Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14
Áp lực cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế
Thế Hải - 26/05/2018 17:13
 
Bên cạnh thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng của năm 2017 và 4 tháng năm 2018, vấn đề gây lo ngại của nhiều đại biểu quốc hội sau 1,5 ngày thảo luận tại hội trường là làm sao đưa ra giải pháp để cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhiều đại biểu lo ngại về chất lượng tăng trưởng, khi tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI và tỷ trọng gia công hàng hóa còn lớn, giá trị gia tăng thấp.
Nhiều đại biểu lo ngại về chất lượng tăng trưởng, khi tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI và tỷ trọng gia công hàng hóa còn lớn, giá trị gia tăng thấp.

Sáng 26/5, phát biểu kết thúc thảo luận nội dung kinh tế-xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường đã có 60 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 13 đại biểu tham gia tranh luận.

Tăng trưởng nhưng chưa bền vững

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với các nội dung và đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của hệ thống chính trị trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, các đại biểu đều đánh giá rằng năm 2017 là năm thành công khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 8/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch và tăng thêm 3 chỉ tiêu so với số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã ấn tượng đạt 6,81% vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra 6,7%, cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Nhiều lĩnh vực thế mạnh đã tăng trưởng khá và đóng góp vào sự phát triển chung như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, xuất khẩu, chế biến và chế tạo.

Thành tựu được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhắc tới, tăng trưởng đã từng bước giảm sự phụ thuộc vào dầu thô, mà có sự chuyển biến tích cực của công nghiệp chế biến, chế tạo, vào mức tăng đột biến khu vực nông nghiệp vụ và tăng xuất nhập khẩu.

4 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017.

Trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,6%; khai khoáng giảm 5%.

Còn trong năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4% so với năm 2016. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 14,5% là  mức tăng trưởng cao nhất trong 6 năm.

Về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, nhiều ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về tình hình 4 tháng đầu năm với nhiều khởi sắc.

Đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm 2018 ước đạt 7,38% là mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây, với đà này có thể đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm. Đây là kết quả từ nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương vào sự cố gắng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ngay từ đầu năm.

Áp lực cải thiện chất lượng tăng trưởng

Giá trị gia tăng sản phẩm ở một số ngành công nghiệp tăng, nhất là lĩnh vực gia công lắp ráp tăng trưởng cao cũng là vấn đề khiến nhiều đại biểu lo ngại.

Đơn cử, với ngành nông nghiệp,  2 năm vừa qua, kết quả tăng trưởng nông nghiệp phục hồi sau thiên tai liên tục tăng. Nếu 6 tháng đầu năm 2016 là âm 0,68% GDP, cuối năm 2016 tăng lên 1,36%, năm 2017 tăng 2,9%. 4tháng đầu năm 2018, tăng trưởng nông nghiệp đạt 4,05%.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn thừa nhận trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều tồn tại, xuất khẩu hơn 36 tỷ USD trong năm 2017, nhưng giá trị gia tăng gần 8 tỷ USD, khâu hế biến còn yếu, chưa có thương hiệu, chưa tổ chức được thị trường trong nước, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn lớn….

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi, tăng trưởng ngành nông nghiệp cao, xuất khẩu gần 37 tỷ USD, giá trị gia tăng gần 8 tỷ USD, nhưng bao nhiêu chảy vào túi người nông dân, hay là vào  khâu trung gian .

Về nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều ý kiến thống nhất các nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 như báo cáo của Chính phủ.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý, tập trung chỉ đạo triển khai các công trình quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cải cách hành chính, thuế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nông dân, ngư dân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, bảo đảm chính sách cho người có công, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Qua quyết toán ngân sách cho thấy, mặc dù quản lý ngân sách nhà nước năm 2016 đã có nhiều bước tiến bộ, song cơ cấu thu ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, việc lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước vẫn còn những tồn tại, yếu kém xảy ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành và địa phương.

 “Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận hôm nay đã được Ban Thư ký tổng hợp và phản ánh đầy đủ, sẽ chuyển cho Chính phủ tiếp tục tiếp thu và tổ chức chỉ đạo thực hiện”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.

Dồn lực cho chất lượng tăng trưởng
Sau mức tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, cần tập trung hơn cho nâng cao chất lượng tăng trưởng vào năm 2018, để nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư