Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 04 năm 2025,
Bắc Giang định hình mô hình du lịch bền vững, tăng trưởng từ giá trị xanh
Linh Nguyễn - 11/04/2025 22:03
 
Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên, du lịch Bắc Giang đang trở thành cầu nối giữa các vùng du lịch trong cả nước, thúc đẩy ngành công nghiệp không khói cả nước cùng phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Trong không khí sôi động của chuỗi các hoạt động hưởng ứng Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2025, chiều ngày 11/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến, Quảng bá, Giới thiệu điểm đến Du lịch Bắc Giang với chủ đề “Bắc Giang - Điểm đến du lịch Xanh Việt Nam”. 

Sức hút của du lịch Bắc Giang

Bắc Giang là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, có vị trí thuận lợi khi giáp Hà Nội và nằm gần tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch, nhờ vào bề dày lịch sử văn hóa và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. 

Tỉnh hiện có 2.237 di tích, trong đó 759 di tích đã được xếp hạng các cấp, nổi bật là chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, chiến thắng Xương Giang, khởi nghĩa Yên Thế... Ngoài ra, Bắc Giang có 5 di sản được UNESCO công nhận và 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiêu biểu, góp phần làm giàu bản sắc và thu hút du khách.

Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa phong phú, Bắc Giang còn sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp phù hợp phát triển du lịch sinh thái như: Suối Mỡ, hồ Cấm Sơn, rừng Khe Rỗ, thác Ba Tia, suối Nước Vàng và Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Đặc biệt, tỉnh có vùng cây ăn quả bốn mùa trù phú tại Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên. Ngoài ra, Bắc Giang còn nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống và đặc sản như Mỳ Chũ, bánh đa Kế, rượu Làng Vân…

Ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Linh Nguyễn

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, cùng với lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch, hiện nay Bắc Giang đang xây dựng phát triển 4 loại hình sản phẩm du lịch chủ lực, gồm: du lịch Văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. 

Tỉnh cũng đang định hướng phát triển 5 không gian du lịch: không gian Tây Yên Tử, không gian Khởi nghĩa Yên Thế, không gian dịch vụ - giải trí tại TP. Bắc Giang và Việt Yên, không gian du lịch sinh thái nông nghiệp và không gian văn hóa Quan họ. 

Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách Bắc Giang, tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết tour tuyến với các địa phương để định vị thương hiệu và thu hút khách trong nước, quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030 hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp quy mô lớn, đủ sức lan tỏa thành khu du lịch quốc gia. 

“Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự hưởng ứng của du khách, du lịch Bắc Giang sẽ không ngừng phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.”, ông Khoa tin tưởng.

Hiến kế phát triển điểm đến xanh, bền vững

Đóng góp ý kiến về sự phát triển lâu dài của tỉnh, bà Đặng Bích Thọ, Trưởng đại diện Công ty Du lịch Phượng Hoàng cho biết, Bắc Giang chỉ cách Hà Nội khoảng 100 km, giao thông đi lại rất thuận tiện. Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch của Bắc Giang vẫn còn khá chậm so với nhiều địa phương khác. Nhìn chung, các điểm đến vẫn mang tính rời rạc, thiếu sự kết nối. 

Về tính mùa vụ của sản phẩm du lịch, bà Thọ đưa ra ví dụ, trái cây như cam, vải chỉ có khoảng 4 tháng mùa vụ, vậy 8 tháng còn lại, du lịch Bắc Giang sẽ vận hành ra sao? Điều này đòi hỏi phải xác định rõ đối tượng phục vụ: khách nội địa hay quốc tế. Mỗi dòng khách có nhu cầu, kỳ vọng và tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau, từ dịch vụ đến cách tổ chức.

“Thực tế, Bắc Giang hoàn toàn có tiềm năng để phát triển du lịch quanh năm, nhất là du lịch cộng đồng tại các bản làng dân tộc, nơi có sẵn nhà sàn, cảnh đẹp, bản sắc văn hóa. Ngay cả những điểm đã có thương hiệu như Yên Tử cũng cần được định vị lại rõ ràng là điểm đến tâm linh, nghỉ dưỡng, trải nghiệm hay kết hợp, hướng tới khách trong nước hay quốc tế.”, bà Thọ kiến nghị.

Phản hồi ý kiến của bà Thọ, PGS.TS Bùi Thanh Thủy cho rằng, muốn phát triển du lịch bền vững, phải bắt đầu từ con người và bản sắc địa phương.

Từng gắn bó nhiều năm với công tác đào tạo, tư vấn và triển khai các chương trình phát triển du lịch tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, PGS.TS Bùi Thanh Thủy nhìn nhận Bắc Giang đang sở hữu một nền tảng rất đáng kỳ vọng để trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch miền Bắc, điều khiến bà đặc biệt ấn tượng với du lịch Bắc Giang là cách tỉnh không chạy theo phong trào làm du lịch mọi nơi, mọi lúc, mà lựa chọn con đường phát triển có chiều sâu, lấy bản sắc văn hóa làm trung tâm.

“Bắc Giang đang đi theo hướng đúng: phát triển du lịch dựa vào tài nguyên bản địa. Từ cảnh quan tự nhiên hoang sơ, hệ thống chùa tháp linh thiêng như Tây Yên Tử, chùa Vĩnh Nghiêm, đến di sản phi vật thể như Quan họ - Ca trù, rồi các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như vải thiều Lục Ngạn, tất cả đều là những chất liệu quý giá để phát triển những sản phẩm du lịch đặc sắc”, bà Thủy phân tích.

Thay vì sao chép mô hình của các điểm đến nổi tiếng, Bắc Giang đang hình thành các loại hình du lịch có tính cộng đồng cao như du lịch sinh thái, trải nghiệm làng nghề, du lịch tâm linh gắn với lễ hội truyền thống. Cách tiếp cận này không chỉ giúp địa phương bảo tồn được tài nguyên văn hóa, thiên nhiên mà còn tạo sinh kế thực chất cho người dân.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, Bắc Giang mới chỉ đang ở bước khởi đầu, nếu muốn nâng tầm vị thế và thu hút du khách lâu dài, địa phương phải sớm giải quyết được 3 nút thắt mang tính chiến lược.

Điều đầu tiên Bắc Giang cần làm là định vị rõ bản sắc của mình. Bà nhấn mạnh: “Không có bản sắc thì không có lợi thế cạnh tranh. Bắc Giang phải trả lời được câu hỏi: Vì sao du khách nên đến đây, và họ sẽ nhớ gì sau khi rời đi?”

Bản sắc ấy không nằm ở những công trình nhân tạo hoành tráng, mà chính là sự cộng hưởng giữa thiên nhiên, văn hóa, con người. Bắc Giang cần ưu tiên phát triển chuỗi sản phẩm gắn với thế mạnh địa phương như tuyến du lịch tâm linh Tây Yên Tử - chùa Vĩnh Nghiêm - Am Vãi, trải nghiệm thu hoạch vải thiều tại Lục Ngạn, khám phá nghề làm mỳ Chũ, làng mộc Đồng Kỵ, kết hợp biểu diễn Quan họ, Ca trù trong không gian nguyên bản…

Thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực. Dù sở hữu tài nguyên phong phú, nhưng phần lớn lao động làm du lịch ở Bắc Giang hiện nay vẫn là “tay ngang”, thiếu kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ và kiến thức văn hóa cần thiết.

“Con người là yếu tố trung tâm của mọi trải nghiệm du lịch. Một điểm đến dù có cảnh đẹp đến đâu, nhưng nếu dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, giao tiếp kém thiện cảm, thì du khách sẽ không quay lại”, PGS.TS Bùi Thanh Thủy nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng này, theo bà Thủy, Bắc Giang cần có chiến lược đào tạo nhân lực dài hạn, kết hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo. Trong đó, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh trong việc thiết kế các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo nguồn hướng dẫn viên, cán bộ quản lý du lịch cấp cơ sở cũng như tư vấn xây dựng chiến lược phát triển nhân lực du lịch gắn với địa phương.

Vấn đề thứ ba mang tính sống còn, theo PGS.TS Bùi Thanh Thủy là truyền thông và chuyển đổi số. “Nếu không ai biết đến bạn, thì bạn không thể làm du lịch”, bà Thuỷ nói.

Toàn cảnh Hội nghị Xúc tiến, Quảng bá, Giới thiệu điểm đến Du lịch Bắc Giang. Ảnh: Linh Nguyễn

Bắc Giang hiện vẫn chưa có chiến lược truyền thông du lịch bài bản. Nhiều điểm đến đẹp, giàu tiềm năng nhưng còn vắng bóng trên các nền tảng số, chưa xuất hiện trong các bản đồ du lịch trực tuyến hay ứng dụng lữ hành. Đặc biệt, địa phương còn thiếu đội ngũ làm truyền thông chuyên nghiệp, kể những câu chuyện hấp dẫn về vùng đất, con người, văn hóa.

PGS.TS Bùi Thanh Thủy khuyến nghị Bắc Giang cần tăng cường hợp tác với các đơn vị truyền thông, người sáng tạo nội dung số, các nền tảng OTA (Online Travel Agent), đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu du lịch thông minh, bản đồ số, app du lịch để tiếp cận du khách thế hệ mới.

Bà Thủy cho rằng, để phát triển du lịch bền vững, Bắc Giang cần một mô hình hợp tác chặt chẽ giữa “bốn nhà”: nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học và người dân.

Dưới góc độ cơ quan quản lý ngành du lịch Thủ đô, ông Nguyễn Trần Quang, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết Hà Nội luôn sẵn sàng kết nối, hợp tác với Bắc Giang để thúc đẩy liên kết vùng một cách hiệu quả, thực chất hơn trong thời gian tới. Để làm được điều đó, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất tăng cường liên kết với Bắc Giang thông qua việc xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Theo ông Quang, hai địa phương cần phối hợp tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo để kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao trải nghiệm cho du khách, đồng thời phát triển các tour tuyến chung nhằm thu hút nhiều hơn khách trong nước và quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát thị trường, cùng thiết kế những sản phẩm “may đo” phù hợp với thị hiếu du khách hiện đại. Bên cạnh đó, hai bên cần đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá chung, tăng cường truyền thông về điểm đến và sản phẩm du lịch nổi bật nhằm mở rộng thị trường khách trong và ngoài nước.

“Hà Nội sẵn sàng chia sẻ không gian xúc tiến tại các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế để cùng quảng bá hình ảnh và sản phẩm của Bắc Giang. Chúng tôi kỳ vọng có thể cùng nhau xây dựng một chuỗi sản phẩm du lịch vùng, đủ hấp dẫn để cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc tế.”, ông Quang nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đưa ra nhiều kiến nghị chiến lược nhằm giúp Bắc Giang phát huy tiềm năng, phát triển du lịch thực chất và bền vững.

Theo ông Thủy, Bắc Giang là địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa và tự nhiên phong phú, với nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, nông nghiệp, cộng đồng... Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, tỉnh cần chuyển mạnh từ tư duy quảng bá sang hành động cụ thể, bằng cách xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn và có chiều sâu.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam kết luận hội nghị.

“Nói về tiềm năng, Bắc Giang có rất nhiều. Nhưng nếu không chuyển hóa thành sản phẩm cụ thể, khách chỉ đến hành hương rồi đi, không lưu trú, không chi tiêu, thì chưa tạo ra giá trị kinh tế thực sự”, ông Thủy nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho rằng, để giữ chân du khách và kích thích chi tiêu, Bắc Giang cần có chiến lược quy hoạch hệ thống lưu trú hợp lý, đa dạng về loại hình, từ khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, nhà nghỉ dành cho nhóm bạn trẻ, gia đình nhỏ, đến homestay phục vụ du lịch cộng đồng. Quan trọng hơn, các cơ sở lưu trú này phải gắn liền với không gian văn hóa đặc trưng và yếu tố tâm linh, tạo cho du khách lý do để lưu lại, chiêm nghiệm và trải nghiệm.

Song song đó, ông Thủy nhấn mạnh 3 nhiệm vụ cấp thiết mà Bắc Giang cần thực hiện ngay nếu muốn bảo tồn và lan tỏa bản sắc địa phương.

Trước hết, cần phục dựng thương hiệu mì Chũ. Nếu không sớm khẳng định lại vị thế, sản phẩm này có nguy cơ bị lu mờ giữa làn sóng cạnh tranh từ các tỉnh lân cận.

Thứ hai, Bắc Giang sở hữu “vựa trái cây” đa dạng và phong phú, đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, kết hợp trải nghiệm thực tế cùng người dân, từ hái quả, chăm sóc cây đến thưởng thức đặc sản tại vườn…

Cuối cùng, tỉnh đã có nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 - 5 sao, đây chính là nền tảng để phát triển chuỗi quà lưu niệm mang bản sắc Bắc Giang. Việc kết hợp bán sản phẩm tại điểm đến, hoặc đưa vào các tour du lịch như một phần trải nghiệm sẽ vừa nâng cao giá trị thương hiệu địa phương, vừa góp phần kéo dài chuỗi giá trị du lịch.

Theo ông Phạm Văn Thủy, Bắc Giang cần xác định rõ phân khúc thị trường du lịch mà tỉnh hướng đến, “làm cho ai, làm cái gì, bắt đầu từ đâu”. Việc định vị thị trường cụ thể sẽ giúp tỉnh có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp, tránh dàn trải, manh mún.

Bên cạnh đó, ông đề xuất tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng một nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển công nghiệp văn hóa. “Không thể phát triển công nghiệp nếu không đi kèm dịch vụ, phải phát triển đồng thời cả hai”, ông Thủy nói.

Một khía cạnh khác được ông Thủy nhấn mạnh là vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Sau sáp nhập đơn vị hành chính, Bắc Giang sẽ có lợi thế lớn về quy mô và ngành nghề. Tỉnh cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc biệt dành cho doanh nghiệp, nhất là những đơn vị đang đầu tư vào bảo tồn, phát triển sản phẩm truyền thống, OCOP, các sản phẩm văn hóa.

Các chính sách cần cụ thể, thực chất và có tính dài hạn, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư, đổi mới và sáng tạo. Khi cộng đồng doanh nghiệp mạnh, du lịch Bắc Giang mới có nền tảng vững vàng để phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có bản sắc và mang lại giá trị bền vững.

“Phát triển du lịch không chỉ là câu chuyện của sản phẩm hay điểm đến, mà là sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cùng hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống, giữ gìn hồn cốt văn hóa Bắc Giang.”, ông Thủy kết luận.

Du lịch Bắc Giang “nóng” cùng mùa vải chin
Từ đầu tháng 6, du lịch Bắc Giang đang “nóng” dần cùng mùa vải chín ngọt thơm khắp huyện Lục Ngạn. Từ cơ quan quản lý nhà nước đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư