Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bàn giải pháp nâng cao giá trị nông sản
Trúc Giang - 28/04/2021 21:37
 
Ngày 28/4, “Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021” đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ.

Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thành ủy Cần Thơ tổ chức.

Hội nghị nhằm đánh giá tổng quan lĩnh vực chế biến và phát triển thị trường nông sản trong bối cảnh mới đan xen nhiều thách thức và cơ hội, đặc biệt trong sự biến đổi linh hoạt và nhanh chóng xu thế công nghệ chế biến của thế giới, vấn đề ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa sản xuất, tài nguyên trong chế biến nông sản của thế giới và hướng tiếp cận với Việt Nam; vấn đề áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Hội nghị còn chia sẻ những xu hướng thị trường nông sản thế giới và các vấn đề đặt ra về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn, các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề mở cửa thị trường nông sản để tạo tín hiệu dẫn dắt, xung lực mới nhằm hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả thực thi và sự liên kết trong thị trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nguồn cung sản lượng nông nghiệp của nước ta hàng năm khoảng 48,63 triệu tấn lúa ngô; 26,8 triệu tấn rau quả; 4,58 triệu tấn cây công nghiệp lâu năm; sản phẩm chăn nuôi có 6,5 triệu tấn thịt, sữa và 13,8 tỷ trứng; 8,4 triệu tấn thủy sản; 20,5 triệu m3 gỗ và lâm sản.

Cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ước mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản.

Việt Nam hiện có 8 mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt kim ngạch tỷ USD, gồm: rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, cao su, tôm, gỗ, cá tra với thị trường tiêu thụ trên 186 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tốc độ tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu hang năm đạt khoảng 5 - 7%.

Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, trình độ quản lý chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tổn thất sau thu hoạch còn lớn, dao động từ 10 - 25%, phương pháp bảo quản còn đơn giản, lạc hậu. Cơ cấu sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp, chiếm tới 70 - 80%; sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 15 - 30%; sản phẩm có tính tiện dụng cao như làm sẵn, ăn liền còn thấp, chủ yếu là bán thành phẩm cho chế biến tiếp theo. Các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu hang hóa. Trình độ và năng lực công nghệ trong chế biến một số nông lâm thủy sản chỉ ở mức trung bình tiến tiến.

Trái cây là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh đó, kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp còn nhiều bất cập; chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản khá cao, chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25% (các nước trong khu vực khoảng 10 - 15%). Đây cũng là điểm nghẽn lớn trong xuất khẩu nông sản hiện nay...

Các giải pháp khắc phục những hạn chế nêu trên được đề ra như: Cơ cấu lại nông nghiệp, tập trung giá trị gia tăng theo hướng tạo liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các thành phần tham gia tái cơ cấu; chú trọng phát triển chế biến sâu, tăng chất lượng sản phẩm, hiệu năng, giảm chi phí, xây dựng thương hiệu, phân phố thị trường tốt; xác lập tư duy thị trường để thích ứng bối cảnh thị trường; đổi mới trong từng công đoạn nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông sản; liên kết tạo dựng nền công nghiệp chế biến nông sản đồng bộ, hiện đại…

Ông Võ Thành Thống, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phát triển công nghiệp chế biến nông sản cần gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, theo nhu cầu và khả năng tiêu thụ của thị trường. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao thân thiện với môi trường và hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến công nghệ cao; tăng chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị gia tăng; đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường… Phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, thương mại của hang nông sản.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống phát biểu tại Hội nghị

“Với vai trò và nhiệm vụ của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện hỗ trợ phát triển chế biến nông sản”, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến nông sản có thể tiếp cận công nghệ, thiết bị tiên tiến, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phát triển thị trường khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực chế biến nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan khác.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, trong chuỗi giá trị nông sản ở nước ta khâu sản xuất là thấp nhất. Hiện nay, nông sản Việt Nam hầu như là sản phẩm thô, chỉ 20-30% sản phẩm thông qua chế biến, tỉ lệ này rất thấp. Trong khí đó, tại Đài Loan (Trung Quốc), 80% nông sản được chế biến xuất khẩu. Hội nghị lần này mong muốn nâng cao tỷ trọng nông sản chế biến đáp ứng được thị trường xuất khẩu, giải quyết “câu chuyện” nông sản thất mùa được giá và trúng mùa mất giá. Không để “giải cứu” như câu chuyện hành tím Vĩnh Châu, cam hay dưa hấu như trong thời gian qua…

Bên cạnh đó, Hội nghị quan tâm kết nối nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, quan tâm hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều hơn, vì đây là số đông. Nhà nước hỗ trợ vốn, công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch để tạo ra kinh tế nông thôn, sơ chế nông sản để đưa đến các doanh nghiệp lớn tinh chế sâu hơn, làm tăng chuỗi giá trị gia tăng…

Theo ông Hoan, chế biến là tạo ra giá trị gia tăng, nhưng nếu nghĩ đơn thuần chế biến chỉ để xuất khẩu là phiến diện, bởi nhu cầu tiêu thụ nông sản của 100 triệu dân trong nước là khá lớn.

Ông Hoan cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cần hợp tác nhau, dựa vào nhau, hỗ trợ, chia sẻ để giá trị gia tăng của doanh nghiệp này cũng chính là giá trị gia tăng cho doanh nghiệp kia. “Công nghệ, nguồn vốn chúng ta (nhà nước) có thể giải quyết được nhưng mà câu chuyện hợp tác không bao giờ ai giải quyết thay cho quý vị được...”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị đẩy nhanh tiến độ hai dự án ODA tại Cần Thơ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP. Cần Thơ về tình hình triển khai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư