Chủ Nhật, Ngày 11 tháng 05 năm 2025,
Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững
Thanh Thu - 17/12/2019 22:01
 
Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực tham gia các Hiệp ước môi trường đa phương trong đó có các hiệp ước liên quan đến vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Nhằm thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên biển, hải đảo. Trước hết, đó là các luật như Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT), Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản, cùng hàng loạt các văn bản hướng dẫn việc thực hiện chi tiết các luật này.

Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT và các văn bản như Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH), Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020… đã đặt ra nhiều mục tiêu phù hợp với mục tiêu Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững, góp phần xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa; nhân rộng các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng; phục hồi; tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; xây dựng và thiết lập cơ chế, chính sách quản lý khai thác thủy sản nội địa và quản lý nghề cá theo hướng bền vững và hiệu quả.

Các nội dung về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), Việt Nam đã luật hóa trong Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua vào ngày 21/11/2017, đồng thời cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025.

Tuy nhiên, Theo Báo cáo “Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam” của Chính phủ Việt Nam, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu những văn bản chuyên biệt quy định một cách hệ thống đối với vấn đề quản lý và kiểm soát chất thải trên biển. Việc quản lý ĐDSH biển nói riêng còn có những quy định trùng lặp, chồng chéo thậm chí mâu thuẫn. Chính sách, thể chế quản lý nghề cá hiện còn nhiều bất cập; việc thực thi pháp luật có hiệu quả chưa cao; năng lực kiểm soát sản lượng lên bến, chứng nhận xuất xứ sản phẩm thủy sản khai thác chưa hiệu quả. 

Theo Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện, Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả chính trong thực hiện mục tiêu Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững.

Cụ thể, Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện việc kiểm soát ô nhiễm biển, quản lý và bảo vệ hệ sinh thái biển và ven biển và khai thác, phát triển thủy sản theo các mục tiêu đưa ra trong các văn bản chiến lược, chính sách.

Chất lượng nước biển ven bờ cũng như biển khơi vẫn còn khá tốt, nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị ô nhiễm vì khu vực cửa sông, ven bờ vẫn tiếp nhận chất thải cư dân và hoạt động sản xuất. Công tác điều tra, nghiên cứu, đánh giá ĐDSH tại các vùng biển, đảo Việt Nam đã được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy hệ sinh thái thảm cỏ biển đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái với khoảng 100 loài sinh vật biển có nguy cơ đe dọa và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN) để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ (năm 2015).

Ngoài ra, Việt Nam đã thành lập được 10 khu bảo tồn biển. Tổng diện tích các khu bảo tồn biển Việt Nam được quy hoạch là hơn 270.000ha, chiếm khoảng 0,24% tổng diện tích vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, với tốc độ thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn như hiện nay, việc đạt được mục tiêu của quy hoạch cũng còn nhiều khó khăn.

Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện cũng cho biết, đối với các khu bảo tồn biển đã thành lập, việc duy trì hoạt động cũng là thách thức lớn bởi nguồn tài chính hạn chế. Có khoảng trên 70% số lượng tàu thuyền ở Việt Nam hoạt động chủ yếu ở vùng nước ven bờ, chiếm khoảng 35% tổng lượng khai thác hải sản.

Tuy nhiên, vùng này chỉ chiếm 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế trong khi đây chính là vùng khai thác truyền thống của Việt Nam nên luôn bị quá mức và sức ép khai thác ở vùng này vẫn ngày một gia tăng. Số lượng tàu thuyền quá đông, tình trạng tự do tham gia đánh bắt của các tàu cỡ nhỏ, việc không kiểm soát được sự gia tăng của số lượng tàu thuyền nên đã xảy ra sự mất cân đối giữa năng lực khai thác và khả năng của nguồn lợi. Vì vậy, hiệu quả kinh tế của các hoạt động khai thác ngày càng giảm dần.

Mặc dù tổng sản lượng khai thác biển tăng liên tục từ 2.220 nghìn tấn năm 2010 lên 3.191 nghìn tấn năm 2017, nhưng năng suất bình quân lại thể hiện khuynh hướng giảm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư