Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Bài học đau xót khi cha mẹ tự ý đắp lá chữa bỏng cho trẻ
D.Ngân - 18/03/2021 13:16
 
Cháu bé (9 tháng tuổi, ở Bắc Giang) bị bỏng đã không qua khỏi do gia đình chủ quan không đưa tới bệnh viện điều trị mà đắp thuốc của một bà lang ở gần nhà.

Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, ngày 9/3, trẻ không may bị bỏng nước sôi ở vị trí đùi và cẳng chân phải.

Bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, các loại cây không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, gia đình không đưa cháu đến bệnh viện điều trị mà đưa con đến bà lang gần nhà để đắp thuốc. Gia đình chỉ đưa con vào bệnh viện huyện thăm khám khi trẻ lên cơn sốt cao, nổi ban 4 ngày sau đó.

Tình trạng của trẻ diễn biến xấu rất nhanh, li bì, hôn mê, nhiều nốt ban xuất huyết rải rác khắp toàn thân, tình trạng phù tăng lên, ăn kém.

Khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn nặng, rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn. Tại đây, các bác sĩ đã xử trí sốc nhiễm khuẩn và cấp tốc liên hệ để chuyển cháu bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo Ts.Bs Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, vào khoảng 1 giờ 30 phút ngày 14/3, nhận điện báo từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang về trường hợp trên, ê-kíp lập tức chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để cấp cứu cho người bệnh.

Trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào 2 giờ 30 phút ngày 14/3 trong tình trạng tím tái, ngừng tim. Các bác sĩ tiếp tục tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng trẻ không đáp ứng. Vào 3 giờ cùng ngày, bệnh nhi không qua khỏi, gia đình đã xin đưa trẻ về.

Trước đó, ngày 6/7, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận và điều trị cho người bệnh P.X.K, 47 tuổi tại xã Tân Lập, huyện Bắc Quang trong tình trạng cẳng chân phải có vết thương sưng nề đỏ, chảy dịch mủ.

Người bệnh cho biết trong lúc làm việc do sơ ý bị ngã, vết thương hở miệng, không khô. Do vậy đã nhờ người nhà lấy lá thuốc nam bó, sau 10 ngày bó thuốc thấy chân vẫn đau nhức, sưng nề, có dịch mủ và rất khó vận động; khi đó mới vào viện để điều trị.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, qua thăm khám người bệnh được chẩn đoán nhiễm trùng vết thương cẳng chân, viêm tấy lan tỏa xuống bàn chân phải.

Được biết thời gian qua các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do đắp lá thuốc điều trị nhưng vẫn còn rất nhiều người quá tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của phương pháp này.

Thực tế, có những bệnh nhân sau khi đắp lá, vùng bỏng hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, để lại nhiều di chứng cho người bệnh.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, các loại cây không rõ nguồn gốc.

"Nếu chẳng may bị bỏng, trước tiên cần cho bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời", chuyên gia khuyến cáo.

Duyệt quy hoạch chi tiết Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2 tại Quốc Oai
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 2144/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết Bệnh viện Nhi trung ương cơ sở 2, tỷ lệ 1/500.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư