Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bật mí về vật chứng ụ nổi 83M
Tú Ân - 26/04/2014 06:22
 
Trong phiên xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng vất đề giá trị, nguồn gốc, định giá, xử lý vật chứng của vụ án là ụ nổi 83M được các bên quan tâm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vì sao hoãn tuyến án Dương Chí Dũng?
Phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng: Trách nhiệm trong việc mua ụ nổi 83M
Xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng
Thuộc cấp đổ lỗi vì Dương Chí Dũng mà vướng vòng lao lý
Nhận 10 tỷ đồng hối lộ, Dương Chí Dũng chỉ nói "cám ơn em"
Dương Chí Dũng lộ mâu thuẫn với tổng giám đốc
An ninh nghiêm ngặt tại phiên xét xử Dương Chí Dũng
Xét xử vụ Dương Chí Dũng mua "sắt vụn" triệu đô

Bán ụ nổi 83M bằng giá sắt vụn vẫn lỗ!

Tại phiên tòa phúc thẩm, khi Hội đồng Xét xử thẩm vấn đại diện Tổng Cty Hàng hải Việt Nam liên quan đến các phương án giải quyết ụ nổi 83M (kinh doanh, khai thác, và thanh lý ụ).

Đại diện Vinalines xác nhận từng có văn bản gửi lên Bộ GTVT để báo cáo các nội dung này. Nhằm làm rõ các khoản chi phí liên quan đến công tác duy trì, bảo dưỡng ụ nổi 83M, một thành viên HĐXX lên tiếng: “Thế mỗi tháng, Tổng Cty phải chi phí hết bao nhiêu?” - “Dạ, khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng ạ” – vị đại diện Vinalines nói.

Cũng theo xác nhận của đại diện Vinalines, nếu bán dạng sắt vụn ụ nổi 83M sẽ được khoảng 49 tỷ (cân lên, bán theo giá thị trường, đã bao gồm công tháo dỡ).

Còn theo Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, hiện nay thiệt hại từ việc mua ụ nổi của Vinalines đã hơn 500 tỷ đồng,  Tuy tốn kém không nhỏ nhưng vì đây là tang vật vụ án nên ụ nổi này cũng chưa thể bán để thu hồi vốn dù tổng khoản nợ cho chi phí neo đậu lên đến 23,8 tỷ đồng.

Hội đồng Xét xử nhận định, ụ nổi bây giờ là “cục sắt vụn”, hư hỏng nặng, gây ô nhiễm, nếu tháo ra bán sắt vụn thì chi phí để tháo dỡ ra có khi còn cao hơn nhiều lần chi phí bán!

Những bí mật về ụ nổi 83M

Ụ nổi 83M được "khai sinh" bởi MHI tức Mitsubishi Heavy Industries. MHI là tập đoàn đi tiên phong tại nước Nhật với nghề đóng tàu chuyển dần trục từ châu Âu sang Đông Á. Dân ta ai cũng biết Mitsubishi với chiếc máy khâu bền tốt nhưng ít ai biết đó là một tổ hợp công nghiệp, có cả vũ trụ, quân sự.

  Ụ nổi 83M  
  Không những mua đắt, không sử dụng được, đến nay ụ nổi 83M vẫn phải mất 800 triệu - 1 tỷ đồng/tháng để duy trì.  

Vào năm 1965, MHI đã đóng cho Liên Xô chiếc ụ nổi 25.000 tấn tại Yokohama. Sau khi đóng xong, nó được kéo vượt biển Nhật Bản trong một hành trình dài 1.000 km. Đó là một đoạn hành trình ngắn trong hai lần di chuyển trong đời. Lần từ Nhật về "nhà chồng" tự đi với tàu kéo phía trước và lần thứ hai từ nơi trưởng thành về Việt Nam để dưỡng lão, với chặng đường dài gấp 5 lần

Theo KS Đỗ Thái Bình - Hội Hải dương học Việt Nam, Trường đại học kỹ thuật quốc gia Viễn Đông (DVGTU) có Tiến sĩ Khoa học chuyên về kết cấu thân tàu có tên là Kulesh V.A đã có nhiều nghiên cứu chuyên về chiếc ụ này và còn dùng chiếc ụ này để làm đề tài đào tạo được một ông tiến sĩ (candidat) có tên là Vorontsov I.A.

"Những tài liệu này công khai trên mạng, bấm vào liên kết này và đọc nó ta hình dung được đầy đủ tình hình chiếc ụ này chẳng cần phải hỏi ông Đăng kiểm Việt Nam đi nghiên cứu về bình luận ra sao", ông Bình cho hay.

Báo cáo nghiên cứu giành học vị Tiến sĩ của Vorontsov có đầu đề "Thiết kế và chẩn đoán kỹ thuật các ụ nổi bằng thép có tính đến độ tin cậy và giới hạn vận hành" viết năm 2001 nhằm nghiên cứu các ụ nổi thép nói chung, trong đó lấy dẫn chứng thực tế từ 3 ụ nổi,đặc biệt là chiếc 83M của nhà máy sửa chữa tàu Nakhodka.

Báo cáo có dẫn chứng hồ sơ nguyên gốc của MHI cho biết 83M là số chế tạo của ụ nổi. Kích thước trong lòng ụ là: dài 171 mét x 30 mét đủ để nhận những con tàu dài 180 mét, rộng 28 mét với mớn nước 7 mét.

Ụ có hai cẩu sức nâng mỗi chiếc 15 tấn. Kết cấu của ụ giống kết cấu tàu dầu theo hệ thống dọc với các khung khỏe hướng dọc. Ngoài việc phải làm việc cật lực trong khi nâng hạ tàu vào sửa chữa, ụ còn gặp một số tai nạn. Ngày 1/4/1998 trong khi nâng ba chiếc tàu kéo, mỗi chiếc có trọng lượng 1000 tấn  vào ụ tại làm biến  dạng dư tới 1 mét, kéo dài 1-2 sườn khỏe.

Nguyên nhân của tai nạn là do hệ thống đo nước ballast không làm việc; không kiểm tra độ võng của ụ. Chính Tiến sĩ khoa học Kulesh V.A đã tiến hành khảo sát ngay sau tai nạn và trong nghiên cứu của Vorontsov đã chỉ rõ sức bền tổng thể của tàu đã bị xâm phạm vì tính toàn vẹn của cơ cấu dọc không còn đảm bảo, sức bền cục bộ cũng rất kém với tình trạng gỉ mòn nghiêm trọng.

Bản nghiên cứu cũng đề ra các biện pháp: giảm sức nâng không còn là 25.000 tấn nữa, giảm chu kỳ làm việc tức là một năm chỉ cho nâng hạ tàu vài lần và giảm độ sâu cho đánh chìm (điều này là tất nhiên khi đã giảm sức nâng ).

Dựa trên kết quả nghiên cứu này, Đăng Kiểm Nga quyết định không cấp phép cho ụ nổi này nữa vào năm 2006. Nhà máy còn có một Đăng Kiểm nữa là Đăng Kiểm Na Uy DNV đang làm việc với các dự án đầy tham vọng với Nhật và phương Tây. Tất nhiên họ chỉ coi cái ụ này là đống sắt vụn !

83M giá 2,3 triệu USD, Vinalines bỏ 9 triệu ra mua!

Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008, thông qua việc mua ụ nổi 83M với Công ty AP - Singapore , Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước, làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, điều kiện nhập khẩu tàu biển, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại… Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 366.930.032.432 đồng.

Quá trình tổ chức chào hàng cạnh tranh, lựa chọn nhà thầu cung cấp ụ nổi, Vinalines không có thư thông báo mời thầu nhưng có hai công ty gửi thư chào bán, gồm: Công ty AP - Singapore chào bán ụ nổi 220 sản xuất năm 1969 tại Thụy Điển và ụ nổi Dock No 83M; Công ty môi giới Mega Marine LLC/USA chào bán ụ nổi 194M sản xuất năm 1988 tại Nam Tư. Khi tổ chức khảo sát, Vinalines không khảo sát ụ nổi 194M mà chỉ khảo sát ụ nổi 220 và 83M do Công ty AP chào bán.

Để kiểm tra và xác nhận trạng thái kỹ thuật, ngày 27/7/2007, Phúc đã ký quyết định thành lập đoàn khảo sát gồm: Chiều, Khang, Sơn, Dương và một phiên dịch tiếng Nga cùng tiến hành khảo sát trình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại cảng Nakhodka, Liên bang Nga.

Từ ngày 2 đến ngày 5/8/2007, đoàn khảo sát với những thành phần trên không tiến hành làm việc với đại diện Nhà máy Nakhodka mà chỉ tiếp xúc, giao dịch với Giám đốc Công ty AP. Qua khảo sát, các thành viên đều biết chủ sở hữu ụ nổi 83M là Công ty Nakhodka; Công ty AP chỉ là nhà môi giới; ụ nổi 83M được sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản, bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị Đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006.

Công ty Nakhodka (Liên bang Nga) là chủ sở hữu đưa ra giá để đàm phán là dưới 5 triệu USD. Khi về Việt Nam, Chiều và Sơn trực tiếp đến gặp Dũng và Phúc để báo cáo các thông tin trên, nhưng Dũng và Phúc vẫn chỉ đạo, phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua Công ty AP - Singapore, không mua trực tiếp của Công ty Nakhodka.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Dũng và Phúc, Chiều và Sơn đã gặp Dương đề nghị giúp Vinalines hợp thức thủ tục mua ụ nổi 83M. Do vậy, Dương đã lập biên bản kiểm tra giám định có nội dung không đúng thực tế tình trạng kỹ thuật ụ nổi, không ghi rõ ụ nổi ở trạng thái xấu, không hoạt động được.

Trên cơ sở biên bản kiểm tra giám định này, Chiều yêu cầu Sơn và Khang lập báo cáo kế quả khảo sát gửi Dũng và Phúc, trong đó có nội dung: Nhà máy đang sửa chữa một con tàu, đoàn chứng kiến việc ụ hạ thủy, nổi lên… ụ nổi ở trạng thái hoạt động bình thường; Công ty AP – Singapore là người bán ụ…, đồng thời không phản ánh việc Công ty Nakhodka chào bán ụ 83M với giá dưới 5 triệu USD.

Điều nghiêm trọng là tuy biết được giá chào bán ụ nổi 83M của Công ty Nakhodka là dưới 5 triệu USD, nhưng ngày 15/2/2008, Dũng vẫn ký quyết định mua ụ nổi 83M của Công ty AP - Singapore với giá mua là 9 triệu USD. Trước khi Vinalines ký hợp đồng mua ụ nổi 83M giá 9 triệu USD với Công ty AP thì ngày 28/2/2008, Công ty Nakhodka và Công ty AP ký hợp đồng số 01-08 mua bán ụ nổi 83M với giá 2,3 triệu USD.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư