Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 16 tháng 06 năm 2024,
“Bạch tuộc tung vòi”, 42.000 người bị “bốc hơi” 30.000 tỷ đồng - Bài 2: Mở phanh bí ẩn lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng của Quang Thuận
Ngô Nguyên - 23/05/2024 08:22
 
Cũng như An Đông, “vòi bạch tuộc” Vạn Thịnh Phát chui sâu vào Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận. Khi phát hành xong lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng vào năm 2018, bóng dáng vòi này biến mất ở các đợt phát hành tiếp theo.
Ngay sau tuyên “đại án” Vạn Thịnh Phát - SCB, Bộ Công an phát thông báo lần 2 tìm người bị hại của 25 lô trái phiếu để tiếp tục mở giai đoạn II - Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan. Được biết, “vòi bạch tuộc” Trương Mỹ Lan hại khoảng 42.000 người với tổng tiền hơn 30.000 tỷ đồng, gây khủng hoảng niềm tin, biến động cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bài 2: Mở phanh bí ẩn lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng của Quang Thuận

Cũng như An Đông, “vòi bạch tuộc” Vạn Thịnh Phát chui sâu vào Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận. Khi phát hành xong lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng vào năm 2018, bóng dáng vòi này biến mất ở các đợt phát hành tiếp theo.

Khi “hang ổ” Trương Mỹ Lan “chui” vào Công ty Quang Thuận

Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận (trụ sở tại quận 3, TP.HCM) có tới 90 lô trái phiếu đã phát hành với tổng trị giá gần 11.000 tỷ đồng. Nhưng trong số này, Quang Thuận chỉ có một lô trái phiếu (mã QT-2018.12.1) nằm trong danh sách mà Bộ Công an đang tìm bị hại.

Kiểm toán cho Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận phát hành lô trái phiếu trên là Công ty TNHH Kiểm toán Quy Chuẩn - cũng là công ty kiểm toán cho An Đông. Tổ chức tư vấn, kiêm đại lý phát hành, lưu ký và thanh toán trái phiếu này là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) - cũng là doanh nghiệp làm các nhiệm vụ tương tự cho An Đông.

Theo công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2013, ngày 22/3/2024, gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận thông tin, lô trái phiếu mã QT-2018.12.1 được phát hành vào 27/12/2018, đáo hạn ngày 27/12/2023, có trị giá 1.500 tỷ đồng. Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện các chương trình đầu tư của Công ty.

Hàng trăm trái chủ đến làm việc với SCB vì mua trái phiếu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát từ ngân hàng này
Hàng trăm trái chủ đến làm việc với SCB vì mua trái phiếu hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát từ ngân hàng này.

Phát hiện của chúng tôi, sở dĩ trong 90 lô trái phiếu mà chỉ một lô liên quan Vạn Thịnh Phát, bởi ở thời điểm năm 2018, “vòi buộc tuộc” Trương Mỹ Lan đã “chui” vào Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận.

Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận thành lập ngày 26/3/2001, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Bà Lâm Ngọc Đan Thi là người đại diện theo pháp luật khi mới thành lập.

Gần đây nhất, ngày 19/3/2024, Ủy ban Chứng khoán nhà nước quyết định xử phạt Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận 92,5 triệu đồng do không gửi cho HNX các nội dung thông tin: Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện bán niên 2023; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên 2023; Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022.

Gửi nội dung công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn cho HNX gồm Báo cáo tài chính bán niên 2021; Báo cáo tài chính bán niên 2023; Báo cáo tài chính năm 2021; Báo cáo tài chính năm 2022; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu bán niên 2021; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu bán niên 2023; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022.

Tháng 3/2014, vốn điều lệ của Công ty là 1.100 tỷ đồng, do 6 cổ đông cá nhân góp vốn.

Tới tháng 5/2017, bất ngờ doanh nghiệp tăng vốn lên 1.610 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố, nhưng chức vụ Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật đổi sang ông Nguyên Vũ Anh Thi - “người quen tên” trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Ở phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, Nguyễn Vũ Anh Thi (đại diện pháp luật Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ và Đầu tư Việt Nam) được xác định là đứng tên giùm Trương Mỹ Lan tại khu đất số 44 - Trần Đình Xu, quận 1, TP.HCM để thực hiện các giao dịch.

Tới năm 2018, khi phát hành trái phiếu mã QT-2018.12.1, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận mới “để lộ” danh tính cổ đông trong Bản công bố thông tin. Theo đó, cổ đông tổ chức nắm giữ từ 5% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận tại thời điểm 30/9/2018 là Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (chiếm 34,78% cổ phần, với tổng giá trị 560 tỷ đồng). Doanh nghiệp này chính là công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, chủ đầu tư Dự án Mũi Đèn Đỏ.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là Trương Vincent Kinh và 2 thành viên HĐQT là Kwok Hakman Oliver và Nguyễn Phương Anh - đều là “thân tín” của Trương Mỹ Lan. Kwok Hakman Oliver còn là Tổng giám đốc Công ty An Đông.

Tổ chức có vốn cổ phần lớn thứ 2 trong Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận là Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thuận Nam (chiếm 30,72% cổ phần, với tổng giá trị hơn 494 tỷ đồng), đại diện pháp luật là ông Bùi Đức Khoa.

Ông Khoa lại chính là Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Natural Land - một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Theo Bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM công bố sau xét xử giai đoạn I - đại án Vạn Thịnh Phát, thì Bùi Đức Khoa là cánh tay “đắc lực” cho Trương Mỹ Lan khi tìm kiếm 96 cá nhân và chuyển thông tin cho nhóm Nguyễn Phương Anh để thành lập, sử dụng 77 công ty không có hoạt động kinh doanh trên thực tế và 19 cá nhân đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, đưa vào hợp thức 166 hồ sơ vay vốn trái quy định, tạo điều kiện để bà Lan rút tiền tại SCB, gây thiệt hại hơn 154.880 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm phát hành trái phiếu mã QT-2018.12.1, theo báo cáo tài chính, Công ty Quang Thuận còn có khoản tiền liên quan Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát (phải thu ngắn hạn 55 triệu đồng) và Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsol (phải thu ngắn hạn hơn 89 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsol chính là doanh nghiệp trong nhóm công ty tạo doanh thu cho Vạn Thịnh Phát, do Trương Huệ Vân (cháu Trương Mỹ Lan) kiêm cả 3 vị trí là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và đại diện pháp luật lúc bấy giờ.

Sau năm 2018, ở các lô trái phiếu khác do Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận phát hành, các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát nắm cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận đã… mất dạng. Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận cũng được thay bằng ông Huỳnh Ngọc Phát.

Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận nằm trong danh sách 762 công ty liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát bị Bộ Công an phong tỏa tài sản.

Vòng vèo đường đi lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng

Kêu cứu tới chúng tôi, ông L. Đ. Nam (mua hơn 410 triệu đồng), bà N. N. Hồng (mua hơn 900 triệu đồng), cũng như hàng chục trái chủ khác đều cho biết, họ ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) - tổ chức tư vấn kiêm đại lý phát hành, lưu ký và thanh toán), mua trái phiếu Quang Thuận mã QT-2018.12.1, nhưng nơi giao dịch mua bán trực tiếp lại là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Theo hồ sơ của chúng tôi, đường đi của mã trái phiếu trên đi vòng, chứ không trực diện như trường hợp An Đông.

Cụ thể, tại biên bản làm việc ngày 28/11/2022 với trái chủ, bà Đỗ Ngọc Hoàng Yến (Trưởng phòng Dịch vụ chứng khoán Chi nhánh TP.HCM của TVSI) đã thông tin, trái phiếu các đợt năm 2018 và 2020 được Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận phát hành cho nhà đầu tư sơ cấp (không nêu tên). Tổng số tiền các đợt này là 7.500 tỷ đồng đã được nhà đầu tư sơ cấp “bí ẩn” chuyển cho Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận.

Sau đó, TVSI mới chi tiền mua trái phiếu trên từ nhà đầu tư sơ cấp/thứ cấp và bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp tiếp theo, tức trái chủ đang là “khổ chủ” hiện nay. Tiền thu về phục vụ hoạt động kinh doanh của TVSI.

Lô trái phiếu mã QT-2018.12.1 được Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận phát hành với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. TVSI bán lại cho các trái chủ ở thời điểm tháng 7/2022 là hơn 107.000 đồng/trái phiếu.

 Trái chủ “lên bờ xuống ruộng”

Tương tự An Đông, lô trái phiếu mã QT-2018.12.1 của Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận cũng… la liệt “không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo.

Theo công bố thông tin định kỳ về thực hiện các cam kết với người sở hữu trái phiếu, với HNX, lô trái phiếu mã QT-2018.12.1 dù đáo hạn ngày 27/12/2023, nhưng tới giờ, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận vẫn chưa thu xếp được tiền để mua lại, để trả lãi gốc và lãi phạt.

Trong khi đó, theo công bố tình hình kinh doanh nửa đầu năm nay, công ty này ghi nhận khoản lỗ hơn 1.300 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023, sau điều chỉnh kết quả kinh doanh năm 2022.

Tính tới cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận ghi nhận 1.713 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm trước đó. Quy mô nợ phải trả gấp gần 5 lần vốn sở hữu, ở mức 8.565 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm gần 88%, với 7.500 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, hàng ngàn trái chủ, không chỉ với mã QT-2018.12.1, mà với cả hàng chục mã khác do doanh nghiệp này phát hành, điêu đứng chưa biết đến bao giờ.

(Còn tiếp)

Bình luận bài viết này
  • Phạm Huyền Diễm Lệ 21:14 | 24-05-2024
    Trái phiếu mà các nạn nhân bị lừa ở ngân hàng SCB là An Đông, Quang Thuận , Setra….tất cả là trái phiếu bốn không. Nhờ sự đồng hành của nhà báo Ngô Sơn của báo Đầu Tư mà những người dân lương thiện như chúng tôi mới biết được sự lừa đảo của SCB và TVSi. Chúng tôi chân thành cảm ơn và mong nhà báo Ngô Sơn tiếp tục đồng hành với hàng vạn nạn nhân đang sống không bằng chết vì bọn lừa đảo SCB.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư