Bất động sản kho vận và logistic: Cuộc rượt đuổi của nhà đầu tư ngoại
Bích Ngọc - 08/04/2022 08:15
 
Thị trường bất động sản kho vận và logistics Việt Nam đang chứng kiến cuộc rượt đuổi của các nhà phát triển quốc tế với các kế hoạch tỷ USD và hàng loạt dự án M&A triển khai rầm rộ.
Năm 2022 được kỳ vọng sẽ là một năm sôi động với thị trường bất động sản công nghiệp và hậu cần Việt Nam.

Tích cực mở rộng đầu tư

Chỉ hơn một tháng sau khi công bố thành lập Quỹ Phát triển Logistics GLP Vietnam Development Partners I với tổng giá trị 1,1 tỷ USD, Tập đoàn SEA Logistic Partners đã tiến hành khởi công Dự án SLP Park Xuyên Á (giai đoạn I). Đây là dự án thứ hai tại tỉnh Long An và là dự án thứ ba của SLP tại thị trường Việt Nam.

Tháng 2/2022, CapitaLand Development (CLD) - nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand - đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Bắc Giang để phát triển Dự án khu đô thị - công nghiệp - logistics với tổng giá trị 1 tỷ USD. Đây là dự án đầu tiên của CapitaLand mở rộng danh mục đầu tư từ bất động sản nhà ở sang các loại tài sản khác, như trung tâm dữ liệu, logistics và khu công nghiệp, sau gần 20 dự án đã và đang phát triển tại Việt Nam.

Ông Ronald Tay, Tổng giám đốc CLD (Việt Nam) cho biết, đây sẽ là dự án khu công nghiệp sinh thái, khu logistics hiện đại và khu đô thị thông minh với quy mô trên 400 ha. Dự án sẽ là yếu tố cộng hưởng trong hình thành mạng lưới chuỗi cung ứng linh hoạt cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Không chỉ có các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư kỳ cựu cũng tích cực mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam. Ngày 24/3, Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW - liên doanh giữa Warburg Pincus và Becamex IDC - đã công bố quỹ đất mới 20,9 ha tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 và 22,3 ha tại Khu công nghiệp Xuyên Á. Sự kiện này đánh dấu sự hiện diện của BW tại Long An và nằm trong chiến lược mở rộng tại các vùng công nghiệp trọng điểm tiếp giáp TP.HCM.

BW là nền tảng bất động sản công nghiệp và hậu cần cho thuê lớn nhất và phát triển nhanh nhất Việt Nam, với quỹ đất đắc địa hơn 7,76 triệu m2 tại 35 dự án thuộc 26 vị trí kinh tế chiến lược khắp cả nước. BW kỳ vọng, năm 2022 sẽ là một năm sôi động với thị trường bất động sản công nghiệp và hậu cần.

“Thời gian giao hàng là một yếu tố chiến lược đối với các sàn thương mại điện tử lớn, cũng như các công ty chuyển phát nhanh. Để có thể vận hành hiệu quả, thì vị trí kho bãi tốt và hạ tầng phát triển là yếu tố sống còn”, ông Lance Li, Tổng giám đốc BW cho biết.

Đối với lĩnh vực sản xuất, bất chấp khó khăn do Covid-19 gây ra, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. “Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đang chờ visa đến Việt Nam để có thể đưa ra các quyết định quan trọng”, ông Li nói thêm.

Chất xúc tác

Đầu tháng 3/2022, ông Kenny Gaw, Chủ tịch, đồng sáng lập Gaw Capital Partners (công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào thị trường bất động sản ở châu Á - Thái Bình Dương) là một trong những doanh nhân nước ngoài đầu tiên quay lại Việt Nam sau hơn 2 năm ngừng đường bay quốc tế do đại dịch Covid-19.

Ông Gaw cho biết, sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam thời gian tới sẽ là nền tảng để thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, sự bùng nổ của các phương tiện bán lẻ hiện đại như thương mại điện tử và làn sóng đầu tư nước ngoài vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nhu cầu về bất động sản công nghiệp chất lượng cao được kỳ vọng sẽ tăng lên rất nhiều.

“Xu hướng đó sẽ tiếp tục và GAW Capital Partners muốn khai thác các cơ hội dồi dào tại các thị trường phát triển nhanh nhất”, ông Gaw nói.

Không phải ngẫu nhiên mà một số lượng khá lớn các nhà máy đặt ở các nước láng giềng đều đã được di dời về đất nước hình chữ S. Theo ông Gaw, Việt Nam đang có cơ cấu dân số vàng, với 60% dân số còn rất trẻ, năng suất cao và làm việc chăm chỉ. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ vị trí địa lý chiến lược ở trung tâm của Đông Á.

Hơn nữa, Việt Nam đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, là thành viên của WTO và đã ký kết các hiệp định kinh tế quốc tế, bao gồm các hiệp định thương mại tự do với cả các đối tác trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, Việt Nam cũng tham gia các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương.

Chi phí lao động hiệu quả, hạ tầng đáng tin cậy và quy trình hành chính ngày càng được cải thiện đã giúp Việt Nam thu hút được các nhà sản xuất lớn như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap, Levis, Luxshare, Pegatron.

Gaw Capital Partners đang hợp tác với NP Capital xây dựng các dự án nhà xưởng xây sẵn tại Việt Nam. Hiện liên doanh giữa 2 đối tác đang thực hiện 4 dự án tại Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương. Liên doanh này dự tính sẽ đầu tư thêm khoảng 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 18 tháng tới, nâng tổng diện tích bất động sản công nghiệp từ 49 ha lên 100 ha trong năm 2022.

Một nhà đầu tư Singapore khác - Công ty Aurous Capital vừa ký hợp tác với Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) và Công ty VinaCapital để nghiên cứu, khảo sát lập dự án và xin phép đầu tư các khu công nghiệp, trung tâm logistics, cùng các dịch vụ phụ trợ và đô thị tại tỉnh Bắc Giang, với tổng vốn đầu tư dự tính lên đến 2,5 tỷ USD.

Ông Divya Doshi, Chủ tịch, kiêm sáng lập Aurous Capital cho rằng, Việt Nam có dân số trẻ, đông, giá nhân công cạnh tranh. “Môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng cạnh tranh, minh bạch và chúng tôi thấy gia nhập thị trường thời điểm này là quyết định đầu tư chính xác. Chúng tôi rất hào hứng với việc khám phá cơ hội và nhân rộng chiến lược tại Việt Nam”, ông nhận xét.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở TP.HCM - trung tâm thương mại của Việt Nam, nhưng câu chuyện về việc Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của đầu tư nước ngoài khó có thể thay đổi. Ngay cả khi các dự báo về triển vọng kinh tế bị hạ thấp, các nhà kinh tế vẫn tin rằng, Việt Nam sẽ sớm phục hồi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản