Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bà Mai Kiều Liên thông tin về việc mở rộng chuỗi cà phê Hi-Café
Hồng Phúc - 26/06/2020 10:10
 
“Chúng tôi không tham vọng thuê mặt bằng 10.000 - 20.000 USD để mở cửa hàng Hi-Café, mà sẽ tận dụng 430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt đang có”, Tổng giám đốc Vinamilk nói.
Ban chủ tọa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vinamilk được tổ chức sáng 26/06
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Vinamilk diễn ra sáng 26/06 (Ảnh: HP).

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) được tổ chức sáng nay (26/6) tại TP.HCM trình bổ sung ngành nghề kinh doanh là sản xuất đường như đường mía, đường thương mại có chức năng chuyên biệt như dành cho người bệnh tiểu đường, ăn kiêng,…

Vinamilk cũng bổ sung ngành kinh doanh dịch vụ phục vụ đồ uống với quán cà phê, giải khát và nhà hàng/các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. 

Theo lý giải của ban lãnh đạo, Vinamilk đang triển khai dự án mở hệ thống/chuỗi cửa hàng bán lẻ cà phê, đồ uống và một số thức ăn kèm theo với thương hiệu “Hi-Café”. 

Trong năm 2019, Vinamilk đã thử nghiệm mở một cửa hàng ngay trụ sở chính của công ty tại quận 7, TP.HCM.

Từ năm nay, Vinamilk sẽ phát triển mở rộng chuỗi cửa hàng này tại nhiều địa điểm khác nhau và trực tiếp vận hành. 

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk khẳng định, doanh nghiệp này không chi tiền thuê các mặt bằng mở quán cà phê mà tận dụng 430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt đang có trên cả nước để phát triển Hi-Café. 

Vinamilk có 430 cửa hàng Giấc mơ sữa Việt nên chúng tôi triển khai pha chế cà phê tại đó, với sữa là chính và cà phê là phụ.

Cà phê mà pha với sữa ngôi sao Phương Nam của Vinamilk thì tuyệt vời, không có sữa nào ngon hơn. Đây là cách tận dụng lợi thế của mình để đi vào ngành nước giải khát”, bà Mai Kiều Liên lý giải.

Vinamilk và Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã: KDC) gần đây công bố thông tin lập liên doanh ngành nước giải khát và kem, với 51% vốn góp của Vinamilk. 

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido cho biết, doanh thu từ liên doanh sẽ hợp nhất vào báo cáo tài chính của Vinamilk và Kido hưởng lợi nhuận từ liên kết.

Mục đích của việc lập liên doanh này nhằm đưa cả hai tham gia ngành hàng mới (nước giải khát) cùng kỳ vọng “mảng kem Kido sẽ đi xa hơn nhờ Vinamilk có kênh xuất khẩu”. 

Kido dẫn chứng số liệu từ 08/2019 của Euromonitor cho rằng, thị phần ngành kem Việt Nam được chi phối bởi 5 doanh nghiệp dẫn đầu là Kido Foods với 41,4%; Unilever nắm 8,9%; Vinamilk với 8,8%; Fanny 4,7% và Tràng Tiền nắm 4,1%.

Nếu liên doanh được lập như công bố thông tin của Kido, đồng nghĩa họ sẽ chi phối khoảng 50% thị phần ngành kem. Nhưng, liệu có khả năng xung đột lợi ích khi cả Kido và Vinamilk đều đang sở hữu rổ sản phẩm kem mang thương hiệu riêng?

Ông Lệ Nguyên phủ nhận khả năng xung đột lợi ích. 

“Sản phẩm cũ của ai thì người đó làm. Chúng tôi sẽ bàn với nhau để không xung đột và làm thêm loại cao cấp. Làm được cái mới thì ai cũng được chia lợi nhuận, có ai bị thiệt đâu”, ông Lệ Nguyên lý giải và tiết lộ, “Vinamilk đang dư công suất nên Kido không cần đầu tư gì nhiều”. Cùng với đó, giá nguyên liệu như đường, sữa Vinamilk đang mua thấp hơn từ 10-20% so với Kido. 

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đồng Vinamilk sáng nay, bà Mai Kiều Liên cho biết, hai bên đang thuê một đơn vị đánh giá độc lập để tính giá trị từng sản phẩm trước khi cả 2 bên đưa vào dây chuyền sản xuất nước giải khát của liên doanh. 

“Các sản phẩm của hai công ty mẹ khi đưa vào liên doanh sẽ được tính giá trị thương hiệu và đang được đánh giá. Các thương hiệu kem của Kido và Vinamilk sẽ được đưa vào liên doanh cũng như phát triển sản phẩm mới. Chúng tôi vẫn duy trì các sản phẩm độc lập”, bà Mai Kiều Liên nói. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư