Bất động sản nghỉ dưỡng: Lộ diện thị trường mới nổi
Vũ Anh - 02/09/2023 08:28
 
Đầu tư dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng đang gặp nhiều thách thức, nhưng cũng lộ diện thị trường mới nổi.
Ixora Ho Tram by Fusion được ví như “mảnh ghép” hoàn hảo, nâng tầm sang trọng và hấp dẫn cho The Grand Ho Tram Strip.

“Nồi cơm” đầy từ khách nội địa

Đúng như những gì các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, lưu trú dự đoán, ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi không như kỳ vọng. Và vấn đề lớn của bất động sản Việt Nam không phải ở các dự án nhà ở đô thị, mà chủ yếu nằm ở hàng chục, hàng trăm dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển.

Dẫu vậy, đầu tháng 8/2023, “ông lớn” ở phân khúc resort nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu là The Grand Ho Tram Strip lại khai trương khối khách sạn và biệt thự mới mang tên Ixora Ho Tram by Fusion - dự án thành phần thuộc Khu nghỉ dưỡng phức hợp The Grand Ho Tram Strip.

Với 164 căn hộ và 46 biệt thự, đây được ví như “mảnh ghép” hoàn hảo, nâng tầm sang trọng và hấp dẫn cho The Grand Ho Tram Strip. Sự bổ sung dịch vụ đẳng cấp của Ixora Ho Tram by Fusion kết hợp với 1.100 phòng của 2 khách sạn đang hoạt động, là InterContinental Grand Ho Tram và Holiday Inn Resort Ho Tram Beach, cung cấp cho du khách phong cách nghỉ dưỡng đa dạng tại quần thể tiện ích chuẩn quốc tế của The Grand Ho Tram Strip.

Theo ông Walt Power, Giám đốc điều hành The Grand Ho Tram Strip, việc ra mắt Ixora Ho Tram by Fusion thể hiện cam kết vững chắc trong việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và xây dựng các khu tiếp theo của Dự án, thúc đẩy sự phát triển du lịch liên tục tại Hồ Tràm. Hơn nữa, tên tuổi này cũng muốn tận dụng cơ hội vì thị trường khách nội địa đang phát triển tốt sau Covid-19.

Đáng chú ý là, trong khi lượng khách ngoại tăng chậm, thì khách nội địa lại trở thành động lực đối với các chủ đầu tư trên thị trường khách sạn, căn hộ dịch vụ.

Được biết, trước dịch, du khách Việt Nam đến khu phức hợp nghỉ dưỡng này chiếm chưa đến 10%, chủ yếu là người Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia. Tuy nhiên, khi Covid-19 ập đến và kéo dài hơn 2 năm qua, tỷ lệ khách trong nước đã chiếm tới 80%. Đến nay, sau khi nhiều đường bay phục hồi, khách quốc tế đã chiếm hơn nửa.

Chuỗi khách sạn kiểu mới Wink Hotels - sở hữu một khách sạn ở TP.HCM và 2 khách sạn ở Đà Nẵng ghi nhận công suất phòng đạt trung bình 55% trong nửa đầu năm 2023, tăng 26% so với 6 tháng cuối năm 2022. Theo Nguyễn Hoàng Như Thảo, Quản lý Tiếp thị Chuỗi khách sạn Wink Hotels, tỷ trọng khách quốc tế và nội địa tại hệ thống này đang gần ngang ngửa.

Sau khi hoạt động phục hồi, ngành khách sạn kỳ vọng lớn vào động lực khách quốc tế. Tuy nhiên, lạm phát ở các nước giàu tăng, nhiều đường bay chưa nối lại và thị trường chính như Trung Quốc phục hồi chậm hơn dự kiến khiến niềm hy vọng được đặt vào nhu cầu du lịch của người Việt.

Các dữ liệu thống kê và khảo sát cho thấy, lượng khách nội địa tăng trưởng tích cực, bất chấp nền kinh tế có phần giảm tốc. Theo Tổng cục Du lịch, khách trong nước lưu trú qua đêm trong 7 tháng đầu năm đạt 46,7 triệu lượt, vượt kết quả cả năm 2019 - năm trước dịch (với 43,5 triệu lượt).

Nền tảng dữ liệu trực tuyến Statista (Đức) dự báo, doanh thu thị trường khách sạn Việt Nam  đạt 1 tỷ USD trong năm nay. Nửa đầu năm 2023, ở Hà Nội, công suất sử dụng phòng khối khách sạn đạt bình quân hơn 57%, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có thế mạnh du lịch ghi nhận doanh thu dịch vụ lưu trú 7 tháng tăng trên 70%, như Đà Nẵng (70%), Bà Rịa - Vũng Tàu (76%), Bình Thuận (76,5%).

Theo ông Walt Power, ngành du lịch vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, nên còn nhiều dư địa để phát triển.

Statista dự báo, doanh thu ngành khách sạn Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 7,4%/năm, đạt quy mô 2 tỷ USD vào năm 2027. Thời điểm đó, số lượng khách có thể đạt 12,3 triệu lượt.

Dịch vụ đẳng cấp tại Ixora Ho Tram by Fusion.

Lộ diện cơ hội thị trường mới nổi

Dữ liệu từ Savills cho thấy, lĩnh vực khách sạn đã chứng kiến mức suy giảm đầu tư 45% theo năm trên toàn cầu. Nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành các thị trường quan trọng sau Mỹ.

Sự phục hồi của ngành du lịch, đồng yên yếu và lãi suất thấp đã thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn của Nhật Bản. Theo báo cáo của Savills, riêng trong quý II/2023, tổng giá trị giao dịch tài sản khách sạn tại Nhật Bản đạt gần 1 tỷ USD.

Trước nhiều thách thức toàn cầu, một số khu vực và lĩnh vực đã thể hiện sự linh hoạt đáng chú ý, mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn. Trong đó, lĩnh vực khách sạn đối mặt với cả thách thức và cơ hội mới nổi. Việt Nam nổi lên trong bức tranh đầu tư toàn cầu về khả năng phục hồi cũng như sự thay đổi linh hoạt trước các xu hướng phát triển kinh tế.

Tiêu điểm Đầu tư Savills châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận có một số giao dịch mua bán - sáp nhập (M&A) lớn tại Việt Nam trong quý II/2023.

Riêng phân khúc du lịch, nghỉ dưỡng, Tập đoàn JLL đã tư vấn cho Strategic Hospitality Holdings (bên bán) thương vụ bán 3 khách sạn ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có 2 khách sạn nằm ở TP.HCM. Bên mua lại 3 khách sạn này là EverLand Opportunities IX Limited. Thương vụ trị giá hơn 106 triệu USD và đánh dấu đợt bán danh mục khách sạn đầu tiên ở Đông Nam Á trong năm 2023.

Ông Julien Naouri, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại JLL Hotels & Hospitality Group cho rằng, thương vụ trên không chỉ nhấn mạnh tới sự hồi sinh hoạt động giao dịch ở Đông Nam Á, mà còn củng cố sự hồi phục liên lục của dòng tiền trong lĩnh vực khách sạn. Nhà đầu tư cực kỳ tự tin tưởng vào các yếu tố nền tảng của lĩnh vực khách sạn Đông Nam Á.

Gần đây, các nhà đầu tư rục rịch thực thi kế hoạch mở rộng địa bàn. Tập đoàn VinaCapital đề xuất phát triển khu nghỉ dưỡng sinh thái tại tổ Vôi (phường Thái Bình, TP. Hòa Bình) và xã Vầy Nưa (huyện Đà Bắc) của tỉnh Hòa Bình. Theo đó, ý tưởng triển khai khu du lịch nghỉ dưỡng với 5 phân khu, trong đó, khu 1 gồm khách sạn, trung tâm văn hóa; khu 2 là biệt thự sinh thái, khu tiện ích (nhà hàng, hồ bơi vô cực); khu 3 và khu 5 gồm biệt thự tiêu chuẩn và biệt thự vườn, trung tâm trị liệu, chăm sóc sức khỏe, vườn cộng đồng, khu trưng bày, mua bán nông sản; khu 4 gồm khách sạn boutique và chăm sóc sức khỏe, trung tâm sự kiện, khu cắm trại cao cấp, khu giáo dục kết hợp giải trí.

Tập đoàn VinaCapital cũng dự kiến phương án xây dựng thêm 5 cầu tàu tại 5 phân khu chức năng để thuận tiện trong việc di chuyển, tăng tính kết nối, hội nhập chung với tuyến du lịch đường thủy của Thành phố.

Theo đánh giá của ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam, mặc dù có áp lực ngắn hạn về lạm phát cũng như sự sụt giảm về sản xuất và xuất khẩu, song triển vọng trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực.

Việc giảm lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách giảm chi phí vốn cho người vay và các tổ chức tín dụng.

Trong khi đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang cho thấy nhiều cơ hội hứa hẹn. Mặc dù tổng vốn FDI giảm, các dự án mới đăng ký và vốn đã tăng mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Những cải thiện về phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và đầu tư vào trung tâm sáng tạo tại Việt Nam cũng đang góp phần giúp thị trường hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.

Thực tế, Việt Nam đang là thị trường được nhiều tổ chức đầu tư lựa chọn.

Tại trụ sở ở Singapore của Cushman & Wakefield có 80 nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới, nhiều trong số đó là nhà đầu tư châu Á. Các nhà đầu tư này chú ý đến các thị trường như Nhật Bản, Australia và Việt Nam.

Đại diện Cushman & Wakefield cho rằng, tâm lý tích cực dành cho Việt Nam là nhờ lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh và các chỉ số cơ bản khá tiềm năng như dân số trẻ, tỷ lệ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư tổ chức luôn nhắm đến các thị trường ổn định và đáng tin cậy. Các nhà đầu tư cũng nhận thấy nhiều nghị định và quy định mới được ban hành tại Việt Nam, bên cạnh nhiều sáng kiến tích cực khác mà Chính phủ đang thực hiện để cải thiện tính minh bạch, chấp hành pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung.

Ông Matthew Bouw, CEO khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield nhận định, Việt Nam phải tiếp tục khẳng định là một điểm đến tuyệt vời để đầu tư, với quy định phù hợp cũng như hạ tầng tốt, duy trì những động lực tăng trưởng, kèm theo các yếu tố hỗ trợ cần thiết cho nhà đầu tư như tính minh bạch, tính tuân thủ, nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng.

Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại Hà Nội, trong quý II/2023, có 17 dự án du lịch, nghỉ dưỡng được chào bán, cung cấp ra thị trường 455 sản phẩm, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều dự án nghỉ dưỡng đang triển khai bị gián đoạn do chủ đầu tư thiếu dòng tiền. Hàng loạt dự án cao cấp liên tục lùi thời gian mở bán. Sản phẩm căn hộ du lịch rục rịch chào bán trở lại trước thông tin sắp được cấp “sổ” theo Nghị định 10/2023/NĐ-CP.

Sức cầu thị trường tăng nhẹ, nhưng không đáng kể, với tỷ lệ hấp thụ chỉ xấp xỉ 24% lượng cung mở bán. Lượng giao dịch chủ yếu tới từ các sản phẩm nghỉ dưỡng có pháp lý đầy đủ, được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế hoặc có giá trung bình, khoảng dưới 40 triệu đồng/m2. Các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp (giá trên 10 tỷ đồng) gần như không ghi nhận giao dịch, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm “cắt lỗ” của nhà đầu tư mua trước đó. Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận, hỗ trợ lãi suất… nhằm kích cầu thị trường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản