Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế 2016
Hà Nguyễn - 19/09/2023 20:57
 
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày hôm qua (2/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2016, với nhận định chung là, mặc dù triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn là tích cực, song năm 2016 “sẽ tăng trưởng chậm lại”.

Cụ thể, với kịch bản thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu GDP 6 tháng cuối năm tăng 6,83%, thì tốc độ tăng trưởng của cả năm sẽ là 6,27%. Trong đó, khu vực I (nông, lâm nghiệp) tăng trưởng 1,18%, khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng trưởng 7,99%, còn khu vực 3 (dịch vụ) là 6,79%. Đây là mức tăng trưởng mà nền kinh tế hoàn toàn đạt được và cũng là mức tăng trưởng được nhiều tổ chức quốc tế dự báo nhất.

Thậm chí, Ngân hàng Thế giới (WB), trong lần cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam gần đây nhất (ngày 17/7/2016), còn đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ chỉ đạt 6%, thay vì 6,5% và 6,2% như các dự báo trước đó.

Theo kịch bản lạc quan nhất, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng sẽ đạt mức tăng trưởng 8,44% trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh
Theo kịch bản lạc quan nhất, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng sẽ đạt mức tăng trưởng 8,44% trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh

Với kịch bản thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, nếu GDP 6 tháng cuối năm tăng 7,23%, thì tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 6,5%. Mức tăng trưởng của 3 khu vực kinh tế tương ứng sẽ là 2,045; 8,13% và 6,78%. Theo các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mức tăng trưởng mà nền kinh tế “có khả năng đạt được”.

Trong khi đó, với kịch bản lạc quan nhất - kịch bản thứ ba - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm đạt 7,57%, thì cả năm sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đặt ra. Khi đó, cả 3 khu vực của nền kinh tế đều có mức tăng trưởng khá cao, với khu vực I là 2,25%; khu vực II là 8,44%, còn khu vực III là 7%.

Không khó để nhận ra, nền kinh tế Việt Nam đang đi theo kịch bản nào, bởi thực tế, các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong 7 tháng đầu năm, không chỉ sản xuất nông nghiệp tăng trưởng âm, mà cả sản xuất công nghiệp cũng gặp khó, với chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 7,2% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng thấp so với cùng kỳ, chỉ tăng 7,4%, trong khi mức tăng của cùng kỳ năm ngoái là 8% (đã trừ đi yếu tố giá).

Chưa kể, xuất khẩu 7 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 96,83 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 9,2% của cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra là 10%. Vốn đầu tư phát triển giải ngân cũng rất chậm. Vốn ngân sách nhà nước 7 tháng mới đạt 36,7% kế hoạch, còn vốn trái phiếu chính phủ giải ngân ước bằng 25% kế hoạch.

Tất cả các con số trên là chỉ báo rất rõ nét về những khó khăn của nền kinh tế, trong bối cảnh Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa thành lập.

“Chính phủ nhiệm kỳ mới đã tiếp nhận một nền kinh tế với khá nhiều vấn đề, từ chuyện khô hạn, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, đến sự cố Formosa. Bên cạnh đó là những tác động bất lợi của kinh tế thế giới, nhất là sự kiện Brexit. Cần phải nghiêm túc nhận định tình hình kinh tế để từ đó có giải pháp phù hợp và phải cẩn thận để xử lý các vấn đề liên quan đến chi tiêu thường xuyên, nợ công...”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Trên thực tế, những khó khăn của nền kinh tế đã được Chính phủ lường trước từ 3 tháng trước đây và đã có những chỉ đạo, điều hành rốt ráo, từ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh phát triển, đến quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư phát triển, rồi giải quyết các điểm nghẽn của nền kinh tế..., nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bất chấp kinh tế khó khăn, Chính phủ vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

Động thái này của Chính phủ đã nhận được đánh giá cao và sự đồng thuận rất lớn từ dư luận. Song khá rõ ràng, nhiều dự báo cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% là khó đạt được. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung thậm chí mới đây còn cho rằng, đó là mục tiêu “bất khả khi”.

Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng kịch bản 3 cho nền kinh tế cũng đã nhấn mạnh, đó là mức tăng trưởng “khó đạt được”.

Tuy vậy, nếu nỗ lực, câu chuyện có thể sẽ khác. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mức tăng trưởng này, tất cả các ngành, các cấp phải phấn đấu, nỗ lực và có sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao, tập trung khắc phục các khó khăn, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi sản xuất nông, lâm, thủy sản, đảm bảo tăng trưởng dương cho nông nghiệp để bù đắp phần đã thiệt hại trong 6 tháng đầu năm.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của tất cả các ngành trong lĩnh vực công nghiệp. Đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực còn có nhiều tiềm năng như xây dựng, dịch vụ, du lịch… Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2016, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đó là những giải pháp mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải quyết liệt thực hiện, để nền kinh tế đạt được kịch bản lạc quan nhất.

"Không nên khai thác thêm dầu thô để bù đắp tăng trưởng"
Đó là quan điểm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội trao đổi với phóng viên bên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư