Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bàng hoàng vì phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối sau 20 năm hút thuốc lá
D.Ngân - 04/06/2023 08:07
 
Hơn 20 năm hút thuốc lá, người đàn ông 62 tuổi nhận về kết quả ung thư phổi giai đoạn 4 đã di căn trong sự ngỡ ngàng, bởi bệnh diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, các triệu chứng chỉ mới chớm xuất hiện.

Khoảng 1 tuần nay, bệnh nhân B.V.V (62 tuổi, ở Hà Nội) đột nhiên thấy đau tức ngực, ho húng hắng, cảm giác đau tăng khi ho, thi thoảng khạc đờm trắng. Lo lắng, bệnh nhân lập tức đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec.

Hình ảnh phổi của bệnh nhân bị ung thư giai đoạn 4.

Quá trình thăm khám, ông V. cho biết có thói quen hút thuốc lá 20 năm qua, trung bình 2 bao/ngày. Tại viện, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết và chụp CT lồng ngực, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng. 

Hình ảnh chụp CT phát hiện nốt ở thùy trên phổi trái với kích thước 12 x 13mm, bờ tua gai, co kéo nhẹ nhu mô phổi lân cận, đặc biệt ngấm thuốc cản quang mạnh sau khi tiêm.

Không chỉ dừng lại ở đó, bác sĩ thăm dò chức năng còn phát hiện nhiều hạch lớn xung quanh trung thất và khối bất thường ở thượng thận trái có kích thước 3,7 x 4,3cm.

Nhận thấy có dấu hiệu tổn thương nghi ngờ ác tính, bác sĩ nhanh chóng chỉ định sinh thiết xuyên thành ngực khối ở phổi và khối thượng thận, kèm thêm các xét nghiệm dấu ấn ung thư. 

Không nằm ngoài tiên lượng của các bác sĩ, kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc ung thư phổi giai đoạn IV đã di căn tuyến thượng thận và hạch trung thất.

Cầm tờ giấy báo kết quả như nghe sét đánh ngang tai, bệnh nhân bàng hoàng không muốn tin vào sự thật.

Nhận định về trường hợp này, BSCKI. Phạm Sơn Tùng,Chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, từ kinh nghiệm làm nghề, tôi không quá bất ngờ với kết quả này, bởi bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm qua. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. 

Căn bệnh này được coi là sát thủ giết người thầm lặng bởi thông thường, chỉ đến giai đoạn cuối bệnh mới xuất hiện biểu hiện lâm sàng.

Tại Việt Nam, 90% bệnh nhân ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá. Theo số liệu thống kê năm 2020, tại Việt Nam có đến 26.262 ca mắc ung thư phổi, hơn 23.000 trường hợp tử vong và 90% bệnh nhân ung thư phổi đều có tiền sử hút thuốc lá.

“Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi”, đó là khẩu hiệu thường thấy trên bao bì các hộp thuốc lá hiện nay. Thế nhưng, khẩu hiệu vẫn nằm yên trên giấy, bỏ đi thói quen hút thuốc hàng ngày là việc quá khó với người nghiện thuốc lá.

Lý giải nguyên do hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, BSCKI. Phạm Sơn Tùng cho biết, khói thuốc có chứa tới khoảng 7 nghìn chất độc hại, trong đó có khoảng 80 chất có khả năng gây ung thư, điển hình là benzopyren, nitrosamine, cadmium, niken…

Các chất này xâm nhập vào phổi khiến các tế bào phân chia bất thường và phát triển thành các tế bào ung thư. Do đó, dù là hút thuốc lá chủ động, hay thụ động hít phải khói thuốc đều có thể gây ung thư phổi.

Bác sĩ cho biết thêm, nhiều nghiên cứu y khoa chỉ ra rằng, nguy cơ ung thư phổi ở những người hút thuốc cao hơn gấp 10 lần so với những người không hút thuốc.

Thời gian hút thuốc càng nhiều với tần suất càng lớn, nguy cơ mắc bệnh càng cao. Do đó, trường hợp trên là lời cảnh tỉnh với những người nghiện thuốc lá và mọi người dân nên tránh xa thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bản thân cùng những người xung quanh, đừng để phải thốt lên “giá như bỏ thuốc sớm hơn” khi đã quá muộn màng.

Trên thực tế, ung thư phổi nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi bệnh, nếu nhận biết muộn (ở giai đoạn III, IV) tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ khoảng 5%.

Ở Việt Nam, đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao vì thường được phát hiện muộn, bởi bệnh diễn tiến âm thầm, lặng lẽ. Vì vậy, chủ động tầm soát phát hiện bệnh sớm là yếu tố tiên quyết để có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống ung thư cam go.

Y học hiện đại phát triển có các phương pháp cận lâm sàng giúp ích đắc lực bác sĩ trong quá trình tầm soát, chẩn đoán chính xác ung thư phổi.

Trong đó, 2 phương pháp sau được xem là chỉ định đầu tay của các bác sĩ gồm, chụp cắt lớp vi tính (chụp CT).

Phương pháp này sử dụng chùm tia X quét qua thổi, thông qua hình ảnh thu được sẽ cho biết tình trạng của phổi, số lượng, vị trí, mức độ và kích thước các tổn thương, kể cả những tổn thương rất nhỏ từ 2-3mm.

Phương pháp thứ hai là xét nghiệm dấu ấn ung thư. Đây là dấu ấn sinh học được phát hiện trong máu, nước tiểu và mô, dùng để đánh giá sự có mặt của một hay nhiều loại ung thư.

Một số chất chỉ điểm khối u điển hình trong tầm soát ung thư phổi đó là: SCC, CEA, Cyfra 21-1, NSE, Pro GRP. Nếu nồng độ các chất này tăng cao, rất có thể đã có sự xuất hiện của khối u ác tính trong cơ thể.

Từ đó, BSCKI. Phạm Sơn Tùng đưa ra khuyến cáo mọi người dân đều nên chủ động tầm soát ung thư phổi định kỳ hàng năm, ngay từ khi chưa xuất hiện triệu chứng, đặc biệt là với các nhóm đối tượng như: Người trong độ tuổi từ 50 - 80 tuổi, đang hút thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá trong vòng 15 năm trở lại;

Hay các đối tượng thường xuyên hít phải khói thuốc, có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi hoặc có tiền sử phơi nhiễm khí Radon (một loại khí phóng xạ xuất hiện tự nhiên có thể tìm thấy trong môi trường, nhà ở, trường học, nơi làm việc).

Liệu pháp giúp người bệnh ung thư phổi sống trọn vẹn hơn
Số liệu năm 2020 từ Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) cho thấy Việt Nam có thêm 26.262 người bị phát hiện mắc ung thư phổi mỗi năm và có hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư