Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Báo chí chuyển đổi số để giữ độc giả, khán giả trung thành
Hồ Hạ - 24/05/2022 21:42
 
Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, theo thống kê, người xem trung thành thường chiếm 20% và tạo ra 80% doanh thu, báo chí cần cung cấp những nội dung tốt để giữ chân họ.

Báo chí phải chủ động thu thập dữ liệu của độc giả 

Tại Hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế", do Trung tâm sản xuất và phát triển Nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 24/5, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, trước đây, các cơ quan báo chí dựa vào quá nhiều nền tảng khác nhau. Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơ quan báo chí đã thay đổi. 

Các vị khách mời tham gia Tọa đàm.

Nhà báo Lê Quốc Minh lý giải, nếu dựa vào nhiều nền tảng, báo chí, truyền hình có thể có lượng truy cập thậm chí có được cả nguồn tài chính nhất định nhưng không có độc giả. Bởi vì sẽ không biết độc giả là ai, đến từ đâu. Lượng truy cập đến từ mạng xã hội hoặc các nền tảng có thể chiếm một tỷ lệ khá lớn lên đến độ khoảng 70% - 80%. Nhưng tất cả dữ liệu gốc về độc giả thì các nền tảng nắm giữ hết. 

“Như vậy, mãi mãi chúng ta không bao giờ cung cấp được nội dung đúng nhu cầu đúng đối tượng, chứ đừng nói tới câu chuyện cá nhân hóa nội dung. Sắp tới, chúng ta sử dụng robot viết tin, nếu không có dữ liệu người dùng robot cũng không thể tạo ra 10 hay 1.000 phiên bản khác nhau cho những đối tượng khác nhau. Do đó, chúng ta phải chủ động trong việc thu thập dữ liệu của độc giả, chủ động trong quá trình sản xuất thông tin, khi đó, chúng ta nắm 50% phần thắng”, Nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Ông Phạm Anh Chiến, Phó giám đốc VTVDigital cho biết, Đài Truyền hình Việt Nam bàn về chuyển đổi số từ năm 2014. Trước sự cạnh tranh của các mạng xã hội, VTV buộc phải thay đổi, phải tập trung sản xuất, phân phối nội dung trên các nền tảng số. 

"Khi ấy, chuyển đổi số của VTV vẫn chưa có VTVGo, VTVMoney như hiện nay nhưng đó là thay đổi mang tính nhận thức. Ngày nay, mỗi phóng viên VTV không chỉ sản xuất cho truyền hình mà còn sản xuất đa phương tiện. Họ cần quan tâm tương tác trên các nền tảng như thế nào, biết khán giả cần gì. Tăng trưởng sản xuất đa phương tiện của VTV hiện nay là rất rõ ràng", ông Phạm Anh Chiến chia sẻ.

Doanh nghiệp và báo chí cộng sinh trong hệ sinh thái số

Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hiện trong luật báo chí, tất cả những thứ gì trên Internet gói gọn trong một câu là báo điện tử. 

Luật pháp đang trong quá trình thay đổi để thích ứng với thay đổi của truyền thông mới. Do đó khái niệm báo điện tử hiện đang “quá chặt”. Hiện đang có rất nhiều hình thái phát triển khác của truyền thông mới đang cho thấy chúng ta phải dùng nhiều cái tên khác. 

Cũng theo ông Lâm, truyền thông mới trên không gian internet phải đảm bảo sự tương tác giữa người đọc và người xem và chúng ta chịu sự giám sát cũng như tương tác liên tục. Ngoài ra, trên không gian số chúng ta có một cơ hội chưa bao giờ có là tìm được người xem thực sự của mình là ai, dữ liệu hành vi khác của họ. Từ đó bên cạnh việc biết họ đang xem thông tin gì của mình, chúng ta có thể phục vụ họ tốt hơn. 

Nói về khó khăn chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, theo ông Lâm, hiện nay chiến lược chuyển đối số báo chí đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030 đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ. 

Nhà báo Lê Quốc Minh nhận định, xu thế thế giới là các báo bắt tay nhau, lượng người dùng sẽ đủ lớn để kinh doanh nội dung. 

Khi được phê duyệt sẽ cho chúng ta những nền tảng để nói một cách sở cứ hơn về cách mà Nhà nước sẽ tiếp cận và đồng hành với câu chuyện chuyển đổi số của báo chí. Ông Lâm nhấn mạnh nếu không chuyển đổi số chắc chắn là chết, cho nên khó khăn là đầu tư thế nào và cách bắt đầu ra sao.

Cục trưởng Cục Báo chí cho hay: “Hiện nhiều cơ quan báo chí tự cân đối ngân sách cũng rất khó khăn chứ không nói gì đến câu chuyện đầu tư phát triển. Do đó nhà nước cũng có thể có những nguồn lực để đầu tư từ nguồn ngân sách. Nhưng nhà nước có vai trò quan trọng hơn là kéo những doanh nghiệp trong nước có hạ tầng số có thể đồng hành vói việc chuyển đổi số của báo chí”.

Theo ông Lâm, ở đây không phải là doanh nghiệp giúp báo chí mà là cộng sinh trong hệ sinh thái số. Trong đó, nội dung là hàng hoá quan trọng nhất của hạ tầng số, sau đó là của nền kinh tế nói chung.

Điểm thứ 2 là Nhà nước sẽ có những định hương, dẫn dắt các cơ quan báo chí nên làm gì trước sao cho vừa sức, có những cách làm chuyển đối số nói ít làm nhiều, đi theo cách hiệu quả.

Không phải cứ nhiều người xem là tốt mà cần người xem trung thành

Nhà báo Lê Quốc Minh nhận định, xu thế thế giới là các báo bắt tay nhau, lượng người dùng sẽ đủ lớn để kinh doanh nội dung. 

"Theo thống kê, người xem trung thành thường chiếm 20% và chúng ta cần đưa cho họ nội dung tốt để giữ chân họ. Những người đi ngang qua chiếm tới 80% nhưng không mang lại giá trị. Do đó, các cơ quan bao chí cần dành năng lượng, vật chất để giữ 20% quan trọng, mang lại nhiều tiền cho chúng ta", nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Về vấn đề tin giả, nhà báo Lê Quốc Minh dự báo, với sự phát triển của công nghệ, tin giả sẽ ngày càng nhiều hơn, có thể hàng trăm ngàn lần so với hiện nay nhờ AI, deepfake. Tin giả chứng khoán, tài chính còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Thậm chí, người có trách nhiệm, trong đó có một số cơ quan báo chí cũng đăng nhầm tin giả. 

Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng, các cơ quan chính thống cần chuẩn chỉnh hơn rất nhiều. "Khi đọc một thông tin trên mạng người dùng có thể tìm về các cơ quan chính thống để xác thực. Về phía người dùng, mỗi người nên bình tĩnh lại một chút, đừng vội tin ngay thông tin đọc trên mạng xã hội hoặc trên các trang thông tin không chính thống", nhà báo Lê Quốc Minh nói.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số không phải chỉ là về công nghệ mà chuyển đổi số trong báo chí chính là nói về tư duy. Thay đổi tư duy về vận hành quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, phát hành thông tin tới công chúng. Và thậm chí là thay đổi cả về văn hóa của tòa soạn và các cơ quan báo chí. 

“Hội Nhà báo, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ có thể định hướng, gợi mở hoặc hỗ trợ về khung pháp lý,  chứ không thể làm thay các cơ quan báo chí được”, nhà báo Lê Quốc Minh nói và cho rằng, mỗi cơ quan báo chí, dựa vào các nhu cầu, thế mạnh, mục đích của mình, cần phải chủ động trong quá trình chuyển đổi số để tồn tại và phát triển, đặc biệt là làm đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm xã hội của mình; là tiếng nói của Đảng, tiếng nói của nhân dân, đưa những thông tin chính thống đến mọi người, dập tắt những thông tin giả, thất thiệt…

Hội thảo "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế" do Trung tâm sản xuất và phát triển Nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức sáng 24/5 gồm 2 phiên tọa đàm.
Phiên thứ nhất có chủ đề "Xu hướng dòng tiền" thảo luận những biến động của dòng tiền đầu tư thời gian qua, những thông tin tác động, và nhận định những yếu tố ảnh hưởng tới đường đi của dòng tiền trong thời gian tới.
Phiên thứ hai có chủ đề "Truyền thông số thúc đẩy phục hồi kinh tế": thảo luận về những cơ hội và thách thức đặt ra với các cơ quan báo chí, khi truyền tải các thông tin kinh tế trong môi trường thông tin đa chiều, đa dạng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư