Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bảo hiểm nhân thọ: Tăng tốc nhờ kênh phân phối mới
 
Dù kênh đại lý truyền thống vẫn đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng doanh thu khai thác phí mới cho các công ty bảo hiểm nhân thọ, nhưng các kênh phân phối mở rộng như bancassurance, đại lý tổ chức… sau một thời gian được đầu tư đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Manulife Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần doanh thu từ kênh bancassurancelớn nhất với khoảng hơn 20%
Manulife Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần doanh thu từ kênh bancassurancelớn nhất với khoảng hơn 20%

Trao đổi với báo giới nhân dịp công bố bản thử nghiệm trang thông tin về sức khỏe dành cho người Việt Nam, ông Wayne Besant, Tổng giám đốc AIA Việt Nam chia sẻ, doanh thu phí bảo hiểm đến từ kênh ngân hàng của AIA Việt Nam tăng trưởng 300% từ đầu năm tới nay. Các ngân hàng ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội ngày càng tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

“Bancassurance sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai”, CEO AIA nhìn nhận.

Đối với Dai-ichi Life Việt Nam, dù đại lý vẫn tiếp tục là kênh phân phối chủ lực, đóng góp 85%  doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn Công ty, nhưng kênh phân phối mở rộng (AD – Alternative Distribution) sau một thời gian nỗ lực “xây dựng hệ thống” trong năm 2016 và 2017, bước vào quý I/2018 đã bắt đầu phát huy năng lực.

Doanh thu phí khai thác mới của kênh này đạt 128 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2018, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2017 và đóng góp tỷ trọng 15% doanh thu phí khai thác mới toàn Công ty (cùng kỳ 017 đóng góp 7%).

Nếu xét riêng kênh bancassurance, Manulife Việt Nam hiện đang là doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn nhất với khoảng hơn 20%. Ngoài bancassurance, hãng bảo hiểm này cũng đã phát triển kênh bán bảo hiểm trực tuyến…

Nhìn nhận về sự tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho rằng, tuy thị trường vẫn tăng trưởng tốt, nhưng tỷ lệ thâm nhập thị trường của ngành bảo hiểm Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực, mới chỉ ở mức 2% GDP, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan là 5,5%, Singapore là 14%.

Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm ở Việt Nam còn rất lớn. Nhưng để tiếp tục tăng trưởng, các công ty cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho sản phẩm, dịch vụ và các kênh phân phối. Cơ cấu sản phẩm của thị trường đang chuyển dịch theo hướng ngày càng đa dạng hơn và các sản phẩm thiên về bảo vệ, sức khỏe ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn…

Trong khi đó, theo ông Khamsaya Soukhavong, Tổng giám đốc Mirae Asset Prévoir, phân khúc dân số trẻ của Việt Nam hiện tại được dự báo sẽ trở thành tầng lớp giàu có trong tương lai, với sự gia tăng đáng kể về thu nhập, nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ; trong đó, sức khỏe là yếu tố chi phối, là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, danh mục sản phẩm bảo hiểm của Mirae Asset Prévoir cũng phải đáp ứng các nhu cầu này.

Cùng với đà phát triển của kinh tế Việt Nam, ứng dụng rộng rãi của công nghệ Internet và thiết bị di động thông minh vào mọi lĩnh vực của cuộc sống đang thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn trong cả cơ sở hạ tầng lẫn công nghệ, cũng như sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Chính vì thế, các kênh phân phối cũng sẽ ngày càng phong phú hơn.

“Ngoài kênh đại lý chủ lực, kênh ngân hàng đang phát triển rất nhanh thì còn có kênh bán hàng trực tuyến cũng sẽ bắt đầu được đẩy mạnh. Dịch vụ khách hàng cũng sẽ cải thiện về xu hướng công nghệ số nhiều hơn, cạnh tranh giữa các công ty cũng sẽ ngày càng nhiều hơn.

Mirae Asset Prévoir đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác ngân hàng để cải tiến các quy trình trong chuỗi giá trị bancassurance theo xu hướng số hoá - để làm cho nó tinh gọn và nhanh chóng hơn”, ông Khamsaya Soukhavong chia sẻ.

Ngoài bancassurance đang tăng trưởng tốt, bảo hiểm trực tuyến đang bắt đầu phát triển thì các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng đã bắt đầu quen thuộc hơn với mô hình bán qua các đại lý tổ chức như BRICS, TC Advisors, Labo… Thị trường cũng đang mong chờ một mô hình bán bảo hiểm chuyên nghiệp nữa là môi giới bảo hiểm nhân thọ.

Thị trường Việt Nam hiện có 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được cấp phép, nhưng chủ yếu bán các sản phẩm của khối phi nhân thọ. Theo các chuyên gia trong ngành, việc thành lập công ty môi giới chuyên nghiệp cho khối nhân thọ ngoài yếu tố vốn pháp định còn có nhiều điều kiện và quy định khá chặt chẽ, nên đến thời điểm hiện tại, khối này vẫn chưa có công ty môi giới bảo hiểm chuyên nghiệp nào.

Tuy nhiên, trong tương lai, khi nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ ngày càng cao, thị trường ngày càng phát triển ổn định thì việc có thêm một kênh phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả mà các nước trên thế giới đã triển khai từ lâu như môi giới.

Khối bảo hiểm nhân thọ bước vào guồng quay mới
Năm 2017, Dai-ichi Life Việt Nam đã có những bứt phá ngoạn mục, vượt qua AIA, Manulife để giành vị trí thứ 3 về thị phần khai thác mới. Với nền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư