
-
Doanh nhân Phan Công Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần STPower: Vươn mình cùng dòng chảy đất nước
-
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest: Doanh nhân “xẻ dọc Trường Sơn”
-
Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Thị Trà: Tiếp nối sứ mệnh của người cha Anh hùng
-
Luật sư Nguyễn Thành Nam: Tự hào hai tiếng Việt Nam
-
Từ chiến hào đến màn ảnh: Câu chuyện của một nhà đầu tư ngoại đồng hành với điện ảnh Việt -
Tránh “điểm mù” khi khởi nghiệp trong ngành F&B
![]() |
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). |
Lá thư đặc biệt khởi nguồn cho thành tựu trọn đời
“Con nên theo học ngành sữa. Sau chiến tranh, vấn đề cấp thiết nhất là khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em và cải thiện sức khỏe người dân. Chỉ có sữa mới giải quyết được vấn đề này…” - đó là nội dung bức thư mà người cha viết cho con gái Mai Kiều Liên, đang đứng trước quyết định chọn ngành học. Lời khuyên của ba đã dẫn lối, định hình lý tưởng cho cô sinh viên trẻ tuổi.
Lý tưởng đó không chỉ theo bà Mai Kiều Liên trong suốt 6 năm học tại đất nước Nga xa xôi, mà còn tiếp lửa cho hành trình 50 năm sau đó, với khát vọng xây dựng nguồn dinh dưỡng chất lượng bởi chính người Việt và cho người Việt, vì sứ mệnh chăm sóc con người.
“Có thể nói, đó là một bước ngoặt của cuộc đời. Giờ nhìn lại, tôi thấy rằng, quyết định theo học ngành sữa là đúng đắn, vì đã góp phần xây dựng nên ngành sữa Việt, do người Việt Nam tự chủ và được thế giới biết tới”, bà nói.
Khởi đầu bằng ”cách mạng trắng”
Sau khi tốt nghiệp ngành chế biến sữa tại Đại học Moscow, năm 1976, bà Mai Kiều Liên trở về Việt Nam mang theo khát vọng xây dựng nguồn dinh dưỡng chất lượng cho người Việt.
Từ một kỹ sư trẻ tại nhà máy sữa, năm 1992, bà trở thành Tổng giám đốc Vinamilk. Gắn bó với Vinamilk gần 50 năm, với 33 năm làm Tổng giám đốc, bà Mai Kiều Liên đã dẫn dắt doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sữa “quốc dân” tỷ đô tại Việt Nam và đạt được vị trí đáng nể trên bản đồ ngành sữa thế giới.
Trong hành trình phát triển, Vinamilk đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn với những quyết sách quan trọng, đột phá từ người đứng đầu, đặc biệt là luôn tiên phong đổi mới, từ “cách mạng trắng” những năm 1990, đến chiến lược trẻ hóa thương hiệu hiện nay.
Ra đời năm 1976 giữa thời kỳ bao cấp nhiều khó khăn, Vinamilk tiếp quản và khôi phục hoạt động của 3 nhà máy cũ, chỉ sản xuất được 8 triệu hộp sữa mỗi năm.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập, hàng ngoại bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam, Công ty phải đối mặt với hàng loạt thách thức khắc nghiệt, đặc biệt là “làn sóng” sữa ngoại, trong khi năng lực sản xuất còn hạn chế, nguyên liệu thiếu thốn…
Để giải bài toán cạnh tranh, bà Liên cùng các lãnh đạo Công ty đã ngồi lại với nhau, phân tích đối thủ, sản phẩm trên thị trường, từ đó tìm ra giải pháp là phải chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, vừa đảm bảo chất lượng thành phẩm, vừa tiết kiệm chi phí.
Năm 1989, Vinamilk cùng với các kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam khôi phục thành công nhà máy sữa bột Dielac, sản xuất những lô sữa bột trẻ em “made in Vietnam” đầu tiên cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Khoảng năm 1990, sớm nhìn ra việc bị phụ thuộc về nguyên liệu sẽ không thể phát triển, bà Mai Kiều Liên và lãnh đạo Vinamilk tiên phong thực hiện “cuộc cách mạng trắng”, với mục tiêu xây dựng các vùng chăn nuôi bò sữa để chủ động vùng nguyên liệu sữa trong nước. Không chỉ vậy, với tầm nhìn chiến lược, vị nữ lãnh đạo này còn đặt ra mục tiêu sữa nguyên liệu trong nước phải đạt chuẩn quốc tế, giá thành sản xuất tiệm cận với thế giới.
Từ đó đến nay, Vinamilk đã xây dựng và phát triển nhiều trang trại bò sữa công nghệ cao khắp Việt Nam và đang hợp tác với hơn 4.000 nông hộ chăn nuôi bò sữa. Các trang trại của Vinamilk đều là những trang trại đầu tiên tại Việt Nam sở hữu tiêu chuẩn cao của thế giới như Global GAP, Organic châu Âu… Đồng thời, Vinamilk cũng xây dựng nhà máy, hiện đại hóa máy móc thiết bị, sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.
Kiên định giữ vững thương hiệu Việt
Giai đoạn cuối thập niên 90, rất nhiều doanh nghiệp nhà nước chọn liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường mua bán - sáp nhập vô cùng sôi động, Vinamilk cũng đứng trước lựa chọn liên doanh hay giữ thương hiệu. Bà Liên kể, ban lãnh đạo Công ty đã bàn bạc trong nhiều ngày, tranh luận rất lâu mới đi đến quyết định không liên doanh. Đó có lẽ cũng là quyết định tạo nên thương hiệu sữa Việt như hiện tại.
Không chỉ giữ vững thị trường trong nước, năm 1997, Vinamilk xuất khẩu lô sữa bột đầu tiên, với sản phẩm Dielac, sang thị trường Iraq, thông qua chương trình “đổi dầu lấy lương thực”. “Tại thời điểm đó, không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu sữa. Nhưng tôi tin Công ty làm được, bởi chất lượng sữa của Vinamilk thực chất không thua kém gì của các nước bạn, chỉ là chưa tìm được đường vào thị trường của họ mà thôi”, bà Liên nhớ lại.
Thực tế đã chứng minh, sự quyết đoán cùng tầm nhìn chiến lược của bà không chỉ đưa Vinamilk chính thức ghi tên lên bản đồ sữa thế giới, mà còn khẳng định vị thế hàng Việt Nam chất lượng cao trên thị trường quốc tế.
Đến nay, các sản phẩm của Vinamilk đã xuất khẩu đến 63 thị trường quốc tế, với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế vượt 3,4 tỷ USD.
Vinamilk đang giữ vị trí số 1 ngành sữa Việt Nam, thuộc top 40 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, giá trị thương hiệu đứng thứ 6 ngành sữa toàn cầu. Năm 2024, Vinamilk tiếp tục chứng minh vị trí của mình khi là doanh nghiệp sữa duy nhất của Việt Nam đứng trong nhóm 150 doanh nghiệp đầu tiên của danh sách Fortune 500 Southeast Asia 2024 do Tạp chí Fortune (Mỹ) công bố lần đầu tiên.
Sở hữu 15 trang trại, 16 nhà máy hiện đại trong và ngoài nước, Vinamilk là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam mang các sản phẩm dinh dưỡng chất lượng quốc tế đến nhiều thế hệ người Việt và chinh phục hơn 63 thị trường toàn cầu.
“Hoạt động của Vinamilk trong gần 50 năm nay luôn đặt chất lượng lên hàng đầu. Từ trước đến giờ, nguyên tắc của Vinamilk là làm gì cũng phải tốt nhất, chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Chất lượng - Giá cả - Dịch vụ là 3 yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước và thế giới”, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên chia sẻ.
Thực tế đã chứng minh, sau hơn 20 năm cổ phần hóa, doanh thu của Vinamilk đã tăng hơn 15 lần. Thời điểm bắt đầu cổ phần hóa, vốn điều lệ của Vinamilk là 1.590 tỷ đồng, đến cuối năm 2024, giá trị vốn hóa trên thị trường của Công ty đã đạt con số 132.503 tỷ đồng.
Làm mới thương hiệu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Khi được hỏi về sự đổi mới táo bạo của thương hiệu tỷ đô Vinamilk trong 2 năm vừa qua, bà Mai Kiều Liên cho biết: “Năm 2023, Vinamilk đổi mới toàn diện, không chỉ về thương hiệu, sản phẩm, bao bì, mà còn về cách quản lý, vận hành, chuyển đổi số cho đến cách tiếp cận người tiêu dùng, mà ở đây chính là thế hệ trẻ. Vinamilk đã gần 50 năm tuổi, dù sao cũng đã tạo cảm giác quen thuộc, truyền thống. Nếu không đổi mới, thương hiệu không thể trường tồn”.
Kết quả của cuộc chuyển mình đó là một “thế giới mới” đa sắc màu tươi trẻ và sống động của thương hiệu có tuổi đời gần 50 năm, được trình làng đầy ấn tượng với giới trẻ. Nhưng đó chưa phải là tất cả. “Câu chuyện truyền cảm hứng” thực sự của Vinamilk chính là việc thương hiệu đã dám đổi mới chính mình để “tốt hơn và tốt hơn nữa”, ngay cả khi đã là một biểu tượng vững vàng của ngành sữa Việt.
Vinamilk thành công với việc đổi mới hơn 125 sản phẩm chỉ trong một năm. Không chỉ “thay áo”, Vinamilk đã cho ra đời những sản phẩm hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Những công nghệ tiên tiến trên thế giới như “hút chân không sữa” hay “công nghệ siêu vi lọc” đã được Vinamilk mang về, tạo nên những tiêu chuẩn mới cho ngành sữa trong nước.
Có thể nói, Vinamilk thực sự đang đổi mới một cách đúng nghĩa, không chỉ trẻ hóa thương hiệu, mà còn thuyết phục khách hàng bằng chính chất lượng. “Với Vinamilk, đã làm thì sẽ làm tốt nhất. Không có gì đánh đổi với chất lượng, vì thực phẩm một khi đã đi vào người, thì không có cơ hội để sửa sai!”, trong cuộc trò chuyện với Báo Đầu tư, bà Mai Kiều Liên nhiều lần nhấn mạnh như vậy.
Xác định trẻ hóa thương hiệu để Vinamilk có thể song hành cùng thế hệ trẻ trên những chặng đường mới của đất nước, bà Mai Kiều Liên chia sẻ đầy tâm huyết: “Các bạn trẻ ngày nay có điều kiện, cơ hội hơn rất nhiều so với thế hệ trước, nhưng cũng đối diện với nhiều áp lực và sự canh tranh ngày càng tăng… Vì vậy, muốn đổi mới thực sự, thì cần bắt đầu từ chính mình. Không ai có thể thay đổi mình được, phải là do mình có khát vọng thay đổi”.
Đối với các bạn trẻ đang lựa chọn con đường khởi nghiệp, Tổng giám đốc Vinamilk nhắn nhủ, điều quan trọng là tìm được ý nghĩa của công việc đang làm, đối với bản thân, cộng đồng và đất nước, vì trong suốt quá trình học tập, làm việc, sẽ có rất nhiều thách thức, nếu không xác định được đam mê và lý tưởng để theo đuổi đến cùng, thì sẽ không bao giờ đến đích.
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, với hạt nhân là những tài năng trẻ của đất nước, không chỉ giỏi về kiến thức, mà còn mang hoài bão cống hiến. Thông điệp của bà Mai Kiều Liên không đơn thuần là chia sẻ của thế hệ đi trước đối với thế hệ tương lai, mà là một lời cam kết mạnh mẽ về tinh thần đổi mới của thương hiệu tỷ đô, khi truyền cảm hứng và quy tụ được thế hệ trẻ có lý tưởng, khát khao để cùng phát triển và tiếp nối sứ mệnh.
Với những cống hiến cho sự phát triển của đất nước, bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND TP.HCM tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong 5 gương mặt của lĩnh vực kinh tế được vinh danh.
-
Doanh nhân Phan Công Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần STPower: Vươn mình cùng dòng chảy đất nước
-
Doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel: Tiên phong đưa thương hiệu du lịch Việt vươn tầm toàn cầu
-
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest: Doanh nhân “xẻ dọc Trường Sơn”
-
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ: Khát khao cống hiến vì một Việt Nam hùng cường
-
Bà Mai Kiều Liên: Ký ức từ lá thư đặc biệt đến “thuyền trưởng” thương hiệu sữa “quốc dân” tỷ đô -
Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed Trần Thị Trà: Tiếp nối sứ mệnh của người cha Anh hùng -
Luật sư Nguyễn Thành Nam: Tự hào hai tiếng Việt Nam -
Từ chiến hào đến màn ảnh: Câu chuyện của một nhà đầu tư ngoại đồng hành với điện ảnh Việt -
Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings Lê Văn Kiểm: Chất lính thấm đẫm trong mọi quyết sách kinh doanh -
Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS: “Nữ tướng nông nghiệp” trong kỷ nguyên vươn mình -
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm: Doanh nhân mang trái tim phụng sự đất nước
-
Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket thông báo tìm kiếm địa điểm đầu tư (lần 3)
-
Chất lượng làm nên thương hiệu: Bí quyết phát triển sản phẩm của Orenda
-
Beyond Digital - Dấu ấn CMC tại sự kiện công nghệ lớn nhất Hàn Quốc
-
Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket thông báo tìm kiếm địa điểm đầu tư (lần 2)
-
Acecook Việt Nam và hành trình 30 năm phát triển cùng đất nước
-
Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai, thành viên Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ được vinh danh Doanh nghiệp phát triển vững mạnh 2025