Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
An Giang huy động mọi nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Hữu Phúc - 12/02/2021 16:27
 
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ...
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Năm 2020 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu. Vượt qua khó khăn đó, kinh tế tỉnh An Giang đã đạt được kết quả ra sao, thưa ông?

Năm 2020, tỉnh An Giang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa lũ, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Nhưng với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, giám sát của HĐND tỉnh, cùng nỗ lực và đồng thuận của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng. Tuy tăng trưởng thấp hơn năm trước, nhưng đó cũng là một thành công trong điều kiện hiện nay. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 (theo giá so sánh 2010) tăng 2,69% so với năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,46%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,54%; dịch vụ tăng 1,65%; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm tăng 2,25%.

Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 35,75%; công nghiệp và xây dựng chiếm 14,33%; dịch vụ chiếm 46,28%; thuế sản phẩm trừ trợ giá sản phẩm chiếm 3,64%. (cơ cấu tương ứng trong năm 2019 lần lượt là 35,43%; 13,73%; 47,18% và 3,66%).

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều hành phát triển kinh tế theo diễn biến dịch bệnh để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Một góc TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang
Một góc TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang

 

Trong bối cảnh khó khăn đó, đâu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh năm qua?

Trong năm 2020, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đạt mức tăng trưởng khá. Ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh năm 2010) đạt 36.500 tỷ đồng, tăng 8,03%; giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá so sánh năm 2010) ước đạt 8.800 tỷ đồng, tăng 7,24% so với năm trước.

Về thương mại - dịch vụ, tổng mức bán buôn, bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2020 ước đạt 130.400 tỷ đồng, tăng 5,64% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 930 triệu USD, tăng 4,49% so với năm trước.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đạt kết quả khả quan, như xuất khẩu thủy sản đông lạnh đạt 115.875 tấn, tương đương 278 triệu USD, tăng 2,54% về lượng và tăng 2% về kim ngạch; gạo xuất khẩu 470.900 tấn, tương đương 240 triệu USD, tăng 3,72% về lượng và tăng 7,49% về kim ngạch; hàng may mặc xuất khẩu đạt 134,6 triệu USD, tăng 3,23%...

Đặc biệt, mặc dù kinh tế chịu tác động nặng nề của Covid-19, nhưng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh vẫn tăng khá. Trong năm 2020, toàn tỉnh có 851 doanh nghiệp thành lập mới và 557 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động. So với năm 2019, số doanh nghiệp đăng ký tăng 19,89% (tăng 139 doanh nghiệp), số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động tăng 7,37% (tăng 34 đơn vị trực thuộc), vốn đăng ký tăng 53% (tăng 2.524 tỷ đồng).

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cao và bền vững cho Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Vậy tỉnh đề ra mục tiêu phát triển cho năm này ra sao, thưa ông?

Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 được tỉnh An Giang đề ra là khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Để đạt mục tiêu đó, trong phát triển kinh tế, những nhiệm vụ, giải pháp nào sẽ được tỉnh An Giang tập trung triển khai thực hiện?

Tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Rà soát, xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm cho từng sản phẩm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn và tầm nhìn đến năm 2030; hình thành và phát triển các hệ thống sản xuất và cung ứng giống nông nghiệp, các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô hàng hóa cho từng địa phương cụ thể theo hướng mỗi địa phương có 1- 2 sản phẩm chủ lực.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ và tiến tới chế biến sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Triển khai thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế hợp tác gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, qua đó, khuyến khích phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, từng bước hình thành một số doanh nghiệp nông nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Về phát triển công nghiệp, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khác. Xây dựng và thực hiện Chương trình Đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Về đầu tư xây dựng, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, có tính đột phá và lan tỏa, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là hạ tầng giao thông, nông nghiệp, nông thôn, du lịch, giáo dục, y tế... Trong đó, tập trung thực hiện Dự án xây dựng đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp (thuộc tuyến N1) và tạo điều kiện thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.

Về thương mại, tiếp tục tăng cường mời gọi nhà đầu tư xây dựng mới các công trình phát triển hạ tầng thương mại; xây dựng và triển khai Đề án Phát triển thương mại trong nước trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án Nâng cấp cửa khẩu chính Khánh Bình lên cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường thủy); Đề án Nâng cấp cửa khẩu đường bộ Vĩnh Xương trở thành cửa khẩu quốc tế đường bộ.

Về du lịch, phát huy thế mạnh đặc thù của du lịch An Giang, phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các điểm, khu du lịch trọng điểm, phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Xây dựng mô hình sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới.

Rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch; khai thác đặc trưng riêng của từng địa phương để khai thác du lịch và hình thành “Mỗi địa phương là một điểm đến”. Làm tốt công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển mạnh hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, những hoạt động văn hóa, giải trí về đêm… thu hút và giữ chân du khách.

Về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, tỉnh An Giang triển khai hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; khuyến khích xã hội tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

An Giang phấn đấu mỗi địa phương là một điểm đến
Tỉnh An Giang đang tiến hành rà soát, kêu gọi đầu tư phát triển các khu, điểm có khả năng phát triển du lịch; khai thác du lịch địa phương và hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư