Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bác sĩ duy nhất trên thế giới tự tiêm vi khuẩn hủi vào người
Nguyễn Văn Học - 18/03/2014 07:20
 
Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn là người đầu tiên và duy nhất trên thế giới đã tự tiêm vi khuẩn bệnh phong vào người mình để chứng minh cho mọi người biết rằng, nếu hiểu bệnh, bệnh sẽ không lây và có thể chữa khỏi. Nửa thế kỷ sống gần gũi và cứu chữa người bệnh phong, từng là Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa (Bình Định); Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập (Nghệ An), cả cuộc đời sống cùng người hủi, thế nhưng người bác sĩ ấy đã không nhận bất cứ một tặng thưởng, hay một bằng khen nào.    
TIN LIÊN QUAN

Bác sĩ duy nhất trên thế giới tự tiêm vi khuẩn hủi vào người

Vợ bác sĩ Trần Hữu Ngoạn đã hy sinh cả tuổi thanh xuân chăm con để chồng đi công tác

Muốn chữa bệnh cho những người khổ nhất

Đến các bệnh viên đang điều trị cho người bệnh phong, nói đến bác sĩ Trần Hữu Ngoạn thì nhiều người biết bởi tầm ảnh hưởng của rất lớn của ông đối với họ. Y đức và sự tận tâm cống hiến cho công việc của ông làm cho nhiều người nể phục. Ông là người gốc làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cha mẹ không có cơ may học hành, không thể hướng nghiệp gì con. Từ nhỏ, Trần Hữu Ngoạn đã chịu khổ và nhận thấy ở đời còn quá nhiều người cơ cực. Những số phận, những bệnh nhân nghèo ở một vùng ngoại thành Thủ đô đã ám ảnh suốt tuổi thơ Ngoạn. Học hết phổ thông, Hữu Ngoạn nộp đơn xin vào Đại Học Y Hà Nội với hy vọng sẽ làm bác sĩ cứu chữa cho người nghèo, mặc cho người nhà khuyên can vì ngành y rất vất vả.

Năm 1961, ông lập gia đình với cô giáo Phạm Thị Yến, người gốc Hà Nội. Cưới nhau chưa đầy hai tháng thì ông Ngoạn khoác ba lô vào trại phong Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An) trước sự ngỡ ngàng và can ngăn của nhiều người thân và bạn bè. Bà Yến kể: “Khi ông ấy còn đang học và chưa cưới tôi, ông ấy đã nói là mình sẽ đi theo và chữa trị cho những người bệnh nghèo khổ nhất. Lúc đó, người bệnh phong có lẽ là khổ nhất rồi nên ông đã vào trại phong Quỳnh Lập. Ai nói thì ông ấy bảo: tôi có đi tìm vinh quang cho mình đâu. Tôi là vợ, cũng ủng hộ cho những việc làm, quyết định của chồng thôi”

Quỳnh Lập là một trại phong lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, với hơn 2.600 bệnh nhân. Cách đây hơn 40 năm, người mắc bệnh phong rất nhiều và bị xã hội khinh miệt. Coi là kẻ cùi, hủi, không ai muốn tiếp xúc với họ, kể cả người thân. Thậm chí đến khi chết nhiều người còn không được chôn ở nghĩa địa của làng, thế nên những người bị bệnh phong thường phải bỏ làng đi biệt xứ. Nhiều người biết mình bị bệnh, đã tự tử ngay khi ra khỏi phòng khám. Bác sĩ Ngoạn đọc được nỗi khổ đau của những người bệnh bị xã hội xa lánh, gia đình ruồng rẫy ấy nên ông đã hy sinh hạnh phúc bản thân, bỏ lại người vợ trẻ để đi chăm sóc, tìm cách cứu chữa cho bệnh nhân phong.

Sống cùng người hủi

Làm việc ở trại Quỳnh Lập từ năm 1962 đến 1968, Trần Hữu Ngoạn vẫn chỉ là một bác sĩ bình thường, chưa đảm nhiệm chức vụ gì lớn lao. Nhưng điều làm bác sĩ trẻ day dứt nhất vẫn là nỗi sợ hãi, đề phòng vô lý của chính những nhân viên có trách nhiệm chăm sóc người bệnh. Khu làm việc ở cách bệnh nhân hơn 2,5km. Đi thăm bệnh phải mặc quần áo hấp. Thư từ của bệnh nhân gửi ra ngoài phải đóng dấu “đã hấp chín”. Trong khi sách vở ngành y thì từ lâu đã khẳng định: bệnh phong rất khó lây và tỉ lệ lây do tiếp xúc vợ chồng suốt đời cũng chỉ là 2%. Các thứ thuốc đặc trị cho bệnh phong cũng đã chứng tỏ hiệu nghiệm từ lâu. Bức xúc trước thái độ ấy, bác sĩ Ngoạn lấy lý do vì yếu mệt không đi xa được, ông đã chuyển phòng ở vào khu bệnh nhân. Ở đó, bác sĩ Ngoạn không mặc quần áo cách ly, không đi găng tay và thản nhiên làm việc.

Từ năm 1968 đến năm tháng 4-1974, bác sĩ Ngoạn về Hà Nội, công tác tại Khoa Phong - Da liễu (Bệnh viện Bạch Mai). Thời gian này, ông có điều kiện nghiên cứu sách vở, tìm hiểu thêm về bệnh phong. Sau đó, ông lại được cử vào trại phong Quỳnh Lập (sau này đổi tên thành Bệnh viên Phong - Da liễu Quỳnh Lập) làm Giám đốc. Trở lại chốn cũ, tất cả chỉ còn là những đống đổ nát tan hoang vì bom đạn Mỹ tàn phá. Hơn 200 bệnh nhân chết, chỉ còn lại ít người trong túp lều tranh lụp xụp. Không nhà cửa, nhiều người sợ hãi chạy vào các hang núi sống như người rừng. Tất cả phải làm lại từ đầu. Vừa xây nhà, ông vừa phải đi đến từng hang núi tìm và đưa bệnh nhân về điều trị.

Khi đó, ông quyết định làm một cuộc cách mạng trong trại, cũng là cuộc đột phá trong toàn ngành: rời khu làm việc vào sát khu bệnh, sử dụng tất cả những bệnh nhân đã điều trị tốt ở lại làm việc. Tại trại Quỳnh Lập, điều này vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.

Tiêm vi khuẩn vào người

Tháng 10 năm 1984 bác sĩ Ngoạn có dịp ghé thăm Bệnh Viện Da Liễu Nha Trang. Trong đó có vài giường chứa bệnh phong. Nhân viên y tế có thái độ phân biệt rõ rệt với bệnh nhân, ông giải thích nhưng nhân viên không tin, ông bèn nói: “Các cô cậu có muốn tôi tiêm trực tiếp trực khuẩn Hansen vào mình tớ không?” Họ nói: “Được vậy thì thuyết phục chúng em ngàn lần hơn các tài liệu y khoa”.

Cuộc thí nghiệm được bắt đầu với sự chứng kiến của Giám đốc Viện Pasteur Nha Trang, tiến sĩ vi trùng học Nguyễn Thị Thế Trâm và nhiều bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện. Bác sĩ Ngoạn đã lấy 200 milligram u phong ở dái tai của người bệnh, và từ những vết lở loét trên cơ thể bệnh nhân, được sự kiểm tra của các nhà khoa học chuyên môn có mặt. Bệnh phẩm sau khi được nghiền nát, hòa với nước muối sinh lý, lọc lấy phần có đủ trực khuẩn có thể gây bệnh.

Bác sĩ Ngoạn đã đưa vào cơ thể mình hàng tỷ trực khuẩn bằng nhiều đường: nhỏ vào mũi, uống và tiêm vào hai khuỷu tay và hai dái tai là những nơi trực khuẩn này dễ phát triển. Ông dũng cảm làm điều đó chỉ vì tin vào mình, tin vào kiến thức của nhân loại và đồng thời cũng chứng minh là bệnh phong không lây nhiễm và qua đó đánh tan mặc cảm cho bệnh nhân và để xã hội lại gần hơn với họ. Với sự kiện này, bác sĩ Ngoạn đã chiếm lòng mọi người, đặc biệt các bệnh nhân. Ông cũng thể hiện mình là người lần đầu tiên dũng cảm đưa vi khuẩn bệnh phong vào người mình.

Giữa đời nghe sóng hát đau

Năm 1984, bác sĩ Ngoạn được điều vào Quy Nhơn, làm Giám đốc trại phong Quy Hòa (sau này là Bệnh viên Phong - Da liễu Quy Hòa). Tại đây, ông cũng rất đau lòng khi chứng kiến nhiều bệnh nhân đau đớn, từng phần da thịt cứ bị rụng dần khỏi cơ thể. Nhiều người trong số đó bị gia đình xa lánh, đồng loại ghẻ lạnh. Giữa một vùng biển đẹp, gió bao la hào phóng, thiên nhiên ưu đãi ban cho khí hậu mát mẻ. Thế nhưng, ở nơi cảnh đẹp nên thơ ấy, lại có những tiếng rên, tiếng khóc than và cả những thân phận không may mắn mắc bệnh đã từng chán chường, không thiết sống. Ngoài việc cứu chữa, ông còn luôn ở gần động viên, an ủi, tạo mọi điều kiện để người bệnh sống tốt, an tâm điều trị.

Vốn là người lãng mạn, rất yêu nghệ thuật, lại có tư tưởng thoáng, nên bác sĩ Ngoạn đã nảy ra ý tưởng xây dựng khu vườn tượng với khoảng 40 bức tượng ghi lại chân dung các danh nhân y học trên thế giới. Ở nhiều công trình của trại phong bên bờ biển, ông Ngoạn cũng cho thiết kế rất nhiều hình đàn violon. Đặc biệt, ông cũng xây dựng một sân khấu để thúc đẩy đời sống văn nghệ cho cán bộ trại và người bệnh. Đối diện với sân khấu còn có một cây violon được thiết kế bằng... xi măng ở tư thế nằm ngửa, đủ để cho hơn chục người khiêu vũ trên mặt đàn. Ông bảo: “Tôi không phải là kiến trúc sư, nhưng tôi là một người yêu nghệ thuật. Ngày trẻ tôi có chơi violong và guitar, sau này bận nhiều việc quá nên tôi phải tạm gác niềm đam mê của đó của mình. Với tôi, y học không những là khoa học, mà còn là cả một nghệ thuật”.

Nhiều lần, khi đối diện với sóng biển, bác sĩ Ngoạn lại nhớ những năm tháng gắn bó với trại phong Quỳnh Lập. Ở đó cũng có gió, có sóng biển rì rào, có cảnh đẹp nên thơ. Nhưng ở đó lại tập trung những phận người bất hạnh, kém may mắn. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết một vở kịch “Loài hoa bất tử”, lấy nguyên mẫu nhân vật là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn. Vở kịch ca ngợi tinh thần dũng cảm, kiên cường của một bác sĩ, đã tuyên chiến với vi khuẩn Hansen và cách mà ông đã sống với bệnh nhân phong như thế nào. Ông đã sống, đã cống hiến như một bông hoa tỏa hương thơm ngát, và ngoài biển khơi là những con sóng quặn đau. Sau này, càng nghĩ, ông càng thương người bệnh và muốn làm được nhiều việc có ích cho họ hơn. Đó cũng là lý do để sau này, khi nghỉ hưu (năm 1999), bác sĩ Ngoạn đã cùng vợ tiếp tục hành trình làm từ thiện, giúp đỡ những người bệnh phong.

Một đời thanh bạch

Bác sĩ Ngoạn được người đời “phong” cho rất nhiều biệt hiệu. Nào là “Bác sĩ điên khùng”, “Bác sĩ thích dây với hủi”, “Người của người bất hạnh”, “Người của lòng nhân ái”, “Người “xúc cảm với bệnh nhân phong”... Hơn 30 năm sống với bệnh nhân phong, hầu như xa gia đình, bác sĩ Ngoạn cứ lặng lẽ, lặng lẽ và tỏa hương cho đời. Nhiều bạn bè khoa học có tầm cỡ cũng khuyên ông nên xin về với vợ con để họ bớt bị thiệt thòi, nhưng ông không nỡ bỏ bệnh nhân.

Thế nhưng, ông là người thanh bạch, không màng danh lợi, không nghĩ đến một điều gì có lợi cho mình. Mọi bằng khen, giấy khen, bổng lộc ông đều không nhận. Ông bảo vợ: “Anh cống hiến cho y học, cho bệnh nhân, chẳng phải vì những bổng lộc mà làm”. Tháng 8 năm 1995, Liên Hiệp Bệnh Viện Phong Quốc Tế (International Leprosy Union) của Ấn Độ bầu chọn bác sĩ Ngoạn để trao giải thưởng quốc Tế Ghandi. Nhưng ông cũng một mực chối từ.

Bác sĩ Ngoạn là người tin vào y đức, vào lòng bao dung độ lượng của con người. Ông luôn sống mẫu mực, làm việc hết mình. Ông là một người cô độc, bởi ông đã đi một mình trên con đường hẹp. Bao nhiêu năm, ông chữa cho không biết bao nhiêu người hủi. Nhưng chỉ có duy nhất một người sau khi khỏi bệnh là quay lại và dám nhận mình là bệnh nhân phong. Đó là ông Nguyễn Đức Thìn, Anh hùng lao động ở Đền Đô, Bắc Ninh. Không ít người sau khi được ông chữa khỏi, dù rất biết ơn cũng không dám đến thăm. Lại có người sau khi được ông điều trị, ra ngoài tuyên truyền là mình không bị phong, chỉ vì ông bác sĩ Ngoạn phán xằng bậy và chữa linh tinh để anh ta mang tiếng oan. Ông cũng kể thêm, có một vị đại tá không may bị bệnh ở phố Lò Đúc, Hà Nội. Ông ta vào trại phong sống lầm lũi, tự kỳ thị rất khổ sở. Hiếm lắm mới dám về thăm nhà, nhưng đều phải chọn những chuyến tàu đêm. Sau khi xuống ga thì bịt kín mặt, bảo con cháu mở cửa rồi vào nhà như tên trộm. Nhìn các con một chút, ông lại bịt mặt, ra tàu rời Hà Nội khi trời còn chưa sáng.

“Phía sau tôi có một người vợ hiền”

Dấn thân một đời và làm việc hết mình, đó là điều mà mỗi người hiểu về bác sĩ Ngoạn đều cảm nhận được. Và điều gì sẽ xảy ra, khi ông đã không xung phong vào trại Quỳn Lập, đã không tận tâm cứu chữa các bệnh nhân và xóa nhòa khoảng cách giữa bệnh nhân và bác sĩ? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông không tiêm trực khuẩn Hansen vào người để chứng minh cho những người bệnh, làm giảm đi sự kỳ thị của xã hội với họ? Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?

Từ năm 2005, bác sĩ Ngoạn ốm nặng và yếu hẳn, đi lại rất khó khăn. Vợ ông, bà Phạm Thị Yến bao năm xa chồng vất vả, nay vẫn là người cần mẫn, tận tụy chăm sóc cho chồng. Phải khẳng định, ông Ngoạn có thể làm tốt nhiệm vụ, cống hiến cho ngành y suốt hơn 30 năm như vậy là nhờ công lao của bà Yến. Chính bà là người đã ủng hộ ông, yêu ông và xóa nhòa đi sự ghẻ lạnh, lo sợ của gia đình trước khi gả con gái họ cho một bác sĩ da liễu.

Những người bạn thân của gia đình bác sĩ Ngoạn như dịch giả Trịnh Lữ, đạo diễn Trần Văn Thủy... đều khẳng định, công lao bác sĩ Ngoạn có được là do bà Yến. Bà đã hy sinh hạnh phúc, tuổi thanh xuân để chăm con, cho chồng yên tâm công tác. Ba người con, hai trai một gái do một tay bà nuôi nấng, chăm sóc đều hết mực chăm ngoan, học giỏi và thành đạt. Một người hiện là Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y tế Công cộng. Sáu người con cả trai, gái, dâu, rể thì có tới năm người là bác sĩ.

Bà Yến là giáo viên dạy cấp 1, nay đã nghỉ hưu. Việc dạy học của bà là do ông Ngoạn định hướng. Bà kể: “Khi xưa ông nhà tôi định hướng tôi tiếp xúc với người nghèo. Và phải dạy cấp I để tiếp xúc với nhiều học sinh nghèo hơn. Có gia đình tôi dạy cả mẹ lẫn con, sau này vẫn đến thăm tôi. Ông ấy còn bảo tôi, tiếp xúc với những người nghèo, sẽ học hỏi được nhiều điều để sống tốt hơn”.

Trong khuôn khổ một bài viết, không thể nói hết công lao của bác sĩ Ngoạn. Bản thân ông cũng chẳng cậy nhờ nó để tôn vinh mình. Giờ ông thản thản sống bên vợ và các con. Dù bệnh tật có làm ông mỏi mệt, và những năm tháng làm việc không ngơi nghỉ vẫn chưa thỏa mãn hết những tâm nguyện ông, nhưng ông nghĩ rằng mình đã làm đúng. Ông vẫn muốn, nếu làm được gì cho người bệnh phong, ông sẽ vẫn làm.

Tôi nhìn lên những tầng tủ kính, nơi đó không có nhiều bằng khen giấy khen, nơi đó cất giữ những bức ảnh, thư từ, đồ vật các bệnh nhân phong tặng mà ông bác sĩ già vẫn trân trọng gìn giữ, coi như kỷ vật, tôi càng kính trọng ông hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư