Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Bắc Ninh: Chuyển đổi số, tất yếu của phát triển
Thái Uyên - 12/06/2021 13:57
 
Chuyển đổi số là chuyển đổi hoạt động của chính quyền, nền kinh tế và của xã hội lên môi trường số thông qua việc ứng dụng Internet, tạo kết nối và tương tác thế giới thực với số.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) khai trương mạng 5G đầu tiên tại KCN Yên Phong (ngày 14-1).
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, tỉnh Bắc Ninh và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) khai trương mạng 5G đầu tiên tại KCN Yên Phong (ngày 14-1).

Bắc Ninh bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số bằng việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo đảm sự kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu,... giữa các cơ quan trong tỉnh với các cơ quan trung ương, giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh với nhau. 100% các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và một số cơ quan trung ương đóng tại địa phương được kết nối với hệ thống mạng WAN nội tỉnh tốc độ cao với 177 điểm kết nối.

Duy trì tốt hoạt động của hệ thống camera giám sát tại các điểm trọng yếu, giúp điều tra nhanh và xử lý các vụ việc nhất là về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ dùng chung thống nhất cho toàn tỉnh, triển khai theo mô hình tập trung tại trung tâm dữ liệu tỉnh nhằm tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, giảm thiểu tình trạng manh mún, phân mảnh ứng dụng và cát cứ dữ liệu.

Hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại https://dvc.bacninh.gov.vn đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định và dùng chung cho tất cả các sở, ban, ngành có TTHC, 8/8 UBND cấp huyện, 126/126 xã, phường, thị trấn kết nối, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Toàn tỉnh thống nhất sử dụng duy nhất 1 phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành giúp cán bộ, công chức, viên chức sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, nâng cao hiệu quả làm việc, tiết kiệm các chi phí văn phòng. Hoàn thành kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018…

Tuy nhiên, trong việc triển khai chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị chưa chủ động tham gia hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Về tổng thể, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin có mặt còn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, quản lý, sản xuất, kinh doanh chưa đồng đều; hệ thống cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, còn nhiều khó khăn trong đầu tư ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin... Nguyên nhân chính là do nhận thức của một số lãnh đạo các cấp, các ngành chưa cao, công tác chỉ đạo, điều hành chưa mạnh mẽ, thiếu quyết liệt. Tỉnh chưa có cơ chế, chính sách đặc thù, hiệu quả để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin.

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, một trong những mục tiêu cơ bản đến năm 2025 về phát triển Chính phủ số. Bắc Ninh với quan điểm phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa, sớm tiếp cận và chủ động nắm bắt, triển khai trong thực tiễn những nội dung, sản phẩm, thành quả có ý nghĩa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, tập trung phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 80% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng… Đồng thời phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế với mục tiêu chiếm 20% GRDP của tỉnh.
Chuyển đổi số là cơ hội, con đường ngắn nhất để bứt phá, vươn lên, là giải pháp chiến lược mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh. Để biến mục tiêu ấy thành hiện thực, phải có giải pháp cụ thể, trước mắt cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi số của tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi phù hợp với môi trường số.

Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin, trung tâm dữ liệu, mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu,… phục vụ hoạt động các cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt. 

Thay đổi tư duy trong triển khai chuyển đổi số, lấy con người làm trung tâm trong chuyển đổi số, chấp nhận thay đổi sâu sắc, toàn diện, mang tính tất yếu để hiệu quả hơn. Các ngành, địa phương phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể, xác định rõ những nội dung công việc, lộ trình thực hiện chuyển đổi số. Muốn vậy cần phải có chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, thể hiện ý chí chính trị, khát vọng của Đảng bộ và hệ thống chính trị của tỉnh, bắt đầu bằng tư duy số, hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển đô thị thông minh, kinh tế số, xã hội số.

504 doanh nghiệp của Bắc Ninh hoạt động trở lại với nhiều cách làm sáng tạo
Từ ngày 2/6, 504 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh đã sản xuất trở lại với nhiều cách làm sáng tạo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư