn năm 2013, nhiều dự án giao thông sử dụng trái phiếu chính phủ rơi vào tình trạng “ăn đong” vốn.
TIN LIÊN QUAN

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh TP. Huế hoàn thành vượt tiến độ
nhờ được cấp đủ vốn trái phiếu chính phủ

“Nếu không có gì thay đổi, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tránh TP. Huế sẽ hoàn thành trước ngày 30/6, sau gần một năm thi công”, ông Lê Xuân Sinh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án (PMU) 6, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Với tổng mức đầu tư 482 tỷ đồng, Dự án có mục tiêu tăng cường kết cấu 40 km mặt đường Quốc lộ 1, tuyến tránh TP. Huế do tuyến đường huyết mạch này bị xuống cấp nặng nề sau 10 năm đưa vào khai thác. Với tính chất cấp bách của Dự án, đại diện chủ đầu tư được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) yêu cầu phải hoàn thành trong vòng 12 tháng, kể từ ngày khởi công gói thầu đầu tiên.

Theo PMU6, vào thời điểm hiện tại, toàn bộ 4 gói thầu xây lắp chính của Dự án đã trải thảm xong lớp bê tông nhựa hạt mịn và chuẩn bị sơn kẻ mặt đường để bàn giao cho đơn vị khai thác trong vòng 10 ngày tới.

“Đây là công trình đường bộ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ duy nhất hoàn thành vượt tiến độ trong năm 2013”, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Ngoài việc không bị vướng về mặt bằng, Dự án Tuyến tránh TP. Huế là công trình hiếm hoi do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư được bố trí đủ vốn để triển khai.

Điều đáng tiếc là, không có nhiều dự án cầu đường sử dụng vốn trái phiếu chính phủ có được may mắn như Dự án trên.

Theo PMU2, việc “phân bổ” hợp lý 14 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ cho Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn Hữu Sản - Bản Chắt qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang là bài toán khó đối với đơn vị đại diện chủ đầu tư này.

Lý do đơn giản là, Dự án này có tới 11 gói thầu xây lắp, nên nếu chia đều, mỗi gói thầu chỉ nhận được 1,2 tỷ đồng, trong khi chủ đầu tư vừa phải trả nợ khối lượng, vừa thi công tiếp đến điểm dừng kỹ thuật và đảm bảo giao thông cho tuyến đường đang khai thác này.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam không thể bố trí vốn nhiều hơn, bởi Dự án có tổng mức đầu tư 1.072 tỷ đồng này thuộc diện đình hoãn, giãn tiến độ sau năm 2016”, ông Thắng phân trần.

Cần phải nói thêm rằng, tình trạng khan vốn trầm trọng đã lây sang cả các dự án cầu đường sử dụng trái phiếu chính phủ có khả năng hoàn thành trong năm nay. Ví dụ rõ nhất là Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27 nối Ninh Thuận lên Lâm Đồng. Công trình này hiện đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng này được Bộ GTVT xác định là phải hoàn thành vào cuối năm nay, nhưng mới được bố trí 240 tỷ đồng, bằng 45% nhu cầu thực tế.

“Do hầu hết các nhà thầu thi công đều yếu về tài chính, nên khả năng họ ứng vốn thi công nốt các khối lượng còn lại là rất thấp”, đại diện PMU2 khẳng định.

Ông Thắng cho biết, nếu Bộ GTVT bố trí thêm cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam khoảng 1.500 – 2.000 tỷ đồng trong năm nay, thì đơn vị này sẽ hoàn thành thêm được khá nhiều công trình, chứ không chỉ dừng ở con số 1 như hiện nay. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này thừa nhận, đây là yêu cầu bất khả thi, bởi chính Bộ GTVT cũng đang chịu rất nhiều áp lực vốn đối với các dự án trái phiếu chính phủ.

Soi vào “rổ vốn” của Bộ GTVT quản lý có thể thấy, mặc dù tổng vốn trái phiếu chính phủ được Chính phủ giao cho Bộ năm 2013 không giảm nhiều so với năm ngoái (13.000 tỷ đồng), nhưng do gần một nửa số vốn thuộc diện hoàn ứng (5.747 tỷ đồng), nên số vốn thực tế chia cho khoảng 70 đầu dự án chỉ chưa tới 7.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 5/2013, sau khi giải ngân được trên 47% cho các khối lượng vừa hoàn thành, Bộ GTVT hiện chỉ còn nắm trong tay khoảng 3.800 tỷ đồng chi tiêu trong 7 tháng cuối năm.

“Vấn đề lớn nhất đối với các chủ đầu tư giao thông hiện không phải làm thế nào để giải ngân hết vốn đúng kế hoạch, mà là việc giải bài toán “co kéo” hợp lý nhất trong bối cảnh “tấm chăn vốn” quá hẹp”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam bình luận.

Còn một vị lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) tiết lộ: “Nếu không được giãn hoàn ứng, với tốc độ giải ngân như hiện nay, thì chỉ đến giữa tháng 8 năm nay, các dự án trái phiếu chính phủ sẽ hết vốn trong tình trạng thi công dang dở, gây lãng phí lớn”.

Được biết, việc đình hoãn, giãn tiến độ các dự án hạ tầng giao thông sẽ là một trong những vấn đề nóng, khi Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006 - 2012 vào cuối tuần này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư