Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bắc Giang - “thỏi nam châm” hút vốn FDI
Thanh Huyền - 07/10/2018 08:20
 
Bắc Giang đang có những bước chuyển mình quan trọng để chứng minh là một trong những địa phương năng động trong thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI mang yếu tố bền vững.
TIN LIÊN QUAN

Điểm đến của FDI

Thời gian gần đây, các “ông lớn” Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ, điện tử như Samsung, LG liên tiếp chọn Việt Nam làm đại bản doanh để xây dựng các nhà máy lớn. Điều này đã góp phần tích cực, “lôi kéo” nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ trợ khác của Hàn Quốc tới Việt Nam.

Điển hình là SJ Tech Việt Nam - doanh nghiệp sản xuất linh kiện LCD dùng cho điện thoại di động tại Bắc Giang do Hàn Quốc đầu tư 100% vốn. Dự án thực hiện trên diện tích hơn 50.000 m2 với tổng vốn đầu tư 17 triệu USD. Dự kiến, năm 2018, lợi nhuận của Công ty ước đạt hơn 200 tỷ đồng. Mỗi năm, đơn vị nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập từ 7 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ lý do lựa chọn Bắc Giang để xây dựng nhà máy, ông Ry Hyoung Goan, Tổng giám đốc SJ Tech Việt Nam cho biết, ngay từ khi thực hiện thủ tục đầu tư, Công ty luôn được các ngành chức năng tạo điều kiện thực hiện các thủ tục nhanh chóng, bảo đảm tiến độ.

Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong Vùng Thủ đô Hà Nội, Bắc Giang có hệ thống giao thông rất thuận lợi để phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.

Với vị trí gần các trung tâm kinh tế lớn của khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh..., Bắc Giang có điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ở nhiều ngành sản xuất tiêu biểu như vật liệu xây dựng, ứng dụng tự động hóa, điện, hóa chất, điện tử, linh kiện, dệt may - da giày, công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao...

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được một số dự án có quy mô vốn tương đối lớn, từ 50 triệu USD trở lên. Điều này được lý giải bởi hạ tầng các khu công nghiệp cũng như hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Dĩ nhiên, những điểm sáng trong bức tranh thu hút FDI của tỉnh Bắc Giang không đơn thuần đến từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, mà quan trọng hơn là nhờ yếu tố con người.

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, trong 9 tháng của năm 2018, tỉnh đã cấp mới cho 48 dự án FDI và bổ sung vốn cho 36 dự án, tổng vốn thu hút đạt 466 triệu USD. Với kết quả này, Bắc Giang đang xếp thứ 11 trong cả nước về tổng vốn thu hút FDI.

Các dự án sau khi được chấp thuận đầu tư đều triển khai nhanh chóng, công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà xưởng... và đưa dự án vào hoạt động được thực hiện với tiến độ nhanh so với kế hoạch dự kiến.

Để có được điều này, bên cạnh việc được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư thực hiện dự án tại Bắc Giang cũng được tỉnh hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng... 

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án, các nhà đầu tư được tỉnh hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn lao động; hỗ trợ tìm kiếm, tuyển dụng lao động; tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua hệ thống ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn.

Nhờ đó, từ vị trí 49 trên Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013, Bắc Giang đã liên tục cải thiện thứ hạng trong những năm qua và đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố vào năm 2017. 

Theo ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, kết quả này đến từ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của lãnh đạo tỉnh, tập trung cải thiện các chỉ số để tạo ra thay đổi mang tính bước ngoặt.

Để tạo sự đột phá hơn nữa trong thu hút FDI, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, trong đó đề xuất một số định hướng thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực có sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch...; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ... nhằm từng bước đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư FDI vào tỉnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư