Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bách hóa Xanh thu hẹp quy mô khi vừa chạm điểm hòa vốn
Duy Bắc - 21/07/2022 10:26
 
Sau một năm bùng nổ do hưởng lợi từ Covid-19, chuỗi Bách hóa Xanh của Thế giới Di động (mã MWG) đang thu hẹp và tăng trưởng chậm lại.

Tăng trưởng chậm lại

Năm 2021, khi việc phong tỏa kéo dài, các chuỗi cung cấp hàng hóa thiết yếu, trong đó có Bách hóa Xanh là nhóm ngành hưởng lợi và có kết quả kinh doanh tích cực. Chuỗi Bách hóa Xanh đã công bố doanh thu tăng 33%, lên 28.216 tỷ đồng, chiếm 23% tổng doanh thu của Thế giới Di động, đây là mức kỷ lục từ khi thành lập. Doanh thu trung bình lên tới 1,2 tỷ đồng/cửa hàng và đặc biệt, lần đầu tiên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) toàn công ty chuyển sang dương, chuỗi bắt đầu mang lại lãi cho Thế giới Di động.

Tuy nhiên, gió đã đổi chiều. Trong đó, 5 tháng đầu năm 2022, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận doanh thu 10.500 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ và chỉ còn đóng góp 17,7% tổng doanh thu của Thế giới Di động, thấp hơn cả mức 20% của năm 2020.

Không chỉ giảm doanh thu, số lượng cửa hàng cũng đang giảm một cách nhanh chóng. Theo số liệu trên website bachhoaxanh.com, tính tới ngày 15/7, đơn vị này đang có 1.824 cửa hàng, giảm 282 cửa hàng so với đầu năm và giảm 280 cửa hàng so với số liệu cuối tháng 5/2022.

Xác nhận với truyền thông, đại diện chuỗi Bách hóa Xanh thừa nhận, bắt đầu từ tháng 4/2022, chuỗi Bách hóa Xanh đã trong quá trình tái định vị và củng cố nền tảng vận hành với dự kiến quá trình sẽ hoàn thành vào cuối quý IV. Trong tháng 4 và tháng 5/2022, chuỗi Bách hóa Xanh chuẩn hóa diện tích, chỉ tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, xây dựng chính sách bán hàng mới, thay đổi trang trí và nhận diện.

Sau đó, Bách hóa Xanh sẽ chuẩn hóa số cửa hàng hiện hữu, rà soát và xử lý các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Trong quý IV/2022 sẽ hoàn tất tự động hóa nền tảng back-end (dự báo mua hàng, tối ưu hóa danh mục sản phẩm kinh doanh cho từng cửa hàng, nâng cấp chất lượng dịch vụ...) với mục tiêu đạt doanh thu 1,3 tỷ đồng/cửa hàng, đồng thời phát triển mạnh kênh online để cải thiện hiệu quả hoạt động. Vì vậy, hành động đóng hàng loạt cửa hàng Bách hóa Xanh trong thời gian qua là một phần trong quá trình tái cơ cấu.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động cũng thừa nhận: “Trong 2 năm Covid-19 vừa qua, với phương châm có hàng là được đã khiến Bách hóa Xanh bất chấp trải nghiệm khách hàng, các siêu thị vận hành rối rắm, vô tổ chức, vô kỷ luật. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang phải tiếp tục giải quyết hậu quả của những tháng năm đó''.

Có thể thấy, trong giai đoạn đại dịch, việc chuỗi Bách hóa Xanh hưởng lợi là do nhu cầu tăng đột biến, đơn vị này đã chạy theo tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế quay trở lại trạng thái “bình thường mới”, người dân có nhiều lựa chọn hơn, khiến chuỗi Bách hóa Xanh suy giảm doanh thu và phải đóng hàng loạt cửa hàng, tiến hành xây dựng lại chiến lược bán hàng, thay đổi trang trí và nhận diện.

Kế hoạch bán vốn gặp thách thức

Không chỉ riêng hoạt động chuỗi Bách hóa Xanh có dấu hiệu lao dốc, mà hoạt động của cả Thế giới Di động cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu tăng 14%, lên 59.324 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 1%, lên 2.202 tỷ đồng. Trước đó, trong báo cáo 3 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 26%, lên 36.467 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 8%, lên 1.445 tỷ đồng. Như vậy, Thế giới Di động đã chững lại trong 5 tháng đầu năm sau khi bùng nổ năm 2021.

Với việc kết quả kinh doanh tăng chậm, khối ngoại tỏ ra không quá quan tâm đến cổ phiếu MWG như những năm trước đây liên tục mua kín room ngoại.

Theo thống kê của SSI Research, ngày 7/1/2022, nhà đầu tư ngoại sở hữu 349,4 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng 49% vốn điều lệ (cổ phiếu kín room ngoại). Tuy nhiên, tới ngày 14/7/2022, khối ngoại sở hữu 713,7 triệu cổ phiếu MWG, tương ứng 48,74% vốn điều lệ, còn lại 3,76 triệu cổ phiếu mà nhà đầu tư ngoại không mua (cổ phiếu hở room ngoại). Được biết, số lượng cổ phiếu nhà đầu tư ngoại sở hữu tăng lên do trong kỳ Thế giới Di động đã chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 nên số lượng cổ phiếu tăng lên.

Có thể thấy, thời điểm hiện tại, nhà đầu tư ngoại không còn “ưu ái” cổ phiếu MWG như những năm trước, mỗi khi cổ phiếu hở room ngoại do phát hành ESOP là ngay lập tức được khối ngoại mua vào và hiếm khi bán ra để hở room như hiện tại.

Thế giới Di động tiếp tục đầu tư thêm chuỗi An Khang và AVAKids để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Được biết, trong báo cáo 5 tháng đầu năm 2022, Thế giới Di động đang sở hữu 38 cửa hàng AVAKids và 301 nhà thuốc An Khang, Công ty tiếp tục thực hiện mở rộng chuỗi và chưa nói tới điểm có lãi của hai chuỗi này.

Quay trở lại chuỗi Bách hóa Xanh, Công ty dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư với tỷ lệ tối đa 20% tại chuỗi Bách hóa Xanh, thời điểm thực hiện trong giai đoạn 2022-2023. Được biết, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, bàn về vấn đề thời điểm IPO chuỗi Bách hóa Xanh, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định, chỉ khi quy mô doanh thu, thị phần và lợi nhuận ổn định mới tiến hành IPO chuỗi.

Việc chuỗi Bách hóa Xanh có lãi trong năm 2021 do nhu cầu đột biến và ngay lập tức phải xây dựng lại chiến lược phát triển, cho thấy chuỗi này vẫn chưa tìm được mô hình tối ưu và còn tiếp tục phải thay đổi, đây sẽ là khó khăn khi bán 20% vốn trong thời gian tới.

Thế giới Di động sắp xếp lại sở hữu, chuẩn bị bán 20% vốn tại chuỗi Bách Hóa Xanh
CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG - sàn HoSE) thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ tại công ty con.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư