Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về tàu mẫu tuyến Cát Linh - Hà Đông
Anh Minh - 28/10/2015 14:26
 
Đoàn tàu mẫu tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ trưng bày lấy ý kiến góp ý của nhân dân trong vòng 1 tháng từ 29/10 đến ngày 30/11/2015.
Năng lực vận chuyển của tuyến Cát Linh - Hà Đông tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng
Năng lực vận chuyển của tuyến Cát Linh - Hà Đông tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng

 

Sẽ mua 13 đoàn tàu cho tuyến Cát Linh – Hà Đông

Vị trí trưng bày đoàn tàu được Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) chọn là sân trước nhà A1, khu vực cạnh đài phun nước - Trung tâm triển lãm Giảng Võ (nay là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam), số 148 Giảng Võ - Quận Ba Đình - Thành phố Hà Nội.

Nhân dân có thể thăm quan từ 08h00 đến 12h00 (sáng) và từ 13h00 đến 17h00 (chiều) các ngày trong tuần.

“Trong thời gian trưng bày, khách thăm quan được phát phiếu thăm dò ý kiến để Chủ đầu tư/Ban QLDA Dường sắt, Tổng thầu EPC và Nhà sản xuất đoàn tàu tiếp thu xem xét chỉnh sửa phù hợp hơn trong quá trình sản xuất chế tạo đoàn tàu khai thác tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của chuẩn tàu đã được phê duyệt”, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt cho biết.

Được biết, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ tiến hành mua sắm 13 đoàn tàu (52 toa xe) chuẩn B1 với cấu thành 4 toa xe/1 đoàn tàu. Chiều dài đoàn tàu là 79m; Chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu là 3,8m; Độ rộng lớn nhất toa tàu là 2,8m; Chiều cao giữa phía trong toa tàu là 2,1 m và chiều cao nhỏ nhất khu vực khách đứng 1,9m (cửa ghép nối toa); Tải trọng trục: ≤ 14 tấn/trục; Tốc độ tối đa 80 km/h và tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/h; mỗi một đoàn tàu được lắp đặt 8 động cơ xoay chiều 3 pha, 380 V, 50Hz, với công suất 190kW/ động cơ cùng 2 điều hòa thông gió một chiều lạnh cho mỗi toa.

Số lượng hành khách một đoàn tàu có thể chuyên chở là 960 người (tối đa 1.326 người), vận hành với tần suất 5-6 phút/chuyến với năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng.

Liên quan tới phương án thiết kế ngoại thất và nội thất đoàn tàu do nhà sản xuất đoàn tàu (Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh) thiết kế đề xuất, chủ đầu tư cho biết là trên cơ sở nghiên cứu các phương án thiết kế do Tổng thầu trình nộp kết hợp với việc lựa chọn các phương án thiết kế ngoại thất, nội thất phù hợp với nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam và của Hà Nội, Chủ đầu tư đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan như TP Hà Nội, Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội… và các bên thống nhất lựa chọn phương án thiết kế ngoại thất, nội thất đoàn tàu như sau:

Đối với thiết kế ngoại thất, đầu tàu được lựa chọn hình dạng đầu tàu vát, gần với hình dạng khí động học, hiện đại, năng động thường thấy ở các đoàn tàu tốc độ cao; kính chắn gió, cửa sổ trong hài hòa cùng dải tàu xuyên suốt đoàn tàu, tạo dáng vẻ hiện đại, nhanh nhẹn, năng động nhưng vẫn lịch lãm, thích hợp với phong cách, bản sắc văn hóa của thủ đô văn hiến;

Do đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội, do vậy, để thể hiện nét đặc trưng văn hóa của thành phố Hà Nội, họa tiết trang trí được lựa chọn là biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu, tại vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh – Hà Đông thể hiện điểm đầu – điểm cuối của tuyến ĐSĐT trình bày trên nền sơn phủ kín đầu trước tạo vẻ trang nghiêm; không đánh số tuyến để tránh phức tạp trong việc quy hoạch các tuyến khác của Hà Nội (tương lai có thể không sử dụng cách thức đánh số cho các tuyến).

Phía trong toa tàu
Phía trong toa tàu

Đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ, sạch sẽ mà không quá bóng bẩy. Chỉ trang trí họa tiết đầu tàu và dải tàu chỉ thị của tuyến đường sắt đô thị. Đoàn tầu sử dụng màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây tươi sáng tạo cảm giác trẻ trung, năng động nhưng thân thiện với thiên nhiên, môi trường, thể hiện xu hướng hài hòa với thiên nhiên; Hà Nội đã là thành phố vì hòa bình nay thêm phần thân thiện, bền vững. Cản trước có thiết kế hình khối cong mềm, gọn gàng, khỏe mạnh, hài hòa với hình dạng đầu tàu; Đèn pha đầu tàu là oại đèn kép 3 (đèn chiếu gần, đèn chiếu xa, đèn đỏ ở đuôi tàu) bố trí đứng dọc theo viền cạnh đầu tàu, mang dáng vẻ vững chãi, hiện đại nhưng vẫn hài hòa với vẻ trang nghiêm của đầu tàu.

Đối với thiết kế nội thất, kết cấu tay vịn, cột lựa chọn phương án bố trí hai hàng cột cong về phía giữa toa tàu, người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột; hàng cột giữa dọc theo lối đi giữa toa và cột ngang tại hai phía của ghế cho phép hành khách đứng bám ổn định khi đông khách trên toa đảm bảo làm không gian toa tàu rộng rãi và có tính thẩm mĩ; Tấm ốp đầu ghế ngồi được lựa chọn tấm ốp có hình dáng khỏe khoắn, có màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây theo tàu ngoại thất; Ghế ngồi sử dụng vật liệu Composite có độ bền chắc cao, tạo cảm giác ngồi thuận lợi cho hành khách, đặc biệt tránh được cảm giác lạnh khi ngồi vào mùa đông. Bố trí dãy ghế dài dọc vách toa, dưới cửa sổ, giữa toa là lối đi hoặc chỗ đứng cho hành khách. Tại hai đầu của mỗi toa có bố trí hai dãy ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai, người tàn tật; Tại hai đầu của toa xe có động lực sẽ bố trí khu vực dành cho xe lăn.

Màu sắc chủ đạo của nội thất là màu ghi sáng, các tấm ốp đầu ghế, các tay vịn cho khách đứng trên toa đươck sử dụng màu xanh lá cây; tổng thể nội thất chung trong toa (tàu ghế, trần, vách đứng, cửa) lựa chọn màu ghi sáng, tạo cảm giác sáng, sạch sẽ, văn minh bên trong toa.

Các toa tàu cũng được gắn bản đồ dạng đèn LED bố trí phía trên các cửa lên xuống, hiển thị rõ ràng, hiện đại thể hiện các thông tin thuận tiện cho hành khách đi tàu (ga sắp đến, ga đang dừng, bản đồ tuyến, thời gian, phía cửa mở…).

Cửa lên xuống
Cửa lên xuống

Theo ông Thành, để kịp thời thông tin đến nhân dân về trực quan phương án thiết kế ngoại thất, nội thất của đoàn tàu… Chủ đầu tư đã lựa chọn địa điểm trưng bày tàu mẫu tại vị trí trung tâm Thủ đô nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tham quan mô hình tàu mẫu.

“Trong thời gian trưng bày, khách thăm quan được phát phiếu thăm dò ý kiến để Chủ đầu tư/Ban QLDA Dường sắt, Tổng thầu EPC và Nhà sản xuất đoàn tàu tiếp thu xem xét chỉnh sửa phù hợp hơn trong quá trình sản xuất chế tạo đoàn tàu khai thác tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của chuẩn tàu đã được phê duyệt”, ông Thành cho biết.

Cuối tháng 6/2016 phải khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Đây là chỉ đạo mới nhất của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đối với tổng thầu thi công Dự án đường sắt đô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư