Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Bài toán khó của kế hoạch đầu tư công
Hà Nguyễn - 15/09/2020 19:01
 
Không chỉ là vấn đề nguồn lực, mà khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 chưa xây dựng xong, việc xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021 sẽ gặp những thách thức không nhỏ.
Tuyến metro Suối Tiên - Bến Thành (TP.HCM) đã dần lộ diện sau 8 năm xây dựng. Ảnh: Lê Toàn
Tuyến metro Suối Tiên - Bến Thành (TP.HCM) đã dần lộ diện sau 8 năm xây dựng. Ảnh: Lê Toàn

Lo thiếu nguồn lực

Cùng với việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, thì kế hoạch đầu tư công năm 2021 cũng bắt đầu thành hình. Và vẫn như thông lệ, nhu cầu vốn đầu tư được các bộ, ngành, địa phương đề xuất đều ở mức rất cao.

Con số được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp là 682.402 tỷ đồng, cao hơn khá nhiều so với con số 470.600 tỷ đồng vốn đầu tư theo kế hoạch của năm 2021. Trong số hơn 682.000 tỷ đồng này, nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách trung ương là trên 326.000 tỷ đồng, còn vốn ngân sách địa phương là trên 355.800 tỷ đồng.

Điều này là dễ hiểu, bởi nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản của các địa phương là rất lớn. Trong các đề xuất đầu tư lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Nguyên, hay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…, các con số “mong muốn” đều cao hơn giai đoạn trước. Các tuyến đường ven biển, các tuyến đường kết nối nội vùng, thậm chí cả các dự án tỉnh lộ… đều đã lần lượt được các địa phương đề xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, khó có chuyện “cứ muốn là được”. Hiện tại, theo tính toán của Bộ Tài chính, có thể, nguồn vốn đầu tư công bố trí được cho năm 2021 sẽ chỉ tương đương vốn kế hoạch của năm 2020. Có nghĩa một phần không nhỏ nhu cầu vốn đầu tư không thể được đáp ứng. Bởi thế, việc phân bổ vốn cho dự án nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của các địa phương.

“Các địa phương phải đưa ra các định hướng ưu tiên cụ thể, muốn đầu tư vào dự án nào trước, quan trọng hơn, có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội địa phương, chứ không nên ‘rải mành mành’, khiến đầu tư dàn trải, kém hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nói như vậy.

Hơn thế nữa, điều quan trọng, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021 phải sát với khả năng thực hiện, để không tái diễn tình trạng “nơi thừa, nơi thiếu” như năm 2020. Việc mới đây có tới 10 bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương có văn bản đề nghị chuyển trả lại vốn kế hoạch năm 2020 để điều chỉnh cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khác, với tổng số tiền lên tới 7.780 tỷ đồng đã cho thấy điều này.

Vì xây dựng kế hoạch chưa sát với khả năng thực hiện, lại thêm chuyện thực hiện kỷ luật đầu tư công chưa nghiêm, nên nhiều bộ, ngành, địa phương giải ngân rất chậm và buộc phải xin trả lại vốn.

Và áp lực giải ngân

Các con số cho đến thời điểm này cho thấy, đã có những cải thiện đáng kể về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2020. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến cuối tháng 8/2020, đã có  221.774 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, đạt 47,08% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, cao hơn 5,7 điểm phần trăm của cùng kỳ năm trước.

Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ suốt từ đầu năm tới nay. Bởi trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, giải ngân vốn đầu tư công được xác định là giải pháp quan trọng nhất để hỗ trợ tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công vì thế được xem là “nhiệm vụ chính trị trọng tâm” của năm 2020.

Một cách thẳng thắn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, tuy giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có cải thiện so với những năm trước, nhưng “vẫn chậm”, “chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển”, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Năm 2021, dự báo, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục phải dựa vào giải ngân vốn đầu tư công. Bởi thế, áp lực tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong năm tới vẫn còn rất lớn.

Hiện tại, các kế hoạch triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, như cao tốc Bắc - Nam; các dự án đường bộ, đường sắt quan trọng; nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, các tuyến đường sắt đô thị… đã được đặt ra.

Nhưng thông tin gần đây cho biết, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các gói thầu 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công, là Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45, đang gặp khó khăn. Cả 3 dự án này đều phải gia hạn thời gian mời thầu.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tiến độ giải ngân Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn rất chậm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Dự án chỉ giải ngân được hơn 1.370 tỷ đồng, đưa con số lũy kế lên hơn 2.500 tỷ đồng, đạt 13,82% kế hoạch được giao. Gần 3 năm, số vốn giải ngân được vẫn quá ít… và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ chung của Dự án.

Không chỉ đối mặt với khó khăn “xưa cũ” trong giải ngân vốn đầu tư công, như chậm giải phóng mặt bằng, công tác chuẩn bị dự án còn nhiều hạn chế, phân bổ vốn chưa sát thực tế…, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 còn gặp một số thách thức lớn, nhất là đối với các dự án khởi công mới.

Lý do là, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng lại phải tới tháng 7/2021, kế hoạch trung hạn mới được thông qua. Điều đó có nghĩa, những dự án quan trọng, cấp bách cần khởi công mới ngay từ đầu năm 2021 sẽ phải báo cáo Quốc hội xem xét các tiêu chí, nguyên tắc áp dụng để thực hiện. Bởi nếu không, việc khởi công các dự án này có thể sẽ “phạm luật”.

Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp

Theo kế hoạch, việc bố trí vốn đầu tư năm 2021 được ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp, dự án hoàn thành trong năm 2021, ưu tiên cho việc thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, các dự án đầu tư trọng điểm…

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, mới bố trí vốn cho các dự án khởi công mới, trong đó ưu tiên bố trí các dự án khởi công mới thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số…

Giải ngân đầu tư công: Phải tiêu được tiền và tiêu có hiệu quả
Giải ngân vốn đầu tư công là chủ trương quan trọng, nhưng vấn đề không chỉ là tiêu được tiền, mà phải tiêu hiệu quả để tạo động lực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư