Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ
Hà Tâm - 18/07/2017 08:44
 
Áp lực nới lỏng tiền tệ đang đè nặng khi chính sách tiền tệ được coi là còn dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Tín dụng đã tăng tới ngưỡng

Theo TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính - Tiền tệ (Học viện Chính sách và Phát triển), cung tiền có tác độ tích cực tới tăng trưởng kinh tế nước ta. Vì vậy, nếu tăng cung tiền ở mức hợp lý và nắn dòng vào các lĩnh vực ưu tiên sẽ giúp tăng trưởng kinh tế mà vẫn kiểm soát được lạm phát. Trong 6 tháng đầu năm, cung tiền mới đạt 5,7%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm là 16 - 18%. Vì vậy, còn dư địa tăng cung tiền.

Thực tế, tăng trưởng kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào vốn (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP là 170%), nên việc cung tiền tác động tới tăng trưởng không phải là điều dễ hiểu.

Dư địa tăng cung tiền còn khá lớn. Trong ảnh: Kiềm đếm tín dụng tại ngân hàng Việt Nam thịnh vượng. Ảnh:  C.C
Dư địa tăng cung tiền còn khá lớn. Trong ảnh: Kiềm đếm tín dụng tại Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng. Ảnh: C.C

Câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh tăng trưởng chịu nhiều áp lực như hiện nay, liệu có nên tăng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng? Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hạ hàng loạt lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất với lĩnh vực ưu tiên mới đây có phải là tín hiệu nới lỏng tiền tệ?

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN đang rất thận trọng vì ngành ngân hàng và cả nền kinh tế đã phải trả giá rất đắt cho thời kỳ tín dụng tăng trưởng nóng trước đây.

“Chúng tôi đã chạy thử mô hình tính toán ở 52 nước, trong đó có Việt Nam, và thấy rằng, tín dụng tăng thêm 10% thì GDP mới tăng thêm 0,5%. Trong khi đó, thêm 10% tín dụng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, tôi cho rằng, NHNN đang điều hành rất thận trọng và tăng trưởng tín dụng 18% có thể là mức tối đa năm nay”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng 18 - 20% là đã ở mức khá nóng. Trước đây, các chuyên gia WB cũng từng khuyến cao, Việt Nam chỉ nên tăng tín dụng ở mức 2 - 2,5 lần tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó, việc tăng tín dụng cũng phải kiểm soát chặt luồng tiền, tránh chảy vào những lĩnh vực ít tạo tính lan tỏa trong nền kinh tế.

Theo tính toán của một nhóm chuyên gia kinh tế, vốn đổ vào bất động sản thực tế có tính lan tỏa rất thấp. Các ngành tạo được sự lan tỏa lớn là: nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất và phân phối điện, thương mại và dịch vụ.

“Khéo xoay, chăn vẫn ấm”

Thừa nhận chính sách tài khóa cạn kiệt, dư địa không còn nhiều, song theo các chuyên gia kinh tế, nếu khéo “xoay”, nền kinh tế vẫn có thể đảm bảo được tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm và những năm tới.

Theo TS. Nguyễn Thạc Hoát, trước hết, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, có thể tăng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng, song phải nắn được dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên và tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tăng trưởng.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, việc cần kíp hiện nay là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, cắt giảm chi thường xuyên, cơ cấu lại nguồn chi… “Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công hay cắt giảm chi tiêu thường xuyên là việc hoàn toàn có thể làm được, khéo xoay thì chăn vẫn ấm. Bên cạnh đó, cần phải kiên trì tái cơ cấu nền kinh tế. Đồng thời, phát triển thị trường chứng khoán phái sinh và các kênh khác để nền kinh tế giảm phụ thuộc vào ngân hàng”, ông Lực khuyến cáo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư