Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Áp lực trả nợ giai đoạn 2015-2016 rất cao
Quang Hưng - Duy Hữu - 31/10/2014 08:27
 
() Tiếp tục chương trình thảo luận tại hội trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã hé mở phần nào câu chuyện được cử tri và Quốc hội quan tâm: Nợ công đã đến ngưỡng nguy hiểm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Không nên hoãn tăng lương mà nên giảm biên chế
Vì sao Bộ giảm, Tổng cục và Cục phình to?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiên Dũng, khái niệm nợ công chỉ thực sự bắt đầu với hệ thống quản lý tài chính Việt Nam từ năm 2010, khi Luật Quản lý nợ công chính thức có hiệu lực. Trước đó, các chỉ tiêu quản lý khác là nợ Chính phủ hay nợ quốc gia đều ở mức khá thấp (31-38% GDP) và chỉ thực sự tăng mạnh từ năm 2009, khi Việt Nam tích cực đi vay để kích cầu.

  Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng  
  Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng  

Những năm sau đó, kinh tế khó khăn, nguồn thu bị cắt giảm để hỗ trợ doanh nghiệp trong khi các khoản chi cho an sinh, các chương trình mục tiêu quốc gia… không thể cắt giảm khiến cho cơ quan quản lý phải thắt chặt túi tiền dành cho đầu tư. Tỷ trọng chi cho lĩnh vực này giảm từ 21,6% năm 2010 xuống mức 16-17% tổng chi hiện nay. Để bù đắp, Chính phủ phải phát hành 170.000 tỷ đồng trái phiếu trong 3 năm 2014-2016, bên cạnh con số 225.000 tỷ đã được Quốc hội phê duyệt trước đó cho giai đoạn 2011-2015.

Chính điều này đã đẩy nợ công tăng cả về tỷ lệ lẫn số tuyệt đối, từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015 (tốc độ tăng nợ khoảng 18-25% một năm).

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục phải vay nước ngoài (chủ yếu là ODA, vay ưu đãi…) 5-6 tỷ USD một năm, trong đó, cho doanh nghiệp vay lại khoảng 1,5-2 tỷ USD/năm. Các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp đặc thù (dầu khí, điện, hàng không…) vay để làm các dự án trọng điểm cũng khoảng 3-4 tỷ USD/năm, bảo lãnh cho các định chế tài chính đặc thù phát hành trái phiếu 60.000-70.000 tỷ/năm cùng với khoản nợ của chính quyền địa phương tác động mạnh tới nợ công.

“Điểm tích cực của việc vay nợ những năm qua là tỷ lệ vay trong nước đã tăng lên, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, các khoản vay trong nước đều có kỳ hạn ngắn. Điều này đồng nghĩa với áp lực trả nợ giai đoạn 2015-2016 là rất cao”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiên Dũng, Việt Nam luôn đảm bảo trả đầy đủ, kịp thời các khoản đến hạn, không phát sinh nợ xấu, song cơ cấu nợ không bền vững. Cơ quan điều hành phải phát hành trái phiếu đảo nợ với tổng số tiền dự toán trong vòng 3 năm qua là 137.000 tỷ đồng.

Với mức bội chi dự kiến 4-5% một năm, trong vòng 2 năm tới, kế hoạch phát hành 145.000 tỷ đồng trái phiếu. Chính phủ dự kiến sẽ phải bán thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trái phiếu mỗi năm cho giai đoạn 2017-2020.

  Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp  
  Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp  

Với giả định GDP tăng trưởng 6,2-6,8% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2020, lạm phát khoảng 5-6%, bội chi giữ ở mức 4-5%, Chính phủ dự kiến nợ công sẽ tiếp tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2017 (64,9% GDP) và giảm dần sau đó. Đến 2020, cơ quan điều hành kỳ vọng nợ công sẽ về mức 60,2% GDP.

Trước đó, góp ý với công tác điều hành kinh tế - xã hội năm 2014, kế hoạch 2015 của Chính phủ, Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết: một trong những nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh là do bộ máy của chúng ta quá cồng kềnh. Mặc dù Bộ Nội vụ đã có Đề án tinh giản biên chế, dự kiến là đến 2020 giảm 100.000 biên chế, tuy nhiên “có một thực tế trong việc tinh giản biên chế rất khó, bởi vì những người đã thi đỗ công chức rồi, khi cho ra không được, dù họ không làm được việc nhưng do nể nang, do các mối quan hệ nên vẫn không tinh giản được” - ông Thảo nói.

Cũng theo ông Thảo, bộ máy cồng kềnh khiến việc tăng lương theo lộ trình trở thành một thách thức. Lẽ ra kỳ này phải tính đến chuyện tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức, thế nhưng hiện nay nguồn ngân sách cực kỳ khó khăn, nguồn thu không có và biết bao thứ phải chi. Quốc hội đã tính đến chuyện thắt lưng buộc bụng nên khó có chuyện tăng lương.

  nhiều công chức  
  Trong bộ máy hành chính của ta còn  nhiều công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về"  

Ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, muốn cải thiện được chất lượng đội ngũ cán bộ thì chỉ có cách là tăng thu nhập cho họ nhưng vì số lượng biên chế quá đông nên khó mà tăng được, đó cũng là lý do chúng ta không thu hút được người giỏi phục vụ cho bộ máy hành chính, bởi kể cả người đi học nước ngoài bằng giỏi cũng vẫn phải thi tuyển, tập sự rồi mới tăng dần lên.

Hiện Việt Nam đã phải đi vay để trả lãi các khoản nợ công, chi thường xuyên (trong đó chi lương là chủ yếu) chiếm đến 70% đã hạn chế nguồn chi đầu tư phát triển để tạo ra nguồn thu mới trả nợ. Rõ ràng không giảm được biên chế sẽ làm cho nợ công tăng thêm.

Để khắc phuc tình trạng này, theo ông Thảo, Việt Nam nên học tập Trung Quốc, họ làm việc này rất quyết liệt. Có thời điểm họ sáp nhập Bộ, có tới hơn 1.000 người mà cuối cùng họ chỉ để lại thành 1 cục của Bộ chỉ còn hơn 40 người. Số người còn lại họ giải quyết bằng cách: với những người có trình độ năng lực nhưng không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan, họ cho xuống cơ sở dưới tỉnh, huyện. Còn với những cán bộ tuổi còn trẻ, họ tiếp tục cho đi học để nâng cao trình độ. Còn đối với những người kém hơn nữa thì loại bỏ, cho một khoản tiền để nghỉ việc.

Ngoài ra, phải nghiên cứu kết hợp sử dụng công nghệ vào quản lý. Chẳng hạn trong giao thông, thay vì cảnh sát đứng đầy đường thì chỉ cần sử dụng công nghệ, các lĩnh vực khác cũng vậy.

Tuy nhiên, ông Đinh Xuân Thảo cũng thừa nhận, làm được việc này là rất khó, bởi tính cách người Việt Nam là cả nể, ai cũng có con cháu, dễ cho người thì sau này con cháu mình cũng có phần. Trước đây chúng ta sáp nhập các Bộ từ 30-40 đầu mối xuống còn 23 đầu mối, nhưng thực tế biên chế không giảm chút nào, thậm chí còn tăng thêm.

Phát biểu trước Quốc hội, ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM nói: Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề này, không thể nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư