Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Bảo hiểm phải bồi thường hàng nghìn tỷ đồng do bão; Chưa đến lúc đổ tiền vào tài sản rủi ro
T.L - 15/09/2024 07:39
 
Kỳ vọng Fed giảm 0,5% lãi suất, các kênh đầu tư tiếp tục khó khăn khi dòng tiền ngày càng khó tính, ngân hàng và các công ty bảo hiểm mạnh tay bồi thường, hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi bão lũ... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Thiệt hại nặng nề do bão Yagi: Hơn 9.000 vụ tổn thất, ước chi trả 7.000 tỷ đồng bảo hiểm

Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm qua các con số báo cáo của các doanh nghiệp, tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ tài chính) vừa thông tin về tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do Bão số 3 (Yagi), lũ lụt gây ra. Bão số 3 và hoàn lưu Bão đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc.

Theo đó, tính đến 17h ngày 12/9/2024, qua con số báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, đây mới là những con số sơ bộ ban đầu, trong bối cảnh thiệt hại do Bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra dự báo còn tăng, do đó con số về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, cụ thể.

Ảnh hưởng nặng nề để lại sau Bão số 3 và mưa lũ cũng tạo ra những khó khăn rất lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục vừa chỉ đạo, giám sát, vừa tạo điều kiện, đồng hành với các doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường bám sát địa bàn và khẩn trương có phương án hỗ trợ tốt nhất cho tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Thông tin từ các doanh nghiệp bảo hiểm, ghi nhận ban đầu, ước số tiền dự kiến bồi thường bảo hiểm là rất lớn. Dẫn đầu tới thời điểm này là PVI với con số ước tính tới 2.000 tỷ đồng, Bảo hiểm Bảo Việt khoảng 950 tỷ đồng, MIC ước khoảng 230 tỷ đồng, Bảo hiểm BIDV ghi nhận số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng…

Trước đó, tại Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Tài chính, để kịp thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại, ngay sau khi Bão tan, ngày 9/9/2024, Cục đã có công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo đó, Cục đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật; Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân bị ảnh hưởng do bão.

Thực hiện các chỉ đạo nêu trên, các doanh nghiệp bảo hiểm đã dồn toàn lực, huy động nhân lực, tập trung cao nhất đến trực tiếp hiện trường tại khu vực xảy ra thiệt hại để nắm bắt nhanh, chính xác tình hình tổn thất, giám định, tạm ứng bồi thường, bồi thường, nhằm hỗ trợ khách hàng, góp phần nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã bổ sung nhân sự, trực hotline để sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7, nhằm ghi nhận thông báo thiệt hại và tư vấn khách hàng triển khai các thủ tục để được chi trả bồi thường bảo hiểm. Trước khi cơn bão xảy ra, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến cơn bão, bằng nhiều hình thức khác nhau đã liên hệ với nhiều khách hàng để  hướng dẫn khách hàng các biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản để giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Ngân hàng đồng loạt tuyên bố giảm lãi vay với khách hàng bị ảnh hưởng bão, lũ

Theo thống kê ban đầu, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng do bão lũ. Hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng.

Hậu quả cơn bão Yagi để lại vô cùng nặng nề với người dân, doanh nghiệp. Không chỉ tất cả tài sản bị cuốn trôi, nhiều gia đình, doanh nghiệp đang phải đối mặt với gánh nặng nợ ngân hàng.

Ông Vũ Văn Cường, Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) cho biết, gia đình ông bị thiệt hại 14 tỷ đồng do 3 bè cá đã bị bão lũ cuốn trôi. “Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại”, ông Cường nói.

Cùng cảnh ngộ, bà Ngô Thị Thuý - Khu phố Thống Nhất 2, xã Tân An (Quảng Yên, Quảng Ninh) cũng xót xa khi 60 ô cá của gia đình bị thiệt hại do bão, thiệt hại lên tới 12 tỷ đồng.

“Gia đình vay Agribank trên địa bàn 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ chỉ mong ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Thúy mong mỏi.

Trước tình hình thiệt hại của người dân, doanh nghiệp, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, theo uớc tính, có gần 6000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng bởi bão lũ với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.  

Để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.

Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.

Các ngân hàng còn lại trong nhóm big 4 cũng cho biết đang khẩn trương thống kê thiệt hại do bão lũ và lên kế hoạch hỗ trợ. Ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, VietinBank sẽ nhanh chóng đánh giá tổng thể thiệt hại với các khách hàng trong toàn hệ thống để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, VietinBank sẽ đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống".

Tương tự, phía Agribank cũng cho biết sẽ không chỉ giảm và ưu đãi lãi suất mà đang chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo kịp thời. Agribank cũng đã thành lập các đoàn công tác đi thực địa, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ cơ cấu nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ, cho vay mới… nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh.

Ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân như MSB, ACB, VPBank… cũng nhanh chóng vào cuộc giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng.

Cụ thể, MSB tuyên bố giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. ACB quyết định giảm 1-2% lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại trực tiếp từ thiên tai và áp dụng mức lãi suất 6% cho khoản vay mới hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão.  

VPBank cũng tuyên bố giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Cụ thể, các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất. Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ 13/9 đến hết 31/12/2024, áp dụng tại tất cả các tỉnh thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái …  

Hơn 44.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp có nguy cơ chậm trả trong vòng 12 tháng tới

Theo VIS Rating, có khoảng 18% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn 12 tháng tới có nguy cơ chậm trả nợ gốc (khoảng 44.100 tỷ đồng), 76% trong số đó là trái phiếu thuộc nhóm bất động sản nhà ở và xây dựng.

Theo VIS Rating, tỷ lệ trái phiếu chậm trả lũy kế tiếp tục xu hướng giảm kể từ quý I/2024 đến nay. Tính đến ngày 31/8/2024, tỷ lệ trái phiếu chậm trả đang ở mức 14,9% trên tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành.

Tháng 8/2024, chỉ có một trái phiếu doanh nghiệp tổng mệnh giá 450 tỷ đồng công bố chậm trả lãi coupon lần đầu. Trái phiếu này được phát hành bởi Tập đoàn Novaland vào tháng 8/2020 với kỳ hạn 3 năm và đến tháng 07/2023 đã được lùi thời gian đáo hạn một năm. Tuy nhiên trong tháng 7/2024, trái phiếu này tiếp tục được gia hạn thêm một lần nữa đến tháng 8/2025.

Tỉnh chung, tổng số trái phiếu chậm trả phát sinh mới tính từ đầu năm đến cuối tháng 8/2024 là 12.700 tỷ đồng.

Tỷ lệ chậm trả lũy kế vào cuối tháng 8/2024 đã giảm nhẹ xuống còn 14,9% so với 15,1% của tháng trước. Khoảng 63% giá trị trái phiếu chậm trả lũy kế đến từ nhóm bất động sản nhà ở, với tỷ lệ chậm trả lũy kế là 31%.

Đáng chú ý, việc xử lý trái phiếu doanh nghiệp chậm trả đang có những cải thiện. Trong tháng 8/2024, 13 tổ chức phát hành chậm trả thuộc các lĩnh vực bất động sản nhà ở, bán lẻ và nông nghiệp đã hoàn trả tổng cộng 2.400 tỷ đồng tiền gốc cho các trái chủ. Sau khi thanh toán một phần, dư nợ trái phiếu chậm trả còn lại của nhóm các tổ chức phát hành này còn 8.500 tỷ đồng.

Phần lớn các khoản thanh toán nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp chậm trả trong tháng 8/2024 liên quan đến Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản và Vật tư (CAJIMEX). CAJIMEX đã phát hành trái phiếu vào năm 2020 và đáo hạn tháng 12/2026, nhưng sau đó chậm trả lãi coupon lần đầu trong năm 2023. Đến tháng 8/2024, CAJIMEX đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ trái phiếu theo thỏa thuận với các trái chủ.

Trong tổng số 567 trái phiếu chậm trả phát sinh từ năm 2022, 63 trái phiếu đã thanh toán toàn bộ gốc lãi chậm trả cho các trái chủ và 294 trái phiếu đang trong quá trình tái cấu trúc. Tỷ lệ thu hồi chậm trả của các trái phiếu chậm trả đã tăng lên 20,8% vào cuối tháng 8/2024.

Trong tháng 9/2024, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn đạt 24.500 tỷ đồng, cao hơn so với tháng trước là 18.100 tỷ đồng.

“Chúng tôi dự kiến trong số các trái phiếu đáo hạn vào tháng 9/2024, có 1.800 tỷ đồng có nguy cơ chậm trả nợ gốc, phần lớn trong số này đã chậm trả lãi trái phiếu trước đó. Trong vòng 12 tháng tới, chúng tôi ước tính có khoảng 18% trong số 245.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Trong số đó, 76% giá trị trái phiếu rủi ro cao thuộc các công ty trong nhóm ngành Bất động sản Nhà ở và Xây dựng”, VIS Rating nhận định.

Trong tháng 8/2024, lượng phát hành trái phiếu mới tăng lên 57.700 tỷ đồng, từ mức 46.800 tỷ đồng trong tháng 7/2024. Các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 51.300 tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới.  

Không thu hồi nợ bằng mọi cách, phải làm chỗ dựa cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bão

Riêng tại Quảng Ninh và Hải Phòng đã có hơn 26.000 tỷ đồng vốn vay bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú yêu cầu ngành ngân hàng tập trung hỗ trợ, làm chỗ dựa cho khách hàng.

Ngành ngân hàng vừa có buổi làm việc về tình hình thiệt hại của ngân hàng, khách hàng do bão Yagi gây ra tại tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cùng đoàn công tác thăm và động viên một số hộ dân nuôi trồng thuỷ sản tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).
Phó thống đốc Đào Minh Tú cùng đoàn công tác thăm và động viên một số hộ dân nuôi trồng thuỷ sản tại thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Theo phản ánh của các ngân hàng trên địa bàn Quảng Ninh, đến hết ngày 10/9/2024 có tổng số 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3 để lại. Đặc biệt, một số khách hàng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng rất nặng nề (bị trôi dạt mất bè nuôi thủy sản).

Tại Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hải Phòng cho biết, theo báo cáo nhanh về tình hình các khách hàng bị ảnh hưởng sau bão số 3, có tổng số 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão, tập trung vào các ngành nghề như lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại, lĩnh vực cầu cảng, tàu bè đánh bắt thủy hải sản…

Do ảnh hưởng của bão số 3, hầu hết các chi nhánh tổ chức tín dụng và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đều có thiệt hại về cơ sở vật chất như biển hiệu, mái tôn, trần nhà, cửa kính, biển quảng cáo, cửa cuốn, cabin đặt máy giao dịch tự động… bị hư hại.

Không chỉ tại Quảng Ninh, Hải Phòng, bão Yagi gây ra hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền Bắc, khách hàng của nhiều ngân hàng cũng bị thiệt hại nặng nề. Ông Lê Duy Hải, Phó tổng giám đốc VietinBank cho hay, chỉ riêng tại VietinBank, theo thống kê sơ bộ, có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.  

Trước ảnh hưởng nặng nề của bão số 3 đối với người dân, doanh nghiệp, đại diện các ngân hàng cho biết đang nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp để có thể hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn sau bão. Riêng các khách hàng có mua bảo hiểm của ngân hàng, các ngân hàng sẽ nhanh chóng đẩy mạnh

Ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, thời gian qua, ngân hàng liên tục cập nhật thông tin đánh giá về thiệt hại của khách hàng ảnh hưởng bởi bão Yagi và coi đây là nhiệm vụ cấp bách cần được ưu tiên. BIDV đang đánh giá từng trường hợp khách hàng để có phương án cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi…, ban hành gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý, quy mô hợp lý để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp hồi phục sau cơn bão.

Phó thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng nhanh chóng rà soát từng trường hợp khách hàng, làm rõ mức độ thiệt hại, nắm được những nguyện vọng, đề xuất của khách hàng. Đồng thời, trở thành “chỗ dựa” cho doanh nghiệp, không thu nợ bằng mọi cách mà phải linh hoạt, thể hiện trách nhiệm chia sẻ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Bằng thẩm quyền của mình, các chi nhánh cân nhắc xem xét hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng, mạnh dạn cho vay để doanh nghiệp tái sản xuất, kinh doanh, phục hồi…

Đối với hội sở chính của các ngân hàng, Phó thống đốc yêu cầu nhanh chóng cấp kinh phí đủ để chi nhánh khắc phục ngay những tổn thất đã xảy ra, có văn bản chỉ đạo trong toàn hệ thống một cách cụ thể theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, hội sở chính cũng cần xem xét điều chỉnh lại các cơ chế, chính sách, điều chuyển vốn giữa các chi nhánh, kế hoạch chỉ tiêu kinh doanh của chi nhánh, điều chỉnh bớt chỉ tiêu cho chi nhánh khó khăn… Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các hoạt động an sinh xã hội hài hoà, hợp lý.

Về phía các vụ, cục, đơn vị của Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc nhấn mạnh cần tiếp tục theo dõi tình hình, thống kê thiệt hại do bão số 3 gây ra để có bức tranh thiệt hại chung của ngành ngân hàng sớm nhất, từ đó đề xuất các cơ chế liên quan để có thể khắc phục hậu quả của bão lụt.

Lãi suất điều hành chưa “có cửa” giảm thêm

Nền kinh tế mới vừa hồi phục nhưng sức mua còn yếu, cầu tiêu dùng chưa bứt tốc, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khả năng xuất khẩu suy giảm, lạm phát có thể tăng… Đó là những yếu tố khiến lãi suất điều hành của Việt Nam khó có thể tiếp tục giảm.

Xu hướng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu từ giữa năm nay và có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2025-2026. Đáng chú ý nhất là quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể được đưa ra trong phiên họp chính sách tuần tới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khả năng giảm lãi suất điều hành khó có thể xảy ra năm nay.

“Tôi chưa thấy có yếu tố nào ủng hộ cho khả năng lãi suất giảm thêm. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nỗ lực giảm lãi suất tín phiếu và lãi suất thị trường mở, song lãi suất liên ngân hàng vẫn cao, lãi suất trên thị trường dân cư cũng tiếp tục tăng”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Không chỉ tăng lãi suất huy động, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã phát hành hơn 155.000 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn. Theo chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu lớn nhằm huy động vốn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng khi kênh tiền gửi tăng trưởng chưa cân xứng với tín dụng.

Tính tới ngày 7/9/2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 7,15%, cao gấp 3-4 lần tốc độ huy động vốn. Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, Chuyên gia Chiến lược Đầu tư Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) cho rằng, lãi suất tăng chủ yếu do tín dụng hồi phục, không phải do thanh khoản hệ thống có vấn đề.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, những yếu tố nội tại của nền kinh tế khó cho phép NHNN có thể hạ lãi suất điều hành. Tuy vậy, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Shinhan cho rằng, khả năng này có thể xảy ra vào năm tới. 

“Năm 2024, có thể Fed chỉ giảm nhẹ lãi suất, hơn nữa, NHNN đã nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn Fed, nên khả năng từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ ổn định. Tuy nhiên, sang năm 2025, Fed được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất lên tới 1,5%, khi đó NHNN sẽ có dư địa để hạ 0,5-1% lãi suất điều hành trong năm”, chuyên gia phân tích của Shinhan nhận định.

Dù lãi suất điều hành khó giảm, song áp lực với lãi suất đang nhẹ bớt nhờ tỷ giá hạ nhiệt. Theo các chuyên gia, nếu đồng bạc xanh tiếp tục đi xuống, NHNN có thể tăng mua USD để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó bơm thêm tiền đồng ra thị trường.

Riêng với lãi suất cho vay, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, doanh nghiệp chưa cần phải quá lo lắng. Nhiều khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức hiện nay, đặc biệt là lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Nguyên nhân là cầu tín dụng vẫn yếu, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, lãi suất cho vay khó có hy vọng giảm thêm, không chỉ do lãi suất huy động đang tăng, mà còn do nợ xấu phát sinh mới cũng không ngừng tăng cao. 

Ảnh hưởng của cơn bão Yagi cho thấy, rủi ro nợ xấu luôn chờ chực với ngân hàng và người vay. Theo ước tính, các doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường hàng ngàn tỷ đồng cho khách hàng bị thiệt hại bởi cơn bão này. Nguy cơ mất vốn của ngân hàng còn lớn hơn, bởi không phải khoản vay nào cũng được mua bảo hiểm.

Trong giai đoạn này, các ngân hàng - đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước - sẽ phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận (NIM) để hỗ trợ nền kinh tế. Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, NIM hệ thống sẽ thu hẹp từ quý III và giảm mạnh hơn trong quý  IV/2024.

Giới phân tích cũng cho rằng, khả năng mở rộng NIM thời gian tới chỉ còn thuộc về các ngân hàng có lợi thế trong huy động vốn (tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn - CASA cao, đa dạng hóa nguồn vốn qua phát hành giấy tờ có giá, vay vốn nước ngoài...); các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, với nhóm khách hàng có khả năng trả nợ nhanh chóng phục hồi; các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay bán lẻ.

Sự suy giảm NIM sẽ được bù đắp bởi khả năng tín dụng tăng trưởng mạnh trong quý cuối năm, nhờ đó tín dụng cả năm của toàn hệ thống vẫn được kỳ vọng tăng trên 15%. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN tin tưởng, năm nay, tín dụng toàn hệ thống có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Về lãi suất, Phó thống đốc cho rằng, lãi suất huy động tăng, nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại chấp nhận thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Tỷ lệ đặt cược Fed giảm lãi suất 0,5% đã tăng lên 50%

Tỷ lệ đặt cược khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ giảm 0,5% lãi suất đã tăng lên 50% thay vì con số 13% hai ngày trước đây, cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất mạnh tay.

Dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cho thấy, nhà đầu tư đang đặt cược khả năng Fed giảm 0,5% lãi suất trong phiên họp chính sách diễn ra tuần tới. Nếu như ngày 12/9, tỷ lệ đặt cược Fed giảm 0,25% lãi suất lên tới 87%, tỷ lệ đặt Fed giảm 0,5% lãi suất chỉ chiếm 13% thì hiện tỷ lệ đặt cược đã cân bằng (50% cho mỗi khả năng).    

Ngày càng nhiều chuyên gia phân tích dự báo về khả năng Fed cắt giảm sâu lãi suất.  Ông Mark Dowding, giám đốc đầu tư tại RBC BlueBay Asset Management cho rằng, việc Fed giảm 0,5% lãi suất trong tháng 9/2024 trở nên “rất khả thi”. Trước đó,  Financial Times và Wall Street Journal đưa tin rằng Fed đang phải đứng trước lựa chọn khó khăn giữa giảm 0,25% hay 0,5% lãi suất.

Ngày hôm qua (13/9), cựu chủ tịch Fed New York Bill Dudley cũng nhận định lạc quan về khả năng giảm lãi suất 0,5% trong phiên họp chính sách tuần tới của Fed. Hiện tại, lãi suất của Fed đang ở mức 5,25-5,5% - mức cao nhất trong 23 năm. 

Trao đổi với báo Điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, khả năng Fed giảm lãi suất trong phiên họp chính sách tuần tới đã lên tới 100%, song chưa chắc chắn khả năng giảm 0,25% hay 0,5%. Trước đó, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ, Canada cũng có động thái giảm lãi suất.

Việc Fed hạ lãi suất sẽ liên quan mật thiết đến chỉ số USD – Index, nhiều người cho rằng, chỉ số này sẽ hạ nhiệt mạnh thời gian tới. Tuy vậy, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, mốc 100 điểm của USD – Index khá “cứng” và chỉ số này có thể sẽ không giảm mạnh như kỳ vọng.

“Chúng ta thấy, nửa đầu năm nay kỳ vọng Fed hạ lãi suất nhưng 7 tháng đầu năm chỉ số USD - Index tăng liên tục, mới giảm trở lại đầu quý III, có nghĩa là kỳ vọng này đã phản ánh vào giá, nên khi Fed hạ lãi suất có thể phản ứng ngược trở lại. Bên cạnh đó, để nắm được xu hướng giá đồng bạc xanh, ngoài quan tâm đến hành động của Fed chúng ta phải theo dõi động thái của các NHTW lớn khác. Nếu Fed hạ lãi suất, nhưng các NHTW lớn lại có tốc độ hạ lãi suất nhanh hơn Fed, đồng USD lại tăng, khi đó sẽ tác động tiêu cực ngược trở lại. Đấy chỉ là tình huống xấu đặt ra”, ông Khánh phân tích.

Riêng tại Việt tác động lớn nhất của việc Fed hạ lãi suất tới nền kinh tế là áp lực tỷ giá giảm. Tỷ giá trên thị trường tự do từ đỉnh 26.000 đồng/USD giảm còn 25.000 đồng/USD.

“Điều hành tỷ giá ở Việt Nam rất tốt, mức mất giá luôn thấp so với khu vực. Các doanh nghiệp cũng ít khi than phiền về tỷ giá. Theo tôi tỷ giá trong nước trong thời gian tới sẽ bớt nóng do NHNN đã có kinh nghiệm điều hành về vấn đề này. Áp lực tỷ giá giảm sẽ tạo thêm dư địa để cơ quan điều hành ổn định mặt bằng lãi suất”, chuyên gia nhận định.

Thời tiền rẻ chưa tới, đừng mơ các lớp tài sản “phi nước đại”

Dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ngân hàng trung ương nhiều quốc gia đã, đang và sắp hạ lãi suất, song thời kỳ tiền rẻ - yếu tố kéo các lớp tài sản tăng giá năm 2021 - chưa tới. 

Quyết định về lãi suất của Fed sẽ được đưa ra sau một tuần nữa. Hiện tại, công cụ FedWatch của CME Group cho thấy, có 73% khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm cơ bản trong phiên họp chính sách diễn ra tháng 9 này.

Giới chuyên gia kỳ vọng, chu kỳ hạ lãi suất của Fed bắt đầu từ tháng 9 sẽ giúp nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, tức giúp lạm phát giảm mà nền kinh tế không rơi vào suy thoái.

Mặc dù số liệu việc làm của Mỹ cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng lên, song ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, xác suất suy thoái của Mỹ là cực nhỏ. Dù tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại, song chỉ số tiêu dùng vẫn tốt. Tỷ lệ thất nghiệp tuy tăng lên, nhưng vẫn ở mức dưới 5% - là tỷ lệ “hoàng kim” của nền kinh tế Mỹ.

“Trong vòng 50 năm qua, kinh tế Mỹ vẫn đang trong giai đoạn hoàng kim nhất và để rớt xuống mức suy thoái là khó”, ông Khánh nhận định.

Tương tự, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia Chiến lược Đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research) cho rằng, với chỉ số tiêu dùng hiện nay, nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ hạ cánh mềm. Chỉ khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng nhanh, tiêu dùng giảm, thì nền kinh tế mới hạ cánh cứng, rơi vào suy thoái.

Theo giới chuyên gia, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ giai đoạn vừa qua là sự tăng trưởng của tiêu dùng. Trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiết kiệm của người dân là dưới 10%, tăng lên 26-33% giai đoạn 2020-2021, nhưng giảm rất nhanh giai đoạn 2022-2023. Tức là người dân đang tiêu xài gần hết số tiết kiệm trước đó và việc tăng tiêu dùng giai đoạn tới phụ thuộc rất lớn vào thu nhập hiện tại cũng như tương lai.

Trong bối cảnh khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ chưa chắc chắn, các chuyên gia không nghi ngờ khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng 9 này. Không chỉ Fed, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có khả năng tiếp tục hạ lãi suất, bởi nền kinh tế Eurozone đuối sức. Trước đó, các ngân hàng trung ương Canada, Thụy Sỹ… đã cắt giảm lãi suất điều hành.

Mặc dù xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương đang diễn ra mạnh mẽ và khả năng sẽ kéo dài đến năm 2026, song ông Phan Dũng Khánh cảnh báo, nhà đầu tư cần tỉnh táo, bởi kỷ nguyên tiền rẻ chưa bắt đầu. Nguyên nhân là lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương châu Âu, Mỹ vẫn còn cao hơn rất nhiều so với lãi suất trung tính (khoảng 2,5-3%). Để kỷ nguyên tiền rẻ bắt đầu, lãi suất của các ngân hàng trung ương phải kéo giảm về dưới mức này - tức phải giảm 50% lãi suất hiện hành.

“Kỳ vọng kỷ nguyên tiền rẻ quay lại để kích hoạt thị trường tài chính, khiến thị trường tài sản ‘phi như điện’ là rất khó, nhất là trong bối cảnh nhiều lớp tài sản như chứng khoán, vàng, tài sản số… đều đang ở đỉnh như hiện nay”, ông Phan Dũng Khánh cảnh báo. 

Theo báo cáo của SSI Research, dòng tiền đầu tư trên toàn cầu có dấu hiệu thận trọng hơn, đặc biệt là dòng tiền đầu tư vào các quỹ cổ phiếu trước các dấu hiệu kém tích cực về kinh tế Mỹ. Nỗi lo suy thoái khiến nhà đầu tăng tỷ trọng phân bổ vốn vào các quỹ trái phiếu. Tính chung 8 tháng đầu năm, tỷ trọng phân bổ cổ phiếu và trái phiếu khá cân bằng, nhằm chuẩn bị cho cả hai kịch bản suy thoái hay kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”.

“Nhìn chung, tâm lý đầu tư bắt đầu ở trạng thái thận trọng hơn. Khảo sát từ Bank of America  cho thấy tâm lý lạc quan ở các nhà quản lỹ quỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua và tỷ trọng tiền mặt đã tăng nhẹ lên 4,3% - từ mức 4% của tháng 6”, SSI Research cho biết. 

Với tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư, giới chuyên gia cho rằng, không có chuyện dòng tiền sẽ ào ào chảy vào các kênh tài sản trong thời gian tới. 

Với riêng thị trường Việt Nam, theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, việc Fed hạ lãi suất sẽ không tác động trực tiếp đến lãi suất, cũng không ảnh hưởng đến các lớp tài sản đầu tư. Fed hạ lãi suất sẽ tạo điều kiện cho chính sách điều hành ở Việt Nam ổn định, theo đó, lãi suất sẽ nằm trong vùng hiện tại, hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Theo phân tích của các chuyên gia, tác động lớn nhất của việc Fed hạ lãi suất là áp lực tỷ giá với thị trường trong nước sẽ giảm, tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn. Tất nhiên, khả năng USD sẽ khó hạ sâu vì mốc 100 điểm của USD Index là ngưỡng hỗ trợ rất cứng. Thậm chí, nếu ngân hàng trung ương các nước hạ lãi suất nhanh và mạnh nhiều hơn Fed, Chỉ số USD Index thậm chí còn có nguy cơ tăng. Theo đó, lãi suất cũng sẽ khó giảm hơn nữa, song áp lực tỷ giá giảm sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ổn định lãi suất thấp như hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế.

Ở chiều ngược lại, tác động tiêu cực mà quyết định Fed giảm lãi suất có thể mang lại là xuất khẩu suy yếu, ảnh hưởng tới sự phục hồi sản xuất và tiêu dùng trong nước. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiêu dùng 8 tháng đầu năm vẫn chưa có sự bứt phá.

Trong bối cảnh thị trường hiện tại, đứng ở góc độ cố vấn tài chính, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, Đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) khuyến nghị nhà đầu tư nên chọn đầu tư vào nhiều lớp tài sản để phân bổ rủi ro. Riêng danh mục đầu tư của AFA, ông Tuấn cho biết, vẫn giành 55% tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu, giảm tỷ trọng đầu tư vào vàng.

Triển vọng của vàng khi Fed giảm lãi suất USD

Sau khi đạt 2.500 USD/ounce vào trung tuần tháng 8/2024, giá vàng tiếp tục giữ mức cao sau khi Mỹ công bố dữ liệu thị trường nhà ở thấp hơn kỳ vọng. Vàng kỳ hạn tháng 12/2024 chốt tuần ở mức hơn 2.537 USD/ounce. Kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News cho thấy, phần lớn các chuyên gia, nhà đầu tư bán lẻ tin rằng, giá vàng sắp tới có thể vượt qua mức cao nhất mọi thời đại vừa đạt được.

Theo một chuyên gia lĩnh vực vàng, khi giá vàng đã vượt 2.500 USD/ounce, các nhà giao dịch muốn chờ cơ hội giá giảm để lập tức mua vào. Hiện sẽ không nhiều nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn khi giá vàng ở mức trên, nhưng tương lai không xa, vàng được đánh giá có triển vọng tăng giá.

Giới phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư cá nhân kỳ vọng, giá vàng tiếp tục tăng sau khi lập kỷ lục ở mức trên. Thị trường vàng hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp, nếu Fed giảm lãi suất USD cuối năm. Nhu cầu “trú ẩn” cũng tăng cao gần đây trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông leo thang và chiến sự Nga - Ukraine tiếp diễn.

Ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, ngân hàng UOB cho rằng, kể từ khi bứt phá liên tục trên mức 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2023, giá vàng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo còn tăng trong thời gian tới. Bất ổn địa chính trị thúc đẩy hoạt động mua vàng như một nơi trú ẩn an toàn.

Theo ông Heng Koon How, vàng cho thấy tiềm năng tươi sáng, giá vàng có thể tăng lên 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025 và có khả năng đạt 3.000 USD/ounce trong thời gian dài sau đó. Hai yếu tố chính góp phần vào xu hướng trên kể từ cuối năm ngoái là nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và động thái mua mạnh của các ngân hàng trung ương.

UOB vẫn kỳ vọng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm nay. Một khi Fed cắt giảm lãi suất, thì sức khỏe USD sẽ giảm. Khi USD giảm, thì giá vàng sẽ được hỗ trợ tăng cao. Đồng thời, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu mua vàng, là một trong những yếu tố tác động lên giá vàng. 

Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong quý II/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.258 tấn. Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động, tăng 53%, lên 329 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại WGC cho biết, nhu cầu từ thị trường OTC tăng, hoạt động mua vào liên tục từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chậm lại đã thúc đẩy giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong quý II/2024.

Theo đó, WGC cho biết, nhu cầu vàng của khối ngân hàng trung ương đạt tổng cộng 183 tấn trong quý II/2024, thấp hơn 39% so với quý I, nhưng vẫn tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng vàng mua vào trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 483 tấn, tăng 5% so với mức kỷ lục 460 tấn ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023.

Các nhà phân tích cho biết, họ nhận thấy ba yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng của giá vàng trong 12 tháng, với trụ cột hỗ trợ đầu tiên đến từ việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất USD. Dù Fed không muốn sớm phát tín hiệu cắt giảm lãi suất do lạm phát vẫn tăng cao, nhưng UBS cho biết, việc lãi suất bắt đầu giảm chỉ là vấn đề thời gian.

Yếu tố thứ hai sẽ hỗ trợ giá vàng là nhu cầu tiếp tục mua vàng từ các ngân hàng trung ương. Các nhà phân tích kỳ vọng, lượng mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ đạt mức gần kỷ lục khác trong năm nay. Dữ liệu từ WGC cho thấy, dự trữ vàng chính thức đã tăng hơn 1.000 tấn/năm trong hai năm qua.

Một khi căng thẳng địa chính trị chưa giảm nhiệt, kỳ vọng cắt giảm lãi suất USD, lực mua vào của các ngân hàng trung ương tiếp diễn, giá vàng được dự báo vẫn theo xu hướng đi lên mốc mới trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường vàng cũng sẽ chịu tác động trước bất kỳ thay đổi chính sách liên quan tiềm năng nào.

Thị trường vàng trong nước hiện được kiểm soát và độc quyền vàng miếng SJC, nên rủi ro cao. Các chuyên gia của UOB cho rằng, việc điều tiết giá vàng nội địa liên quan đến việc cho phép bán vàng ra thị trường, do đó nguồn cung được phần nào giải quyết và đáp ứng tốt cầu.

Do hiện thị trường vàng trong nước không liên thông với giá quốc tế, nên nhiều thời điểm giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá quốc tế. Đặc biệt, khi NHNN có các biện pháp can thiệp thị trường vàng, khả năng giá vàng trong nước sẽ không còn chênh lệch khá xa so với giá quốc tế.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tỷ suất sinh lời của vàng trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,63%/năm - đây là mức thấp và rủi ro, nên cần cân nhắc khi xuống tiền. Vàng cũng là một kênh đầu tư khá rủi ro, nếu nhà đầu tư không có kiến thức về thị trường. Các nhà phân tích tài chính - kinh tế khuyến nghị danh mục đầu tư với kim loại quý này không nên quá 10%.

Một lời khuyên nữa với nhà đầu tư, theo ông Phan Dũng Khánh, là phải biết quan sát và lần theo xu hướng thị trường, dấu chân dòng tiền, đặc biệt là dấu chân của các “cá mập”. Nguyên tắc này áp dụng trong mọi kênh đầu tư, kể cả chứng khoán, vàng, bất động sản hay trái phiếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư