Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
An ninh lương thực và thu nhập của người trồng lúa
P.k - 12/10/2017 07:34
 
Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính, trên thế giới hiện vẫn còn khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có số người thiếu đói lớn nhất, khoảng 500 triệu người. Việt Nam tự hào đã đóng góp lớn cho an ninh lương thực toàn cầu, nhưng thu nhập của người trồng lúa vẫn bấp bênh.
TIN LIÊN QUAN

Người cứu đói lại "xém" đói

Chỉ với diện tích đất gieo trồng 3,8 triệu ha, nhưng Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho trên 90 triệu dân, mà còn đóng góp trên 6 triệu tấn gạo mỗi năm cho "nồi cơm" của thế giới. Việt Nam đang đứng hàng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo với sản lương xuất khẩu chiếm đến 1/5 tổng nhu cầu gạo thương mại trên toàn cầu. Sản lượng gạo thương mại của Việt Nam đã góp phần cứu đói cho hàng chục triệu người dân vùng không thể sản xuất lúa gạo.

Sản xuất lúa ở Hậu Giang.
Sản xuất lúa ở Hậu Giang.

Tuy nhiên, do phải xuất khẩu với giá thấp, nên lợi nhuận của cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn nông dân làm ra hạt lúa ở Việt Nam ở mức thấp hơn nhiều quốc gia xuất khẩu trong khu vực.

Theo phân tích của TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), có nhiều nguyên nhân dẫn đến thu nhập của người trồng lúa còn thấp.

Trước tiên là trong nhiều năm qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức thấp, trong khi giá cả vật tư đầu vào tăng liên tục.

Thứ hai là bình quân đất sản xuất trên nông hộ ít, phổ biến từ 0,25 - 0,75 ha, nên rất khó để áp dụng các biện pháp cơ giới hóa. Bên cạnh đó trình độ tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại cũng còn rất hạn chế. Theo tính toán của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, với nông hộ có 0,75 ha đất sản xuất, thu nhập bình quân đầu người chỉ từ 643.000 - 1.457.000 đồng/tháng.

TS. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam cho rằng, trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, cho tới nay chúng ta chưa cải thiện được các khâu yếu nhất là giống, xây dựng thương hiệu gạo quốc tế và bảo quản, chế biến sau thu họach. Do chưa xây dựng được chuỗi công nghiệp hóa sản xuất lúa gạo nên chất lượng không đồng đều. Đây là những điểm yếu để đối tác nhập khẩu ép giá gạo Việt Nam.

Tổn thất sau thu hoạch mỗi năm không chỉ là nỗi lo riêng của Việt Nam. Theo FAO, mỗi năm trên thế giới có 1/3 lương thực sản xuất ra phục vụ con người bị mất đi hoặc lãng phí, tương đương 1,3 tỷ tấn. Con số này trị giá gần 750 tỷ USD mỗi năm. Nếu cắt giảm được hoàn toàn thất thoát và lãng phí lương thực, sẽ có thêm lương thực đủ nuôi sống 2 tỷ người.

Nhiều tác động giảm sản lượng

Tại diễn đàn APEC bàn về an ninh lương thực, các chuyên gia nông nghiệp đến từ 21 nền kinh tế thành viên và các tổ chức quốc tế đã đưa ra cảnh báo, với sự gia tăng dân số, diện tích đất dành cho nông nghiệp bị thu hẹp, cùng với sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề sống còn của mỗi nền kinh tế, là yếu tố quyết định quy mô và tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo.

Thực tế cho thấy, không thể đưa ra các giải pháp đơn lẻ để xử lý vấn đề này, mà đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể giữa chiến lược phát triển nông nghiệp song hành với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nền kinh tế APEC, các chuyên gia nông nghiệp cũng đánh giá rất cao sự đóng góp của Việt Nam trong đảm bảo an ninh lương thực, đặc biệt là khu vực ĐBSCL - nơi góp cho "nồi cơm" của thế giới hơn 6 triệu tấn gạo mỗi năm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều thách thức mà vùng đất này đang đối mặt. Đó là tác động kép do biến đổi khí hậu và sự tàn phá rừng, xây đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông làm xâm nhập mặn sâu hơn, tác động đến đa dạng sinh học, ngăn dòng phù sa bồi đắp cho vùng sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, do còn nhiều hạn chế trong ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến nên giá thành sản xuất lúa còn cao, trong khi đó, công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức, giá xuất khẩu thấp, đời sống người trồng lúa còn nhiều khó khăn.

Bàn về vấn đề này, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng giá trị, cải thiện thu nhập cho người trực tiếp làm ra lương thực, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng duy trì sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực bền vững.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư