
-
ACV đạt doanh thu lịch sử; TMT Motors muốn phủ sóng trạm sạc; Vosco than thị trường tàu hàng khô “tồi tệ"
-
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị: Mở ra kỷ nguyên mới cho kinh tế tư nhân
-
Vietnam Airlines chính thức nối lại đường bay thẳng đến Nga
-
Đà Nẵng yêu cầu cập nhật thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
-
Doanh nghiệp lưu ý trong tuân thủ quy định khai chứng từ đính kèm trong hồ sơ hải quan -
Phát triển kinh tế tư nhân: Tạo xu thế, phong trào thi đua khởi nghiệp, làm giàu chính đáng
Để “Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược lâu dài”, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị yêu cầu: “Định hướng này cần được cụ thể hóa trong các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước”. Nghị quyết 68-NQ/TW đã đặt đúng vấn đề ở cấp chiến lược và do vậy, bối cảnh hiện tại đang cần những cơ chế rành mạch để bản năng sản xuất có thể trở thành bản lĩnh quốc gia, để doanh nghiệp tư nhân trở thành điểm xoay của địa kinh tế Việt Nam.
![]() |
Nhà máy của Hòa Phát tại Hải Dương. |
Bài 2: Điểm xoay của bản đồ sống Việt Nam
Trong thời đại quyền lực được định hình bởi chuỗi giá trị, doanh nghiệp tư nhân không chỉ tạo ra sản phẩm, mà tạo ra vị thế cho quốc gia. Bản đồ phát triển quốc gia sẽ được vẽ bởi cả chính sách công lẫn bàn tay thị trường, với khu vực tư nhân là trục xoay địa kinh tế.
Từ cánh tay nối dài đến trụ cột quốc gia
Chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại, kinh tế tư nhân Việt Nam được gọi tên như một trụ cột chiến lược đất nước. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị không chỉ ghi nhận vai trò “động lực tăng trưởng”, mà còn khẳng định phát triển tư nhân “nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao” là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, có ý nghĩa định vị quốc gia.
Đây không còn là lời kêu gọi phát triển kinh tế đơn thuần, mà là thông điệp chiến lược: Bản đồ phát triển quốc gia - từ nay - sẽ được vẽ bởi cả chính sách công lẫn bàn tay thị trường, với khu vực tư nhân là trục xoay địa kinh tế.
Doanh nghiệp - những người đi trước chính sách
Thế giới hôm nay không còn vận hành theo bản đồ biên giới - mà theo mạng lưới chuỗi cung ứng, công nghệ, dữ liệu và khả năng kết nối. Khi Mỹ đưa thuế quan vào chuỗi xe điện Trung Quốc, khi Trung Quốc dùng nhân dân tệ để thâu tóm thanh toán khu vực, một điều trở nên hiển nhiên là ai nắm được dòng chảy hàng hóa, người đó nắm được luật chơi.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt đã tự tìm được vị trí trong mạng lưới này, mà không đợi chính sách dẫn đường. VinFast tiến vào Mỹ, nhưng không ngần ngại sử dụng hạ tầng Trung Quốc khi có lợi thế. FPT xuất khẩu trí tuệ nhân tạo (AI) sang Nhật, dù hệ sinh thái công nghệ nội địa còn hạn chế. Masan kiểm soát từ nông trại đến kệ hàng - tạo ra chuỗi thực phẩm độc lập với nhập khẩu. Họ không cần tuyên ngôn tự chủ, mà sống trong nó mỗi ngày, bằng năng lực, bằng rủi ro thật.
Chúng ta cần nhìn lại: khi doanh nghiệp đã vượt lên phía trước, chính sách không thể tiếp tục ở phía sau.
AI và bán dẫn: Mặt trận mới của chủ quyền
Trong thế phân mảnh địa chính trị, những lĩnh vực như bán dẫn, AI, công nghệ sinh học… không còn chỉ là ngành kinh tế, mà là không gian cạnh tranh chủ quyền. Ai làm chủ được dữ liệu, thiết kế, năng lực sáng tạo - người đó nắm được ưu thế mềm trong trật tự mới.
Việt Nam đang âm thầm bước vào trận địa này. FPT, Viettel và nhiều doanh nghiệp mới đang từng bước xây dựng nền tảng trí tuệ Việt, xuất khẩu giải pháp, làm chủ hạ tầng xử lý. Trong lĩnh vực bán dẫn, các dự án của Intel, Samsung đang dần kéo Việt Nam vào chuỗi giá trị khu vực - không còn là điểm gia công, mà là nơi chia sẻ rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mỗi con chip thiết kế tại Việt Nam, mỗi thuật toán xử lý dữ liệu nội địa - đều là tuyên bố mềm: chúng ta không đứng ngoài sân chơi. Mà đang âm thầm định hình lại luật chơi.
Hệ thống chính sách đang lỗi nhịp
Trong khi doanh nghiệp đã kết nối xuyên biên giới, chính sách vẫn loay hoay với cách phân loại lạc hậu: lớn hay nhỏ, nội địa hay xuất khẩu, quốc doanh hay dân doanh. Những tiêu chí này không còn đủ sức phản ánh ai là người có khả năng đóng góp chiến lược cho quốc gia.
Cần một tiêu chuẩn mới: vị trí của doanh nghiệp trong hệ thống giá trị đang định hình. Chính sách tài khóa, đầu tư công, tín dụng… phải nhận diện được ai là trụ cột định hình trong tương lai - để tạo hành lang thể chế thích hợp. Không phải để ưu ái, mà để tránh làm nghẹt không gian sáng tạo của những người đang mở đường cho đất nước.
Đổi vai chính sách: Từ hỗ trợ sang dẫn dắt
Đã đến lúc, chúng ta phải từ bỏ tư duy chia đều nguồn lực để chuyển sang tập trung theo sức bật. Không thể mỗi tỉnh đều thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Không thể mỗi doanh nghiệp đều là chiến lược.
Việt Nam không thể phát triển đều khắp, mà phải phát sáng theo vùng. Tư duy “trải thảm đỏ” đã đến lúc nhường chỗ cho tư duy “tạo vùng phát xạ”. Ở đó, tư nhân là người dẫn đường, Nhà nước là người làm nền.


TP.HCM có thể thành trung tâm bán dẫn không vì ai giao nhiệm vụ, mà vì doanh nghiệp đã tụ hội. Bắc Giang nổi lên trong chuỗi điện tử, không vì quyết tâm của chính quyền tỉnh, mà vì Samsung chọn đầu tư. Đồng bằng sông Cửu Long đang lặng lẽ biến đổi khi các doanh nghiệp nông nghiệp số, logistics sinh học và năng lượng tái tạo đan xen phát triển.
Chính sách không nên san đều ngân sách, mà nên đầu tư theo điểm nóng phát xạ. Nếu doanh nghiệp đang hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao, hãy rót hạ tầng và chính sách lao động chất lượng vào đó. Nếu một ngành đang tạo chuỗi cung ứng ngược, hãy tạo cơ chế tài chính và logistics thông minh cho nó. Chính phủ cần tư duy dồn tụ năng lượng phát triển, thay vì dàn đều ngân sách phát triển.
Tư nhân không cần quyền, chỉ cần không bị nhầm vai
Một trong những nguy cơ lớn nhất hiện nay là doanh nghiệp đổi mới bị đánh đồng với nhà đầu cơ. Một công ty phát triển AI xuất khẩu bị xem như công ty công nghệ thông thường. Một doanh nghiệp logistics xuyên biên giới bị quản như nhà vận tải nội địa.
Việt Nam không chỉ có những tập đoàn nhà nước kiểu mới, hơn thế nữa, ta cần 30-50 doanh nghiệp tư nhân đủ sức sống trong vùng nhiễu loạn toàn cầu, không chọn phe, không lệ thuộc chuỗi duy nhất. Đây mới là vùng sinh thái tạo nên một Việt Nam không dễ bị thay thế.
Tài khóa và pháp lý
Thời Trump 2.0, khi thế giới quay lại với chính sách thương mại cứng rắn và bảo hộ chuỗi cung ứng, Việt Nam sẽ đối mặt với sóng gió lớn nếu không có lớp đệm chính sách khôn ngoan. Các doanh nghiệp đổi mới cần được bảo vệ không bằng tiền, mà bằng luật chơi công bằng, môi trường ổn định và cam kết dài hạn.
Không cần trợ cấp, chỉ cần Nhà nước đừng thay đổi luật giữa đường. Không cần đặc quyền, chỉ cần sự kiên định về định hướng và khung pháp lý để doanh nghiệp dám đầu tư lớn.
Chính sách không nên điều hành theo công điện, mà phải nghĩ theo chu kỳ chiến lược, nhất là với những doanh nghiệp đang đầu tư vào các lĩnh vực nền tảng như AI, bán dẫn, công nghệ nông nghiệp và dữ liệu.
Tầm nhìn cho tương lai
Hãy tưởng tượng, vào năm 2030, Việt Nam có 20 doanh nghiệp hàng đầu thế giới, từ start-up công nghệ đến các công ty năng lượng xanh, hòa nhập sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế. Và đến năm 2045, khu vực tư nhân sẽ dẫn dắt một nền kinh tế trị giá có thể lên đến cả ngàn tỷ USD, với dấu ấn bền vững và sáng tạo rất riêng. Đây là mục tiêu khả thi nếu các nhà hoạch định chính sách hành động quyết liệt.
Doanh nhân đóng vai trò trung tâm trong viễn cảnh này. Một nhà sáng lập trẻ ở Đà Nẵng phát triển ứng dụng AI cho nông nghiệp lúa gạo, hay một công ty logistics ở Cần Thơ kết nối hàng hóa Mekong với thị trường toàn cầu, có thể là những hình mẫu. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo môi trường thuận lợi, xóa bỏ rào cản pháp lý và xây dựng văn hóa đổi mới.
Hành động ngay hôm nay
Thời gian không chờ đợi. Lộ trình của Nghị quyết 68-NQ/TW - 2025 cho các cải cách ban đầu, 2030 cho kết quả - sẽ khả thi nếu có sự phối hợp chặt chẽ. Các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên, dồn nguồn lực vào các khu vực tiềm năng, đồng thời khuyến khích cộng đồng ủng hộ sản phẩm nội địa và văn hóa khởi nghiệp. Mỗi ngày chậm trễ là một cơ hội bị mất trong cuộc đua toàn cầu.
Trong một thế giới nơi kinh tế và chính trị đan xen, doanh nghiệp Việt chính là vũ khí địa chính trị mềm - không cần mở rộng biên giới, chỉ cần khéo léo để các cường quốc phải tôn trọng. Khi một doanh nghiệp nội địa có thể buộc đối tác quốc tế thay đổi lộ trình chuỗi cung ứng chỉ vì vị trí chiến lược của họ - đó là lúc Việt Nam không còn phải theo sau. Đó là thời điểm chúng ta trở thành điểm xoay.
(Còn tiếp)
-
ACV đạt doanh thu lịch sử; TMT Motors muốn phủ sóng trạm sạc; Vosco than thị trường tàu hàng khô “tồi tệ"
-
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị: Mở ra kỷ nguyên mới cho kinh tế tư nhân
-
Gỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường cho nông sản Mỹ vào Việt Nam
-
Vietnam Airlines chính thức nối lại đường bay thẳng đến Nga
-
Bài 2: Điểm xoay của bản đồ sống Việt Nam -
Gỡ nỗi lo hình sự hóa, doanh nghiệp tư nhân sẽ yên tâm rót vốn đầu tư -
Đà Nẵng yêu cầu cập nhật thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp -
Doanh nghiệp lưu ý trong tuân thủ quy định khai chứng từ đính kèm trong hồ sơ hải quan -
Phát triển kinh tế tư nhân: Tạo xu thế, phong trào thi đua khởi nghiệp, làm giàu chính đáng -
Khánh thành Nhà máy JVC số 2 quy mô 40.000 m2 -
Hội chợ spoga+gafa 2025: Cơ hội phát triển thị trường, khám phá xu hướng bền vững lĩnh vực đồ gỗ ngoài trời, gốm sứ
-
Lần đầu tiên có thương hiệu sữa toàn cầu do doanh nghiệp Việt đồng sáng lập tại Úc
-
Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2025: Thúc đẩy phát triển bền vững giữa biến động toàn cầu
-
Nuôi vịt kiểu "resort" độc đáo: Thư giãn mỗi ngày, trứng sạch mỗi sáng
-
Panasonic bàn giao Trung tâm giải pháp HVAC cho Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM
-
SeABank thông báo bổ sung nội dung hoạt động vào giấy phép hoạt động
-
SeABank được vinh danh “Ngân hàng tiên phong trong đổi mới quản trị vì sự phát triển bền vững”