Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
BAF lấn sân vận tải; EVN có tổng giám đốc mới; Gạo Việt nhất thế giới
Khánh An tổng hợp - 02/12/2023 09:13
 
Vietnam Airlines bắt tay Turkish Airlines; T&T và CIENCO4 làm dự án thành phần cảng hàng không Quảng Trị; EVN có tổng giám đốc mới; Nông nghiệp BAF lấn sân mảng vận tải; 3 doanh nghiệp chung cúp Gạo ngon nhất thế giới...

Vietnam Airlines "bắt tay" Hãng hàng không Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ

Vietnam Airlines và Turkish Airlines vừa ký kết đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa hàng không.

 Vietnam Airlines và Turkish Airlines ký kết hợp tác với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cevdet Yilmaz

Theo đó, Vietnam Airlines và Turkish Airlines dự kiến đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và nghiên cứu khả năng thành lập hãng liên doanh vận chuyển hàng hóa, đảm bảo việc lưu chuyển hàng được nhanh chóng và thuận lợi nhờ vào mạng lưới rộng khắp, điểm đến và lịch bay đa dạng. Việc kết hợp nguồn lực của hai hãng hàng không quốc gia sẽ giúp hai hãng tối ưu hóa đội bay và đặc biệt gia tăng năng lực cạnh tranh trong khu vực.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết: "Hợp tác giữa Vietnam Airlines và Turkish Airlines được thành lập trên nền tảng đôi bên cùng có lợi. Turkish Airlines sẽ mở rộng quy mô mạng lưới vận chuyển tới các khu vực trước đó còn hạn chế như Châu Đại Dương, Đông Bắc Á… nhờ tận dụng lợi thế vị trí địa lý trung tâm của Việt Nam như một điểm trung chuyển hàng hóa của khu vực. Hơn nữa, việc sử dụng đội máy bay chở hàng chuyên dụng, kết nối với hệ thống mạng lưới toàn cầu tới 345 điểm đến trên toàn thế giới của Turkish Airlines sẽ mở đường cho Vietnam Airlines phát triển thị trường vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới. Chúng tôi hi vọng hợp tác này sẽ nâng tầm Việt Nam trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương."

Ông Bilal Ekşi, Tổng giám đốc Turkish Airlines, cho biết: "Châu Á là một trong những thị trường quan trọng nhất của Turkish Airlines. Chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại lục địa nhiều tiềm năng này nhờ vào đội ngũ năng lực chuyên môn cao và các hoạt động nghiên cứu của chúng tôi. Trong thời đại hàng không toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển từ Tây sang Đông, những nỗ lực này càng có ý nghĩa hơn”.

Vào tháng 6 năm nay, hai bên đã ký kết hợp tác liên danh (codeshare) mang đến những lựa chọn chuyến bay linh hoạt, đa dạng hơn cho hành khách trên đường bay giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các khu vực lân cận hai nước.

EVN có tổng giám đốc mới

Chủ tịch EVNHANOI Nguyễn Anh Tuấn được điều động, bổ nhiệm chức Tổng giám đốc EVN thay ông Trần Đình Nhân từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/12.

Ông Nguyễn Anh Tuấn được điều động, bổ nhiệm chứcTổng giám đốc EVN từ ngày 1/12/2023

Cùng ngày, Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp cũng quyết định bổ nhiệm có thời hạn ông Tuấn làm thành viên Hội đồng thành viên EVN trong 5 năm, từ 1/12.

Ông Tuấn sinh năm 1967, tại Hà Nội. Ông là kỹ sư kỹ thuật điện với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành, có bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị. Trước khi trở thành tân Tổng giám đốc EVN, ông Tuấn từng trải qua nhiều vị trí quan trọng, như Trưởng phòng Kế hoạch, Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc và giữ chức Chủ tịch EVNHANOI từ 2013 đến nay.

Việc thay Tổng giám đốc EVN, kiện toàn Ban lãnh đạo tập đoàn này được đưa ra theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, trong bối cảnh một số vị trí lãnh đạo trước đây bị kỷ luật khiển trách do chịu trách nhiệm trong cung ứng điện, để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc vào tháng 5 và 6/2023.

Trước đó, cuối tháng 10, cùng quá trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về điều động nhiệm vụ khác hoặc cho nghỉ công tác với Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân theo nguyện vọng. Ông Nhân sẽ nghỉ hưu từ 1/12. Cho tới trước khi rời ghế CEO EVN, ông Nhân có gần 5 năm ở vị trí này.

T&T và CIENCO4 làm dự án thành phần 2 cảng hàng không Quảng Trị

UBND tỉnh Quảng Trị  đã ra văn bản chính thức phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 2 - Xây dựng cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị. Đơn vị trúng thầu dự án là liên danh Công ty TNHH đầu tư - phát triển hạ tầng giao thông T&T (thuộc Tập đoàn T&T) và Công ty CP Tập đoàn CIENCO4.

Phối cảnh  Cảng hàng không Quảng Trị 

Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), với tổng mức đầu tư hơn 5.820 tỉ đồng. Thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 2 năm; thời gian thực hiện hợp đồng (gồm vận hành và thu phí hoàn vốn) dự kiến tối đa 47 năm 2 tháng.

Theo thiết kế, sân bay này sẽ được xây dựng trên diện tích hơn 265 ha (bao gồm diện tích đất khu quân sự 51,2 ha) tại các xã Gio Quang, Gio Hải, Gio Mai (H.Gio Linh).

Cảng hàng không Quảng Trị được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, có khả năng phát triển khai thác tàu bay code E, cho phép khai thác tuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy hoạch tại Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ (khi có nhu cầu) và sân bay quân sự cấp 2. Sau khi hoàn thành, cảng hàng không này đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu khách/năm và 25.500 tấn hàng/năm.

Nông nghiệp BAF lấn sân mảng vận tải

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc góp 100% vốn thành lập Công ty TNHH Logistic BAF Việt Nam (Logistic BAF).

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam sẽ thành lập Logistic BAF

Logistic BAF dự kiến có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó BAF góp hơn 14,7 tỷ đồng tiền mặt và gần 5,3 tỷ đồng góp bằng tài sản. Tổng giám đốc BAF Bùi Hương Giang sẽ là người đại diện theo ủy quyền quản lý toàn bộ vốn góp của BAF tại công ty con và là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại đây.

Sau thành lập, Logistic BAF sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải.

Tại thời điểm cuối quý 3/2023, BAF đang có 19 công ty con được với tỷ lệ vốn góp từ 90 - 100% và 13 đơn vị trực thuộc (gồm 6 chi nhánh và 7 địa điểm kinh doanh). Các công ty con của BAF chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, ngoài ra có sản xuất, giết mổ và chế biến thịt.

Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Lộc Trời  và Thaibinh Seed chung cúp Gạo ngon nhất thế giới

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết gạo Việt Nam đã đạt giải nhất tại Hội thi Gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15. Theo ông Cường, khác với mọi năm, năm nay ban tổ chức không trao giải cho loại gạo cụ thể nào mà tôn vinh chung gạo của Việt Nam đạt giải nhất.

 3 doanh nghiệp gửi gạo tới tham dự cuộc thi năm 2023 là Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, Lộc Trời và Thaibinh Seed 

Năm nay, 3 doanh nghiệp gửi gạo tới tham dự cuộc thi gồm: doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (gạo ST24, ST25); Lộc Trời (Lộc Trời 28, Nàng Hoa 9) và Thaibinh Seed (Nếp A Sào và TBR39-1).

Cuộc thi năm nay có sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo tham gia. Giải nhì thuộc về Campuchia, Ấn Độ đạt giải ba.

Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới là sự kiện thường niên quốc tế được The Rice Trader (Mỹ) tổ chức lần đầu năm 2009 với mục tiêu tìm hướng đi và xu hướng cho thị trường lúa gạo.

Năm 2019, tại Hội nghị gạo thế giới TRT thường niên lần thứ 11 ở Philippines, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đã giành được giải thưởng cao nhất với loại gạo ST25.

Việt Nam đứng ở vị trí thứ hai tại cuộc thi tổ chức năm 2020. Năm 2022, Campuchia đạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới. Việt Nam, Thái Lan và Lào nằm trong top 4.


Vietnam Airlines và Turkish Airlines mở rộng hợp tác về vận chuyển hàng hóa hàng không
Vietnam Airlines và Turkish Airlines dự kiến đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và nghiên cứu khả năng thành lập hãng liên doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư