Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
An Giang hội tụ tiềm năng phát triển nông nghiệp
Trúc Giang - 25/12/2019 15:58
 
An Giang - vùng đất đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, với 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa phận tỉnh khoảng 100 km, mang phù sa bồi đắp nên các cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu, nước ngọt quanh năm, là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
TIN LIÊN QUAN
An Giang có nhiều tiềm năng phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp.
An Giang có nhiều tiềm năng phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp.

Nơi hội tụ tiềm năng

Điều kiện tự nhiên thuận lợi giúp An Giang có một nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh với sản lượng lúa và thủy sản nước ngọt nằm trong nhóm các tỉnh cao nhất nước.

Trong sản xuất nông nghiệp, lúa gạo là sản phẩm chủ lực với diện tích canh tác trên 250.000 ha, sản xuất 3 vụ với hệ số sử dụng đất là 2,43 lần; sản lượng lúa năm 2019 đạt gần 3,92 triệu tấn; trong đó sản lượng nếp và các giống lúa chất lượng đạt khoảng 1,050 triệu tấn.

Với địa hình sông nước kênh rạch chằng chịt, thủy sản được xem là thế mạnh thứ hai sau cây lúa với sản lượng đạt trên 532.000 tấn (năm 2019), trong đó, cá tra, cá basa là sản phẩm chiến lược của tỉnh với sản lượng đạt 412.000 tấn. Nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu vẫn còn rất nhiều tiềm năng đầu tư và cơ hội phát triển từ nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thế giới.

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang, trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm đầu tư phát triển theo hướng không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tạo lập các mô hình liên kết thị trường, liên kết doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh, phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng. An Giang được biết đến là địa phương năng động, sáng tạo ra những mô hình sản xuất mới, hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nhà nông và doanh nghiệp.

.
.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Với quyết tâm biến thế mạnh nông nghiệp thành động lực tăng trưởng cho kinh tế, An Giang đã và đang thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Vừa qua, tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhiều dự án có quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, điển hình như Dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM - An Giang tại huyện Thoại Sơn của Tập đoàn FLC với quy mô 216,6 ha, vốn đầu tư đăng ký 208 tỷ đồng; Dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tri Tôn của Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Lư Gia với quy mô 500 ha, vốn đầu tư đăng ký 2.000 tỷ đồng; Dự án Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao tại thị xã Tân Châu của Công ty cổ phần Cá tra Việt Úc với quy mô 160 ha, vốn đầu tư đăng ký 200 tỷ đồng; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú có quy mô 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng và Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao Nam Việt Bình Phú có quy mô 150 ha, vốn đăng ký 1.000 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú đầu tư tại huyện Châu Phú...

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương để Tập đoàn TH nghiên cứu, thực hiện đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung tại huyện Tri Tôn, trong đó quy mô trang trại khoảng 100 ha, vùng nguyên liệu lõi 900 ha và 3.000 ha liên kết để trồng nguyên liệu, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.000 tỷ đồng.

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp địa phương, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng kỹ thuật hiện đại kết hợp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp như trồng và chế biến rau, củ, quả, các sản phẩm nông nghiệp; chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ chăn nuôi. Đưa các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh tiếp cận các hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Ngoài chính sách của Trung ương, An Giang sẽ triển khai các chính sách riêng của mình và các gói hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp. Thực hiện cơ chế tạo quỹ đất linh hoạt hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô tập trung. Nghiên cứu ứng dụng hiệu quả các chính sách đột phá về khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư