Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bán lẻ quy mô nhỏ “lên đời” số hóa nhờ nền tảng Telio
Hải Yến - 14/12/2020 14:28
 
Sau 2 năm ra mắt, nền tảng startup B2B – Telio đã giúp hàng nghìn tiệm tạp hoá truyền thống tối ưu hoá hoạt động kinh doanh nhờ số hóa.

Tăng trưởng ấn tượng

Telio, nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên tại Việt Nam đã đạt được thành tích đáng nể chỉ sau 2 năm thành lập và gọi vốn thành công 25 triệu USD với nhà đầu tư chính là quỹ Tiger Global.

Được thành lập vào cuối năm 2018 bởi Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành, ông Bùi Sỹ Phong và các cộng sự.

Với vai trò là đơn vị trung gian và nhờ vào những ưu thế vượt trội về nền tảng công nghệ và dữ liệu lớn (big data), Telio đã và đang thực hiện sứ mệnh không kết nối các cửa hàng tạp hóa/bán lẻ với các hãng sản xuất lớn trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, giúp mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất, các đại lý và người tiêu dùng.

Với 20 nhân sự chủ chốt vào đầu 2019, nhưng đến cuối năm, quy mô của Telio ở mức 200 nhân sự và sau 1 năm, nền tảng này hiện đã có hơn 600 nhân sự, xây dựng được 2 Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đặt tại Việt Nam và Ấn Độ, riêng Trung tâm tại Ấn Độ quy tụ hơn 100 kỹ sự công nghệ thông tin.

Ceo Telio Bùi Sỹ Phong và các cộng sự sáng lập Telio - Nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên tại Việt Nam.
Ceo Telio Bùi Sỹ Phong và các cộng sự sáng lập Telio - Nền tảng thương mại điện tử B2B đầu tiên tại Việt Nam.

Ông Bùi Sỹ Phong, CEO Telio cho biết, Telio đã định vị là đơn vị dẫn đầu trong mảng công ty công nghệ về phân phối hàng tiêu dùng nhanh tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và đã bắt đầu phát triển đến Bình Dương. Hiện nay 20% tiệm tạp hóa ở Hà Nội và Hồ Chí Minh đang mua hàng qua nền tảng Telio.

“Chúng tôi đã đi đúng lộ trình đặt ra, với 15.000 đại lý, tỷ lệ tăng trưởng về cửa hàng đại lý là 70% hàng quý, hợp tác với khoảng 55 nhãn hàng trên toàn bộ hệ thống hàng tiêu dùng nhanh cùng 11 kho ở Hà Nội và HCM và mới đây là Bình Dương cùng hệ thống hơn 100 xe tải phục vụ giao hàng hàng ngày”, ông Phong nói.

Nếu như vốn chủ sở hữu của Telio tại thời điểm cuối 2019 chỉ hơn 100 tỷ đồng thì cuối 2020 đã vượt con số 600 tỷ đồng. Tổng tài sản có tính cả hệ thống hàng hóa trong kho và tính trên doanh thu bán hàng trong năm qua đã đạt hàng nghìn tỷ đồng.

Telio đang duy trì web và app trên Android và iOS để hỗ trợ các đại lý đặt hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi, dễ so sánh về giá cả, nhưng yếu tố khiến Telio tự hào nhất là shop B2B trên nền tảng Zalo.

Trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh như hiện nay, sự hiện diện của Telio trên Zalo rất quan trọng. Thứ nhất, Zalo là cái ứng dụng được dụng hàng ngày của mỗi người. Như vậy, đại lý không cần cài thêm app nào nữa, có thể đi vào Telio trên Zalo và gọi hàng luôn. Đặc biệt, trên nền tảng này, tất cả các tiện ích bình thường luôn được Telio đảm bảo ví dụ như có tất cả các sản phẩm, giá cả cạnh tranh rồi là có chương trình điểm trung thành, vẫn đảm bảo giao hàng từ 6 đến 12 giờ cho đại lý.

Cả nước hiện có khoảng 1,3 triệu cửa hàng tạp hóa/bán lẻ, mỗi cửa hàng đều phải nhập hàng tiêu dùng nhanh từ rất nhiều đầu mối, nhưng với nền tảng công nghệ của Telio, đại lý sẽ không phải kết nối với nhiều nhà cung ứng mà chỉ cần thông qua App Telio để đặt được hàng trăm mặt hàng từ hàng trăm nhà sản xuất.

Năm 2020 là năm doanh nghiệp nhiều ngành hàng gặp khó vì dịch Covid-19 nhưng với Telio, đây chính là khoảng thời gian để DN chứng minh năng lực của mình nhờ vào các giao dịch thương mại điện tử gia tăng mạnh mẽ.  “Đây chính là thời gian mà các cái cửa hàng đại lý nhìn thấy sự nổi trội của kênh online và điều này đã tạo cho Telio có nhiều cơ hội để thể hiện”, ông Phong nói.

Lấn sân ngành hàng mới

Không chỉ bó hẹp kinh doanh với ngành hàng tiêu dùng nhanh, nền tảng thương mại điện tử này đã bắt đầu mở rộng sang ngành hàng đồ gia dụng.

Giữa năm 2020, Telio bắt đầu với các sản phẩm ví dụ như đồ nhựa, đồ gia dụng điện nhỏ trong gia đình, nồi cơm điện, máy sấy tóc, bàn là, các đồ sử dụng để nấu như đồ trộn hoa quả, bếp từ, chảo chống dính…

Ngành đồ gia dụng cũng là 1 ngành rất lớn, nếu như quy mô thị trường ngành FMCG là 17 tỷ USD/năm thì ngành đồ gia dụng cũng phải 10-12 tỷ USD/năm. Một thị trường dư địa rất lớn, nên chúng tôi sẽ không bỏ qua, ông Phong cho hay.

Nhảy sang mảng gia dụng, Telio lý giải, đường đi này sẽ biến Telio thành 1 nền tảng B2B bao gồm nhiều ngành hàng. Theo kế hoạch, trong tương lai gần, danh mục ngành hàng mới của nền tảng này sẽ tiếp tục tăng thông qua việc bắt tay với các công ty nghiên cứu thị trường ở Việt Nam mà cả quốc tế  để tham gia nhanh chóng và hiệu quả nhất. 

Tầm nhìn cho năm 2025 của Telio là ngoài Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Telio sẽ mở rộng kinh doanh tại 6 tỉnh/thành phố trên cả nước, phát triển khoảng 400.000 cửa hàng đại lý riêng trong ngành FMCG với khoảng hơn 1.000 nhân viên kinh doanh. 50% cửa hàng tạp hóa/bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh tại Hà Nội, TP.HCM sẽ mua hàng qua Telio
Mục tiêu xa hơn, Telio sẽ nhắm tới thương mại xuyên biên giới với sự tự tin về nền tảng công nghệ đang sở hữu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư