Bất động sản nghỉ dưỡng thêm động lực bứt phá
Việt Dũng - 08/04/2023 08:38
 
Với triển vọng tích cực của nền kinh tế và kỳ vọng phục hồi du lịch, cộng thêm việc sở hữu những yếu tố nền tảng hấp dẫn, bất động sản nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại.
Bất động sản nghỉ dưỡng được xem là phân khúc chủ đạo của thị trường địa ốc các địa phương ven biển miền Trung. Ảnh: Lê Toàn

Phục hồi chưa như kỳ vọng

Được xem là phân khúc chủ đạo của thị trường các địa phương ven biển miền Trung, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bất động sản nghỉ dưỡng đã bị tụt lại phía sau so với các phân khúc khác trên thị trường. Năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát và Việt Nam mở cửa hoạt động du lịch quốc tế trở lại, ngành du lịch vẫn gặp nhiều thách thức khiến quá trình khôi phục của thị trường này cũng chậm theo.

Báo cáo mới đây của DKRA Group cho biết, thanh khoản bất động sản nghỉ dưỡng liên tục sụt giảm do ảnh hưởng bởi khó khăn chung trên thị trường. Riêng 2 tháng đầu năm 2023, nguồn cung của các phân khúc nghỉ dưỡng ghi nhận mức thấp nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, cả nước chỉ ghi nhận 3 căn biệt thự nghỉ dưỡng mới và chỉ một căn được giao dịch. Shophouse nghỉ dưỡng có 6 căn mới ra thị trường - mức thấp nhất từ trước tới nay, nhưng thị trường không ghi nhận giao dịch nào đối với loại hình này. Đáng chú ý, phân khúc căn hộ khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) không có dự án mở bán mới. Thị trường gần như “đóng băng” sau những tín hiệu hồi phục tích cực giai đoạn đầu năm 2022.

“Sau 2 năm đại dịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tuy đã dần quay trở lại, nhưng tốc độ chưa đạt được như mức trước dịch”, đại diện DKRA Group nói và cho biết, trước áp lực về lạm phát, lãi suất, nguồn vốn tín dụng bị tắc nghẽn chưa được tháo gỡ, nhiều chủ đầu tư có tâm lý thận trọng khi đưa sản phẩm ra thị trường và liên tục dời thời gian bán hàng do chưa đạt lượng đặt trước như kỳ vọng.

Thêm động lực bứt phá

Ghi nhận của Báo Đầu tư cho thấy, bên cạnh các yếu tố vĩ mô, những động thái tháo gỡ về pháp lý mới đây của Chính phủ sẽ giúp phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng “tỉnh giấc”. Cụ thể, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật Đất đai mới đây đã quy định chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), việc ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP có ý nghĩa rất lớn trong việc tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, cụ thể là cho người mua condotel và văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng trong bối cảnh phân khúc này chìm trong giấc ngủ dài do vướng mắc về pháp lý.

Điều này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trở lại đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn được đánh giá rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam, qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, cần phải có hướng dẫn chi tiết, dễ xử lý những vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đồng quan điểm, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME cho rằng, căn cứ khoản 4, Điều 1, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh đã có đủ căn cứ pháp luật để cấp giấy chứng nhận cho căn hộ du lịch. Tuy nhiên, nội dung này chỉ áp dụng với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ, nên phạm vi điều chỉnh rất hẹp, chưa đồng bộ, thống nhất với khoản 2, Điều 6, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP trước đó.

Do vậy, cần sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 1, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP để cấp giấy chứng nhận cho condotel, officetel và các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khái quát cao về phạm vi điều chỉnh của quy phạm pháp luật.

Theo số liệu thống kê của VNREA, năm 2022, cả nước có 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel, giá trị ước tính 297.000 tỷ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỷ đồng; gần 30.900 shophouse, giá trị ước tính 154.000 tỷ đồng.

Đến nay, hầu hết các sản phẩm này chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho các nhà đầu tư thứ cấp, nên chưa thể giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp. Đây chính là điểm nghẽn trong phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Bất động sản